"Mô hình thành phố Ôn Châu" với những công ty sản xuất với chi phí thấp, quy mô nhỏ đã từng được nhân rộng ở Trung Quốc nhưng Ôn Châu hiện đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, hỗn loạn như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác trong cơn suy thoái.
Ôn Châu được biết đến như một thành phố nổi tiếng về sản xuất giày, kính mắt, chuông điện, công tắc điện, van nước và là công xưởng sản xuất hơn 70% số bật lửa của thế giới. Nhưng "sản phẩm" nối tiếng nhất của thành phố này chính là các doanh nhân.
Bao quanh bởi các dãy núi, đất canh tác hạn chế, người dân của thành phố biển Đông Nam Trung Quốc này tồn tại chủ yếu nhờ vào thương mại trong nhiều thế kỷ qua.Thậm chí, từ thời Mao Trạch Đông, khi chủ nghĩa tư bản bị phản đối kịch liệt thì những doanh nghiệp tư nhân nơi đây chưa từng ngừng sản xuất.
Ôn Châu phát triển rực rỡ ngay sau khi Trung Quốc tiến hành đổi mới vào cuối những năm 70. "Mô hình thành phố Ôn Châu" với những công ty sản xuất với chi phí thấp, quy mô nhỏ đã từng được nhân rộng ở Trung Quốc.
Hậu họa của tín dụng đen
Giờ đây, thành phố này đã có tới 140.000 công ty lớn nhỏ, thu hút thương nhân đến từ khắp nơi trên đất Trung Quốc đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản đến khai khoáng. Ôn Châu giờ trở thành điểm quy tụ và biểu trưng cho loại hình doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc.
Thế nhưng trong những tuần gần đây uy tín của những chủ doanh nghiệp Ôn Châu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng tá ông chủ nhà máy phải bỏ trốn vì không trả được nợ và ít nhất đã có 2 người tự tử.
Nguyên nhân của vấn đề này một phần vì những thách thức của môi trường kinh doanh. Cầu của các thị trường xuất khẩu như Mỹ và châu Âu giảm, tiền lương và chi phí cho nguyên liệu trong nước gia tăng, đồng nhân dân tệ mất giá khiến cho hàng hóa Trung Quốc trở lên đắt đỏ hơn tại các thị trường nước ngoài.
Công nhân tại một nhà máy sản xuất giày tại Ôn Châu, TQ |
Nhưng nguyên nhân chính của những rủi ro mà Ôn Châu đang phải đối mặt là do tình trạng cho vay nhỏ lẻ truyền thống của địa phương. Vì những ngân hàng Trung Quốc chỉ thích cho những doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước, có hậu thuận của chính quyền địa phương vay nên về lâu dài các thương nhân của Ôn Châu phải bắt tay nhau để giải quyết vấn đề tài chính.
Giáo sư Hồ Chấn Hoa (Đại học Ôn Châu) cho rằng, "cho vay tư nhân và doanh nghiệp tư nhân thường đi đôi với nhau, cái này không thể tồn tại nếu thiếu cái kia". Tuy nhiên, mối quan hệ đó đang trong tình trạng căng thẳng.
Những nỗ lực kiềm chế lạm phát của của chính phủ Trung Quốc trong những năm qua đã hạn chế cho vay tín dụng dẫn đến nhu cầu những khoản vay bí mật tăng cao. Những nhà đầu tư bao gồm cả những cổ đông của các công ty lớn ở Ôn Châu cũng phải trả những khoản lãi lớn cho các khoản vay tư nhân có lúc lãi suất lên tới 60%. Ngược lại, lợi nhuận các doanh nghiệp thu được lại không ổn định.
Ở thành phố này, mọi người đều cho vay và đi vay thông qua mạng lưới không chính thức, lãi suất thường rất cao. Khả năng tiếp cận với hình thức huy động vốn không qua ngân hàng của các doanh nhân Ôn Châu có thể là một trong những nhân tố khởi nguồn cho sự thành công ở thành phố này nhưng giờ đây đã trở thành nguy cơ làm cho nền kinh tế của thành phố này đi xuống. Các doanh nhân Ôn Châu mở rộng phạm vi đầu tư trên khắp Trung Quốc khiến người dân cả nước Trung Quốc đều cảm nhận được tình trạng suy yếu của thành phố này.
