Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á: Nguy cơ thâm hụt ngân sách tăng vì giá dầu

Với việc giá dầu và lương thực vẫn tăng cao, thâm hụt ngân sách của các nước châu Á sẽ tiếp tục tăng do chính phủ phải chi cho các chương trình trợ giá nhằm giữ giá cả tiêu dùng ở mức thấp và tránh lạm phát.

Báo cáo hôm 10/3 của ngân hàng Merrill Lynch chỉ ra rằng, các nước trợ giá dầu nhiều nhất tại châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan có khả năng sẽ không đạt được mục tiêu ngân sách trong năm nay do giá dầu tăng mạnh.

Hôm 11/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, nguy cơ giá dầu ngày một cao đã trở thành mối đe doạ lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu giá dầu ở mức 120USD/thùng thì tăng trưởng GDP của phần lớn các nền kinh tế lớn nhất của châu Á trong năm nay sẽ giảm từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.

Tuần trước, giá dầu được giao dịch với mức gần cao nhất trong ba năm qua là 112USD/thùng. Giá dầu cao sẽ buộc các chính phủ phải bán thêm nợ, đẩy lợi tức trái phiếu tăng lên trong khu vực.

Cổ phiếu của hãng hàng không Thai Airways International, hãng có chi phí mua xăng dầu chiếm tới 60% tổng chi phí hoạt động, đã giảm 24% trong năm nay. Cổ phiếu của hãng hàng không lớn thứ hai Trung Quốc theo giá trị thị trường là China Southern Airlines cũng giảm 25%. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc là PetroChina tăng 16% trong cùng khoảng thời gian này.

Các nước không trợ giá tiêu dùng như Singapore, Hong Kong và Trung Quốc đã triển khai các chương trình như hỗ trợ giá để giải quyết vấn đề chi phí thực phẩm và nhà ở tăng cao. Trong vòng hai năm tới, các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Malaysia đều có cuộc bầu cử, vì vậy các chính phủ khó có thể cắt giảm nợ khi còn phải giữ giá xăng dầu và lương thực ở mức chấp nhận được đối với các cử tri.

Tại Ấn Độ, mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách của bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee rất có thể không đạt được khi mà chính phủ nước này vừa thông qua kế hoạch giữ giá gas, xăng và dầu diesel ở mức thấp cho 800 triệu người nghèo trong nước. Ông Mukherjee đặt mục tiêu giảm thâm hụt chi tiêu từ mức 5,1% GDP hiện tại xuống còn 4,6% trong năm tài khoá tới.

Nợ công của Ấn Độ hiện ở mức cao nhất tại châu Á, tương đương 73% GDP. Nước này phải nhập khẩu ba phần tư lượng năng lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong một năm.

Theo ước tính của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, chương trình hỗ trợ giá dầu của Malaysia có thể lên tới 14 tỷ ringgit (4,6 tỷ USD) trong năm nay nếu như giá dầu tại đây không tăng. Theo ông, chính phủ Malaysia hiện đang xem xét liệu có cần thiết tạm dừng giảm hỗ trợ trong thời gian ngắn hay không.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã lên kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy. Điều này sẽ khiến ông khó có thể tăng mức giá trần ấn định là 30 bạt (0,99 đôla)/lít xăng diesel. Theo bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij, chính phủ cần giảm hỗ trợ xăng dầu bởi quỹ này sẽ cạn vào tháng Bảy.

Indonesia cũng đối mặt với những khó khăn với việc giá dầu ngày một cao. Nước này đã có chương trình hỗ trợ giá xăng dầu kể từ thậy kỷ 1950, và kể từ đó, các động thái nhằm giảm các chương trình hỗ trợ này đều gây ra tình trạng bất ổn xã hội, đặc biệt là việc nổ ra các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, mục tiêu thâm hụt ngân sách của Indonesia trong năm nay là 1,8% GDP giúp chính phủ nước này có nhiều lựa chọn hơn để hành động. Malaysia đặt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách là 5,4% GDP, trong khi Thái Lan là 5% GDP. Điều này có nghĩa là tình hình tài chính của Malaysia, cũng như Ấn Độ, hiện đã ở trong tình trạng đáng lo ngại, trong khi đó Indonesia vẫn còn thời gian để giải quyết vấn đề này.

(Vitinfo)