Mười tháng trước, châu Á lo sợ sẽ rơi theo Mỹ vào thời kỳ huỷ diệt sự thịnh vượng vì khủng hoảng tài chính. Thị trường chứng khoán hỗn loạn, xuất khẩu sa sút, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Giá địa ốc cao ngất ở Trung Quốc và các nước châu Á khác như đổ sập, khi tín dụng bị siết chặt và người mua thưa vắng nhanh chóng
Nhưng ngay khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, cơn say chứng khoán và địa ốc lại trỗi dậy. Giá địa ốc và chứng khoán đang tăng mạnh ở nhiều nước châu Á. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Thượng Hải tăng 90% trong năm nay, giá cổ phiếu ở Indonesia tăng 70%, trong khi chỉ số S&P của Mỹ chỉ tăng 11% (S&P 500 là chỉ số các cổ phiếu của 500 công ty có mức vốn hoá thị trường lớn nhất nước Mỹ).
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng bong bóng giá địa ốc từng vỡ khi kinh tế toàn cầu suy thoái nay có thể đang căng phồng trở lại. Các thị trường tài sản ở châu Á có thể sẽ lại quá nóng như thị trường địa ốc Mỹ vài năm trước, và sẽ lại có nguy cơ sụp đổ. “Thế giới không thay đổi, nó chỉ dịch chuyển đến những điểm vỡ tung khác”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC, nhận xét như vậy trong một báo cáo gần đây.
Với các ngân hàng trung ương, hạ lãi suất và đổ tiền dồn dập vào khu vực tài chính nhằm duy trì các dòng tiền cho vay và tăng trưởng kinh tế là giải pháp ứng cứu hợp lý. Nhưng có bằng chứng cho thấy quá nhiều tiền đã được tung ra, và lượng tiền này cuối cùng lại đổ vào chứng khoán và địa ốc. Điều này khiến giá tài sản tăng quá nhanh so với bản chất nền kinh tế vốn đang ở mức “dưới chuẩn”. “Chúng ta vẫn chưa ở trong tình trạng căng phồng. Nhưng nguy cơ là có thực. Có tình trạng phục hồi quá đột ngột, đặc biệt là từ khi bong bóng này được bơm hơi bằng các chính sách nới lỏng tiền tệ”, David Cui, chuyên gia về chiến lược khu vực Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Banc of America Securities – Merrill Lynch ở Thượng Hải, nhận xét.
Lo ngại tập trung vào Trung Quốc. Tổng lượng cho vay ngân hàng ở nước này tăng 201% trong nửa đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.100 tỉ USD. Sự phục hồi nhanh chóng đem lại mức tăng trưởng GDP 7,9% đáng ngạc nhiên trong quý 2 và làm các nhà đầu tư địa ốc và chứng khoán phấn chấn. Theo số liệu từ chính phủ, giá nhà ở 36 đô thị trong tháng 6 đã tăng 6,3% so với một năm trước. Ở thành phố Nam Kinh vào tháng trước, 3.000 người tranh nhau tờ đăng ký mua một suất trong số 600 căn hộ của một dự án địa ốc. Những dấu hiệu sôi sục này là một triệu chứng cho thấy bong bóng đang căng lên.
Phấn chấn đã “lây lan”. Giá cổ phiếu của China State Construction Engineering, công ty xây dựng nhà ở lớn nhất Trung Quốc, tăng 56% trong ngày đầu tiên (29.7) niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Tại Singapore, chỉ số sang nhượng căn hộ do uỷ ban Nhà ở Singapore, một chỉ số quan trọng thể hiện thực trạng thị trường tài sản của nước này, trong quý 2 đã tăng theo mức ước tính cả năm là 5%, cao nhất từ trước đến nay. Tại Hong Kong, giá địa ốc cũng lấy lại phong độ sau đợt sụt giảm thê thảm hồi năm ngoái và đang leo đến đỉnh cao như từng đạt được vào năm 2008.
Điều các chuyên gia kinh tế lo ngại là giá cả tăng quá nhanh, và nguy cơ xuất hiện chút thông tin kinh tế kém khả quan khiến các thị trường tài sản lộn nhào. Rồi khi các ngân hàng trung ương châu Á bắt đầu các bước khoá van rót tiền, thị trường sẽ biến động theo chiều hướng xấu. Ngày 29.7, trước tin đồn Bắc Kinh bắt đầu siết chặt tín dụng, thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt giảm 5%, mức sụt giảm lớn nhất trong tám tháng qua.
Nhiều nhà kinh tế tin rằng các nhà làm luật sẽ không siết chặt chính sách tiền tệ và các biện pháp kích thích kinh tế. “Gần như không có khả năng về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ làm điều gì đó trong năm nay dẫn đến việc siết chặt tiền tệ. Sự phục hồi mới chỉ ở những giai đoạn đầu”, Andy Rothman, chuyên gia kinh tế của công ty môi giới chứng khoán CLSA ở Thượng Hải, nhận xét. Lúc này, có thể chưa có quả bong bóng nào căng lên, nhưng tình trạng tiền dễ vay vẫn tồn tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một bong bóng khác phình ra trong tương lai. Trong một nền kinh tế toàn cầu lắm thăng trầm trong hai năm qua, châu Á dường như đang lao đầu vào một nguy cơ suy thoái khác.
(Theo Hùng Khương /SGTT/(Time)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com