Một năm sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu, chính phủ Trung Quốc đề xuất gói kích cầu 586 tỷ USD và yêu cầu các ngân hàng áp dụng hình thức vay tín trên toàn thị trường, tất cả đều nỗ lực hướng tới mục đích cuối cùng là kích thích nền kinh tế nội địa tăng trưởng mạnh.
Thế nhưng ở giữa một biển tín dụng như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những nơi như Ôn Châu vẫn gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng vì các khoản tiền đó chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Đối với những công ty tư nhân, chính sách khuyến khích này được coi là "cơn mưa không bao giờ tới được mặt đất bởi vì đã bị chặn lại giữa không trung. Vì vậy đất phải lấy nước từ trong lòng đất". Nhưng giá của nguồn vốn ngầm này không hề rẻ thường cao hơn lãi suất ngân hàng từ 7-8%.
Những nhà xuất khẩu Ôn Châu đang phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận ngày càng thu hẹp thì nhu cầu rót tiền vào một tổ chức chung không chính thức để cho vay với lãi suất cao là vô cùng lớn. Mặc dù biết cho vay hoặc đi vay dưới hình thức này rất nguy hiểm nhưng rất nhiều người Ôn Châu vẫn làm thế. Chính phủ ước tính năm nay 60% doanh nghiệp và 90% những hộ gia đình Ôn Châu dùng hình thức vay tư nhân.
Vấn đề thực sự bùng nổ vào mùa hè năm ngoái khi mà những con nợ lớn không trả được nợ nữa. Vào tháng 9, ông Hô Phúc Lâm, Giám đốc tập đoàn Xintai đã phải trốn sang Mỹ để tránh khoản nợ 300 triệu USD.
Khi ông quay trở lại Trung Quốc thì tình hình vẫn rất đáng sợ - 90 giám đốc các công ty khác cũng bỏ trốn. Khi mà đã lấy lại được tiền, không ai muốn cho vay cả, thậm chí với cả những người bạn thân thiết. Hiện tượng "bong bóng thị trường" đã bùng nổ ở Ôn Châu.
Những bất ổn của một thành phố kiểu mẫu
Mọi thứ dường như vẫn diễn ra bình thường ở Ôn Châu. Những con phố từ trung tâm thành phố tới những quận huyện xung quanh vẫn đông nghịt như thường. Tuy nhiên bên dưới cảnh nền ấy, một cuộc chạy đua thu nợ đang diễn ra.
Một người dân chia sẻ, nếu người ta có thể lấy lại được tiền của mình bằng cách chĩa súng vào người khác thì có lẽ đã có một cuộc nổi loạn ở Ôn Châu. Thành phố này có một vẻ bề ngoài thanh bình nhưng thực chất bên trong lại đang rất hỗn loạn.
Đầu tháng 10 vừa qua, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến thăm thành phố Ôn Châu và cũng yêu cầu các ngân hàng địa phương cho vay nhiều hơn và hứa sẽ xử lý tình trạng cho vay ngầm sai trái. Chính quyền địa phương cũng đã gây quỹ 160 triệu USD để giúp đỡ những doanh nghiệp khó khăn và quỹ này đang tăng lên.
Giáo sư Hồ cho rằng vấn đề lớn ở đây là những gì sắp xảy ra vào tháng một, trước Tết của người Trung Quốc, khi những chủ nợ tư nhân Ôn Châu đòi những khoản cho vay lớn.
Để giải quyết được vấn đề tiền mặt, những con nợ sẽ bán tháo tài sản, bất động sản làm bùng nổ hiện tượng bong bóng trong thị trường tài sản cố định không những ở Ôn Châu mà còn cả Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác nơi mà các nhà đầu tư Ôn Châu đầu tư vào.
Tuy vậy, Ôn Châu vẫn chỉ chiếm 1% tổng giá trị GDP của Trung Quốc. Một chủ doanh nghiệp Ôn Châu chia sẻ khi thị trường hồi sinh ông sẽ sẵn sàng dành 30% tài sản để cho vay tư nhân.
Ông nói: "Nếu một người Ôn Châu có 10 triệu nhân dân tệ, anh ta sẽ chẳng bao giờ gửi nó hết ở ngân hàng. Anh ta sẽ dành ít nhất 3,5 triệu cho một loại hình đầu tư nào đó. Người dân Ôn Châu không hề ngốc đâu". Toàn bộ người dân Trung Quốc còn lại đều hy vọng như vậy.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com