Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính trường Nhật Bản: Nội các mới, thách thức cũ

Nội các mới của Nhật Bản ra mắt tại Tô-ki-ô. Ảnh: Reuters

Nội các mới của Nhật Bản do Thủ tướng Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma đứng đầu đã bắt tay vào những giờ làm việc đầu tiên ngày 17-9.

Mặc dù tập trung nhiều nhà chính trị có kinh nghiệm, song, liên minh cầm quyền mới không có sự tham gia của đảng Dân chủ Tự do (LDP) kể từ năm 1994 đã ngay lập tức phải đối mặt với một loạt thách thức cũ như: Khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, dân số ngày càng già cỗi và dự toán ngân sách năm 2010… Đây chính là những "căn bệnh" mà đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) từng cam kết sẽ "chữa chạy" thành công trước cử tri trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua.

Lên nắm quyền khi nền kinh tế chưa thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma đang đối mặt với đòi hỏi nóng bỏng của dư luận xã hội về một liên minh do DPJ lãnh đạo có thể tạo ra một kỷ nguyên mới ở Nhật Bản như từng cam kết hay không. Vì thế, thách thức lớn nhất của nội các mới vẫn là khôi phục kinh tế. Điều này được Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma khẳng định ngay trong ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng rằng, nội các mới sẽ thực hiện ngay những kế hoạch nhằm nhanh chóng đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma vừa đưa ra là tăng cường sự hợp tác và tính minh bạch giữa các bộ; chấm dứt tình trạng những nhân vật quan liêu kiểm soát tài chính quốc gia. Như một khẳng định cụ thể, ngay trong 24 giờ sau khi ra mắt nội các mới, Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma đã cho ngừng ngay những khoản ngân sách còn dở dang của năm 2009 để cắt bỏ khoảng 800 tỷ USD những khoản chi chưa cần thiết; đồng thời dự toán lại ngân sách 2010. Đây là một khác biệt lớn so với các nội các tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Ta-rô A-xô. Tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, hai bước đi này sẽ thành công nhờ một cơ quan chiến lược cũng vừa được thành lập.

Biện pháp được xem là mới này của chính quyền Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng cũng đủ tạo cảm giác phá vỡ bế tắc trong dân chúng Nhật Bản về hướng khôi phục nền kinh tế của chính phủ mới trong bối cảnh hiện nay. Song, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được dự toán ngân sách 2010 với yêu cầu không được chậm trễ không hề đơn giản. Trong khi đó, chính quyền mới còn phải giải quyết các cam kết khác như: tăng trợ cấp trẻ em, y tế, bỏ thu phí cao tốc… Có ý kiến cho rằng, sự có mặt của những người kinh nghiệm, dù cao tuổi trong nội các mới cho thấy một cái nhìn thực tế và dự toán ngân sách 2010 sẽ là "hòn đá thử vàng" với nội các của ông Ha-tô-y-a-ma.

Một trong những vấn đề đối ngoại được dư luận đặc biệt quan tâm cũng là thách thức với nội các mới, đó là xử lý mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Điều này đã được tân Ngoại trưởng Ca-chư-y-a Ô-ca-đa khẳng định rằng, Nhật Bản sẽ thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ. Ông Ô-ca-đa cho rằng, Nhật Bản không nên gia hạn sứ mệnh tiếp dầu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) ở Ấn Độ Dương một cách dễ dàng khi thời hạn kết thúc vào tháng 1-2010 đang đến gần. Song, dư luận cho rằng, đây là hai vấn đề hóc búa vì Tô-ki-ô sẽ làm gì khi thoát khỏi "chiếc ô hạt nhân" của Oa-sinh-tơn (?). Còn sứ mệnh MSDF, nếu bị ngừng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ...

Tuy nhiên, Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma lên nắm quyền với tỉ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ khá cao. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Hãng tin Ky-ô-đô cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các mới hiện lên tới 72%, cao hơn 23,4% so với nội các của cựu Thủ tướng Ta-rô A-xô cùng thời. Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy, tỉ lệ ủng hộ DPJ tăng 6,5% lên 47,6%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, tỉ lệ trên cũng cho thấy, vẫn còn không ít người dân Nhật Bản còn nghi ngờ các kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế mà nội các mới vừa tung ra.

Việc nội các mới của Nhật Bản nhanh chóng thông qua kế hoạch hành động đầu tiên đã khiến nhiều người dân Nhật Bản lạc quan. Nhưng, liệu Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma có đủ kỹ năng lãnh đạo để không chỉ đề ra mà còn thực thi những kế hoạch kinh tế, xã hội và đối ngoại… hay không là điều đang được dư luận ở cả Nhật Bản và khu vực quan tâm, chờ đợi.

(Theo Đình Hiệp // Hanoimoi Online)

  • Châu Á: Nở rộ hiệp định thương mại tự do
  • Trung Quốc đang đánh mất lợi thế lao động trên toàn cầu
  • Chính trường Philippines sôi động
  • CIA tăng cường sự hiện diện ở Afghanistan
  • Dân Iraq bất bình vì hợp đồng dầu với Trung Quốc
  • Mỹ - Iran hội đàm trực tiếp sau 30 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao
  • Trung Quốc: Các quan chức sẽ phải công khai tài sản
  • Kho vũ khí Trung Quốc sánh ngang với phương Tây