Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dân giàu Trung Quốc ồ ạt ra xuất ngoại định cư

Giờ đây, không chỉ người giàu Trung Quốc muốn đổ tiền sang nước ngoài mà những người trẻ tuổi, tài giỏi cũng mong muốn xuất ngoại để cống hiến tài năng.

Chạy khỏi Trung Quốc

Ngay từ hồi phổ thông, sau 1 tháng du học Mỹ, cô sinh viên ngành báo chí 22 tuổi, Gao đã dự định sẽ sang nước lập nghiệp và sinh sống khi tốt nghiệp đại học. Cô cho biết, mình không hề băn khoăn về quyết định này. Lý do thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc. Theo Gao thì tại Mỹ, cô có thể phát triển được ước mơ trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai.

Gao chỉ là một trong rất rất nhiều thanh niên trẻ chuẩn bị xuất ngoại dù cho đất nước của cô sở hữu mức tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất của Bộ giáo dục, cả nước có khoảng 1,5 triệu người đang học tập ở nước. Con số này biến Trung Quốc trở thành quốc gia có số du học sinh lớn nhất thế giới. Số lượng du sinh đã tăng hơn 20% mỗi năm kể từ năm 2009.

Bên cạnh đó, xu hướng doanh nhân, tỷ phú rời khỏi đất nước mang theo tiền của và tài năng ra nước ngoài cũng đang làm đau đầu các nhà chức trách. Theo kết quả khảo sát của tạp chí nổi tiếng Hurun- với sự tham gia của 1.000 người siêu giàu Trung Quốc thì có đến 60% trong số họ hoặc là đang làm thủ tục nhập cư nước ngoài hoặc là có ý định nghiêm túc về việc này.

 

“Điều mà chúng tôi quan sát thấy là tâm lý bất an của người giàu. Họ đến Mỹ, Canada, Úc và Singapore để tìm kiếm sự an toàn”, Hurun cho hay.

Làn sóng di cư mới đây, đặc biệt là bộ phận thanh niên trẻ đang giúp cho công việc kinh doanh của những người như anh Xie tiến triển thuận lợi. Xie, 45 tuổi, là chủ nhân của công ty đào tạo và phát triển cá nhân BeBeyond- doanh nghiệp có 40 nhân viên với các chi nhánh tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Mỗi năm công ty của anh làm thủ tục cho hàng ngàn người trẻ như Gao đi du học ở nước ngoài. Mức phí cho mỗi khóa học 6 tuần là 2.500 USD.

Xie cũng từng có 8 năm học và làm việc ở Mỹ. Anh quyết định trở lại Trung Quốc lập nghiệp vào năm 2001 và tại thời điểm đó, xu hướng “hồi hương” vô cùng thịnh hành bởi trước mặt họ là rất nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, rất nhiều người trở lại bắt đầu cảm thấy việc thích nghi với miền đất mẹ khó khăn hơn là họ vẫn nghĩ.

Cần môi trường để phát triển

Nếu như nhiều người trẻ tuổi Trung Quốc như cô Gao cảm thấy tù túng và chật hẹp để phát triển tài năng tại quê hương thì những người có tiền của lại cho rằng, họ cần thiết phải chuyển nhiều tiền ra khỏi Trung Quốc.

Theo báo cáo tổng hợp của tổ chức tư vấn McKinsey & Company và Minsheng Banking thì trong khi số lượng người giàu tại Trung Quốc gia tăng chóng mặt thì họ cũng ráo riết săn lùng những cơ hội đầu tư ở nước ngoài.

Số lượng người giàu của Trung Quốc- những người có hơn 1 triệu USD để đầu tư đã tăng 15% mỗi năm từ 2010- 2012. Và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 19% từ nay cho đến năm 2015 chạm mức 1,9 triệu người từ 875.000 người năm 2010.

Cũng theo báo cáo có đến 60% người giàu Trung Quốc có tài sản tại nước ngoài. Hiện đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị đầu tư của nhóm người này nhưng hơn một nửa trong số họ cho biết họ kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ đó lên 20% trong vòng 5 năm tới.

Tuy vậy, điều gây ngạc nhiên nhiều nhất lại là lý do tại sao người giàu Trung Quốc lại lựa chọn sang nước ngoài để đầu tư.

Trong khi chính phủ trên khắp thế giới đang rất nỗ lực thu hút tiền đầu tư từ Trung Quốc bằng những ưu đãi về thủ tục nhập cư. Tuy nhiên thực tế thì lý do này chỉ chiếm 23% trong khi lý do tìm kiếm môi trường giáo dục tốt cho con cái cũng chỉ là 16%.

Thay vào đó, đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như phân tán rủi ro là nguyên nhân chính khiến cho người giàu Trung Quốc tìm đến nước ngoài để đổ tiền đầu tư với 86%. Trong khi đó, 76% người tham gia khảo sát cho rằng việc chuyển tiền ra nước ngoài có thể giúp họ có cơ hội tiếp cận được nhiều hơn các sản phẩm phẩm đầu tư.

Việc thiếu các sản phẩm đầu tư luôn là một vấn đề nổi cộm tại Trung Quốc. Mặc dù tình hình đã bắt đầu được cải thiện trong những năm gần đây với sự phát triển của các công ty tín thác hay quỹ góp vốn tư nhân nhưng các phương tiện đầu tư chủ yếu tại các nền kinh tế phát triển như thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn quá nhiều hạn chế.

Không những thế, giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và đồng nhân dân tệ thì đang có diễn biến không thuận lợi thì người giàu Trung Quốc càng muốn đổ nhiều tiền hơn ra nước ngoài. Hơn nữa, giới giàu cũng đang rất lo sợ lợi ích của mình sẽ bị động chạm sau khi Trung Quốc hoàn thành sự nghiệp chuyển giao quyền lực trong thời gian sắp tới.

Lời nhắn nhủ giành cho phần còn lại của thế giới vẫn là tầng lớp giàu có Trung Quốc đang không ngừng mở rộng và lớn mạnh và họ sẽ không bằng lòng lòng ngậm ngùi “ở nhà” mà sẽ luôn xông xáo tìm cơ hội lợi nhuận trên các miền đất mới.

(Theo VEF // CNN)

  • Myanmar “sốt xình xịch” với Obama
  • Indonesia trong cơn say mỹ phẩm cao cấp
  • Lo kinh tế ảm đạm, dân Nhật đóng chặt ví
  • Kinh tế Nhật tuột dốc mạnh
  • Phía sau chuyến thăm Myanmar vội vã của ông Obama
  • Trung Quốc hối hả cho tham vọng siêu cường
  • OECD: “Năm 2016, kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ”
  • Myanmar: Bạo động có cản trở dân chủ?