Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc sống bí mật của trí thức Hàn Quốc

Không chịu cảnh thất nghiệp, nhiều người quen với công việc trí óc buộc phải chuyển sang làm công việc chân tay ở Hàn Quốc

 

Mặc trên người chiếc sơ-mi trắng và mang theo chiếc điện thoại di động bóng loáng, Lee Chang-shik trông xứng với công việc quản lý ở một công ty phát triển nhà ở - một vị trí mà ông từng giữ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính vào năm ngoái.


Kinh tế khó khăn khiến không ít nhân viên văn phòng mất việc làm và buộc phải chuyển sang
làm công việc chân tay. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Công việc chân tay “đắt hàng”


Đến giờ, Lee vẫn nói với bạn bè và gia đình rằng ông vẫn làm công việc đó. Nhưng thực ra, ông đang có một cuộc sống bí mật kể từ khi công ty phá sản cuối năm ngoái. Lee gần đây đã đến một làng biển xa xôi để làm công việc có thu nhập cao nhất mà ông có thể kiếm được: làm việc trên một chiếc thuyền câu cua. Người đàn ông 33 tuổi này tâm sự: “Tất nhiên tôi không điền công việc này vào sơ yếu lý lịch của mình”. Cứ mỗi tháng một lần, ông Lee lái xe 5 giờ về Seoul để tìm một công việc văn phòng.


Các chuyên gia về lao động ở Hàn Quốc cho biết ngày càng có nhiều nhân viên văn phòng chuyển sang làm công việc chân tay khi nước này đối mặt tình trạng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ông Jeong Seung-beom, giám đốc Công ty Sea Job Placement Center, giúp tuyển dụng người cho ngành công nghiệp đánh cá, nói rằng công ty ông hiện tuyển được 80 người mỗi tháng, cao gấp 4 lần so với năm ngoái. Phần lớn họ là nhân viên văn phòng bị sa thải hoặc sinh viên đại học không còn đủ tiền đóng học phí.  Trong khi đó, Na Deuk-won, chủ một cơ sở dạy kỳ lưng và mát-xa cho khách tại nhà tắm công cộng ở Seoul, cho biết số lượng học viên năm nay tăng 50%, bởi sự gia tăng đột ngột của những người mới tốt nghiệp đại học và nhân viên văn phòng bị sa thải muốn làm những công việc này.


Lòng tự trọng bị tổn thương


Dù công việc chân tay có thu nhập không phải tồi, nhưng nhiều người tìm cách che giấu công việc mới của mình. Lee cho biết ông tránh đề cập đến chủ đề việc làm khi nói chuyện với bạn bè và cha mẹ qua điện thoại, hoặc thường từ chối các cuộc hẹn với lý do mình quá bận. Miễn cưỡng lắm, Lee mới chịu tiết lộ tên mình cho phóng viên báo The New York Times (Mỹ) sau khi được bảo đảm rằng bài báo không xuất hiện bằng tiếng Hàn. Một cựu nhân viên văn phòng khác, người cùng làm việc trên tàu bắt cua ở cùng ngôi làng với Lee, cho biết anh không thể kể cho cha mẹ và bạn bè về công việc hiện tại và chỉ cho vợ biết qua e-mail sau khi đến đó.


Trong một xã hội đầy cạnh tranh và xem trọng địa vị như ở Hàn Quốc, những người rơi vào hoàn cảnh như Lee thừa nhận họ cảm thấy cực kỳ xấu hổ khi phải làm công việc chân tay. Một số người còn nói họ cảm thấy có lỗi khi phải làm những việc cực nhọc như thế sau nhiều năm tốn tiền luyện thi và học đại học. Nhiều thanh niên lớn lên khi đất nước ngày càng thịnh vượng cho rằng công việc chân tay là của thời kỳ nghèo khổ xa xưa của ông bà và cha mẹ.  Ông Lee Byung-hee, chuyên viên kinh tế cấp cao thuộc Viện Lao động Hàn Quốc, nhận định: “Giờ đây, nhiều người Hàn Quốc nghĩ họ có quyền làm công việc trí óc. Nhưng kỳ vọng của họ vấp phải thực tế đen tối của nền kinh tế hiện nay”.

(Theo Phương Võ // Người lao động online)

  • Hợp tác năng lượng Trung – Mỹ: lợi ích vượt qua tranh chấp
  • Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 42
  • Nhật-Mỹ sẽ đàm phán thường kỳ về "ô hạt nhân"
  • Trào lưu “săn hôn nhân” ở Nhật Bản
  • Triển vọng hợp tác vùng Vịnh và các nước ASEAN
  • Mumbai báo động nguy cơ bị tấn công khủng bố
  • Pakistan tin tưởng đạt được hòa bình với Ấn Độ
  • Thủ lĩnh thứ hai al-Qaeda kêu gọi người Pakistan tham gia thánh chiến