Một cuộc “ẩu đả” đáng lo ngại đang diễn ra liên quan đến biển Đông. Trung Quốc đang chuẩn bị đấu giá hai hạng mục vốn được thừa nhận rộng rãi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nằm trong khu vực dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở, bất chấp việc Hà Nội đã dành quyền khai thác dầu khí tại đây cho Ấn Độ.
Tuần Việt Nam giới thiệu phân tích của ông Harsh V.Pant, giáo sư trường King's College. Theo ông, bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ giới hạn ở biên giới biển và các quyền khai thác tài nguyên, mà còn phản ánh "tình trạng đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc đang nổi tại châu Á".
Trong khi thế giới tập trung vào căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Philippines tại biển Đông, Bắc Kinh và Delhi cũng lao vào một cuộc chiến thầm lặng tại các vùng biển đang tranh chấp. Bằng việc đem ra đấu giá quốc tế chín lô dầu khí mà Ấn Độ đã được Việt Nam cấp quyền khai thác, Trung Quốc đã thách đấu. Bằng việc quyết định kiện lô đã được ký hợp đồng khai thác, Ấn Độ khẳng định sẵn sàng nhận lời thách đấu của Trung Quốc.
Cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến biển Đông đã hình thành từ hơn một năm nay. Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng 10/2011 nhằm xúc tiến khai thác dầu tại biển Đông và hiện đã khẳng định lại quyết định của mình về việc này, bất chấp thách thức của Trung Quốc về tính pháp lý của sự hiện diện của Ấn Độ.
Với việc chấp nhận lời mời của Việt Nam khai thác dầu và khí đốt ở các lô 127 và 128, công ty dầu mỏ nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL), không chỉ thể hiện mong muốn của New Delhi là làm sâu sắc thêm quan hệ bằng hữu với Việt Nam, mà họ còn thể hiện thái độ làm ngơ trước lời cảnh báo của Trung Quốc là phải tránh xa nơi này...
Trung Quốc phản đối các dự án khai thác của Ấn Độ trong khu vực, cho rằng phần lãnh thổ này thuộc chủ quyền của mình. Trong khi Ấn Độ tiếp tục khẳng định rằng các dự án khai thác này thuần túy mang tính thương mại, Trung Quốc lại coi các hoạt động đó là một vấn đề chủ quyền.
Các động thái của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo lắng, Bắc Kinh vốn nhìn cam kết ngày càng lớn của Ấn Độ tại Đông Á một cách nghi ngại. Quyết định của Ấn Độ khai thác dầu khí với Việt Nam diễn ra sau một sự cố tháng 7/2011 trong đó, một tàu chiến không xác định danh tính của Trung Quốc đã yêu cầu tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ, khi đó đang có chuyến thăm chính thức tới Nha Trang và Hải Phòng, phải "báo danh" và giải thích sự hiện diện của mình tại khu vực ngay sau khi rời khỏi lãnh hải của Việt Nam. Thực tế là sau khi thăm cảng ở Việt Nam theo kế hoạch, tàu của Ấn Độ đã ra vùng biển quốc tế.
....Tháng 6/2012, Tập đoàn Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm trong các vùng biển mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Lô 128, nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS, là một trong 9 lô trên. Bằng việc mời thầu quốc tế một lô dầu khí của Việt Nam đang được một công ty dầu lửa của Ấn Độ khai thác, Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ vào chân tường.
Ấn Độ đã tỏ ra không sợ hãi trước các mánh lới của Trung Quốc. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012, Ấn Độ lớn tiếng khẳng định ủng hộ không chỉ tự do hàng hải mà cả việc tiếp cận các nguồn tài nguyên phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
New Delhi, vốn thường thích ngồi ngoài lề và tránh tham gia vào các bên, hẳn cho rằng họ không thể tiếp tục thụ động như vậy nếu muốn bảo vệ uy tín của mình trong vai trò một tác nhân lớn ở cả Đông Á và Đông Nam Á.
