Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính trường Pakixtan: Một quyết định, nhiều nguy cơ

Cuối tuần qua, Pakixtan đã lâm vào nguy cơ căng thẳng chính trị mới. Cho dù, ngày 18-12, chính quyền Pakixtan đã bác bỏ tin đồn đảo chính nhưng sự kiện Tòa án tối cao nước này trước đó (ngày 16-12), tuyên bố bãi bỏ "Sắc lệnh miễn truy tố các quan chức cấp cao của chính phủ" đã khiến lo ngại về bất đồng sẽ gia tăng trong nội bộ quốc gia Nam Á này ngày một hiện rõ.

Hiện trường vụ đánh bom tại thị trấn Taimơgara, tỉnh Nam Oaridixtan, Tây bắc Pakixtan.

Nhấn mạnh về quyết định gây chấn động này, Chánh án Tòa án tối cao I. Chauđờri nêu rõ, sắc lệnh bao gồm điều khoản ân xá "được xem là trái với lợi ích quốc gia và vi phạm những điều khoản khác của Hiến pháp". Do đó, với việc bãi bỏ sắc lệnh này, từ ngày 17-12, có 247 quan chức - trong số 8.000 người bị tước quyền miễn truy tố, trong đó có cả đương kim Tổng thống Ali Dađari bị cáo buộc tham nhũng - không được phép rời khỏi Pakixtan vì có tên trong danh sách các cuộc điều tra đang được tiến hành. Sắc lệnh của Tòa án tối cao Pakixtan có hiệu lực tức thời khi chuyến công du tới Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Pakixtan, ông Amét Mukhta, vào ngày 18-12, đã bị chặn ngay tại sân bay. Ông Amét Mukhta có tên trong danh sách bị tình nghi tham nhũng của tòa án. Ngày 19-12, đảng Nhân dân Pakixtan (PPP) đương quyền của Tổng thống A.Dađari đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Ixlamabát để tìm giải pháp ứng phó với những gì đang diễn ra.

 Dưới thời của Tổng thống Pêvết Musaráp, sắc lệnh miễn truy tố quan chức cấp cao của chính phủ được thông qua năm 2007, do Mỹ làm trung gian, nhằm mở đường cho cựu Thủ tướng B.Búttô, vợ của đương kim Tổng thống A.Dađari, được về nước tham gia chính trường mà không phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng. Đồng thời, cũng nhằm khôi phục một chính quyền dân sự ở Pakixtan. Nhờ sắc lệnh này, sau khi bà B.Búttô qua đời, bất chấp cáo buộc đã biển thủ khoảng 1,5 tỷ USD những năm 90 của thế kỷ trước, trong thời gian bà B.Búttô làm Thủ tướng, ông A.Dađari vẫn đắc cử Tổng thống (tháng 9-2009). Do đó, sắc lệnh vừa được Tòa án tối cao Pakixtan đưa ra chẳng khác nào một đòn mạnh giáng vào chiếc ghế vốn đang lung lay của Tổng thống A.Dađari.

Ngay sau khi quyết định của Tòa án tối cao được công bố, Liên đoàn Hồi giáo Pakixtan-N (PML-N) đối lập đã yêu cầu Tổng thống A.Dađari từ chức. Tuy nhiên, các trợ lý của Tổng thống A.Dađari đã bác bỏ yêu cầu này. Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Pakixtan, tướng A.Kayani đã cam kết "đứng ngoài chính trị", nhưng các nhà phân tích cho rằng, quân đội có thể can thiệp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng...

Theo một thành viên Cục Chống tham nhũng Pakixtan, cơ quan này đang thụ lý tới 8.000 vụ án chủ yếu là tham ô trong khoảng thời gian những năm 1990 và tất cả sẽ được xét xử lại. Như vậy, hàng nghìn quan chức chính phủ nước này đứng trước nguy cơ bị truy tố và vụ việc rất dễ gây bùng nổ một cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Á này trong thời điểm Mỹ đang cố thiết lập một mặt trận thống nhất nhằm chống lại các phần tử ly khai dọc biên giới với Ápganixtan.

Trong bối cảnh Chính phủ Pakixtan đang mở chiến dịch truy quét tàn quân Taliban ở khu vực Tây bắc, sự bất ổn trong nội bộ nước này khiến dư luận Nam Á lo ngại, chiến dịch không những sẽ bị ảnh hưởng mạnh, mà còn đẩy quốc gia này vào những bất ổn mới. Ngày 18-12, tại thị trấn Taimơgara, tỉnh Nam Oaridixtan, Tây bắc Pakixtan, đã xảy ra một vụ đánh bom đẫm máu, làm ít nhất 11 người thiệt mạng và 29 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 7-2007 đến nay đã có hơn 2.700 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố tại Pakixtan.

An ninh bất ổn, tình hình chính trị đang đứng trước những căng thẳng mới đã khiến chính trường Pakixtan trở nên bấp bênh. Đây là một dấu hiệu xấu đối với nỗ lực mới của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama khi vừa quyết định tăng quân tới Ápganixtan với hy vọng bình ổn tình hình. Giới chức Mỹ cho rằng lực lượng Taliban người Ápganixtan đang sử dụng vùng biên giới giáp Pakixtan làm căn cứ để tổ chức các cuộc tấn công qua biên giới. Vì vậy, Oasinhtơn sẽ không thể đứng ngoài cuộc trước những nguy cơ mới nổi trên chính trường Pakixtan hiện nay. Nhưng Nhà Trắng sẽ "can dự" như thế nào và dấn bước ra sao đang là dấu hỏi còn để ngỏ.

(Theo Trung Hiếu // Hanoimoi Online)

  • Trung Quốc lại trả đũa thương mại đối với EU
  • Nhật thông qua đề cương cải cách thuế tài khóa 2010
  • Trung Quốc sẽ thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới
  • Nhật Bản có thể tránh khỏi suy thoái nhúng đôi
  • Ấn Độ: Trung Quốc không còn là “con rồng ẩn mình”
  • Trung Quốc phản đối bảo hộ thương mại và áp lực tăng giá đồng NDT
  • Đề xuất phá sản JAL đã được đưa ra
  • “Con đường tơ lụa mới” ở Nghĩa Ô