Giống như các cường quốc khác, Ấn Độ cũng lo ngại về thách thức của Trung Quốc đối với việc tiếp cận tự do với các vùng biển của Đông Nam Á. Lối qua Biển Đông có vai trò rất quan trọng đối với thương mại và an ninh quốc tế nên không thể do một quốc gia đơn lẻ kiểm soát.
Trong khi đó, Trung Quốc cố gắng hết mình để khuấy đục nước biển Đông. Những lo ngại càng tăng liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đòi sở hữu hầu hết diện tích biển Đông và hành vi mang tính xác quyết của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Trong một nỗ lực mới nhất nhằm khẳng định các yêu sách của mình đối với khu vực này, Trung Quốc đã quyết định thành lập một đơn vị quân đội trên Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai cảnh báo về "tinh thần sẵn sàng chiến đấu" ấy: các đội tuần tra trên không và trên biển của Trung Quốc sẵn sàng "bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của chúng tôi" tại biển Đông.
Trong một cuộc phô trương sức mạnh và với sự giúp đỡ của Campuchia, Trung Quốc đã ngăn cản ASEAN ra một thông cáo chung. Đây là lần đầu tiên ASEAN không thể ra thông cáo chung sau các hội nghị kể từ khi thành lập tổ chức này 45 năm qua. Trung Quốc thành công trong việc áp dụng chính sách "chia để trị", từ đó đảm bảo rằng tranh chấp vẫn là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với từng nước có yêu sách.
Khi Trung Quốc gợi ý rằng họ muốn mở rộng các vùng lãnh hải của mình - vốn thông thường kéo dài 12 hải lý tính từ đường cơ sở - để bao chùm toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, rõ ràng họ đang thách thức nguyên tắc căn bản về tự do hàng hải. Tất cả các cường quốc biển, trong đó có Ấn Độ, đều có lợi ích quốc gia trong quyền tự do hàng hải, tự do tiếp cận với các vùng biển quốc tế tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông. Nhiều tháng nay, Trung Quốc đã va chạm với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines liên quan đến các vấn đề khai thác dầu khí tại biển Hoa Đông và biển Đông.
Lợi ích của Ấn Độ trong việc tiếp cận với các nguồn năng lượng của Việt Nam đặt họ vào vị trí xung đột trực tiếp với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Vấn đề này không đơn thuần về thương mại và năng lượng. Nó liên quan đến sự đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc đang nổi trên bản đồ châu Á. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn Độ Dương, như New Delhi phỏng đoán, thì Ấn Độ cũng có thể làm điều tương tự ở biển Đông. Vì sức mạnh của Trung Quốc đang lên, họ sẽ thử thách quyết tâm của Ấn Độ trong việc duy trì sự hiện diện tại biển Đông.
Ấn Độ từ lâu đã là một quan sát viên thụ động đứng nhìn các căng thẳng biển và các yêu sách lãnh thổ ngày càng gia tăng trong khu vực. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đang dồn Ấn Độ vào chân tường, buộc nước này phải bảo vệ tự do hàng hải, luật pháp quốc tế, các mối quan hệ với các nước Đông Á khác và uy tín của mình trong vai trò một cường quốc đang nổi.
Các động thái khiêu khích của Trung Quốc, vươn tới tận Ấn Độ Dương trong khi đòi chủ quyền đối với biển Đông, có thể đi ngược lại với các lợi ích dài hạn của chính họ, gây ra tình trạng bất chắc và không tin tưởng trong lòng các nước láng giềng. Điều này chỉ có thể càng khẳng định tai tiếng rằng Trung Quốc là một kẻ bắt nạt trong khu vực và càng gắn kết các nước khác, khẳng định mong muốn hướng tới một biển Đông không xung đột. Thách thức đối với Ấn Độ là đạt tham vọng chiến lược bằng các nguồn lực và năng lực thích hợp./.
Tác giả: Châu Giang theo Gyaleglobal
Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com