Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ ngân hàng cá nhân châu Á gặp khó

Châu Á là một mảnh đất màu mỡ cho dịch vụ ngân hàng cá nhân (hay quản lý tài sản cá nhân). Thế nhưng, các ngân hàng lại đang gặp khó khăn ngay trên chính khu vực được cho là thiên đường của loại hình dịch vụ này.

Giới nhà giàu châu Á đang giàu thêm nhanh gấp đôi so với tầng lớp này tại các khu vực khác trên thế giới. Đối với dịch vụ ngân hàng cá nhân muốn thu hút những khách hàng sở hữu lượng tài sản có thể đầu tư ít nhất là một triệu USD, đây thực sự là một thị trường béo bở.

Theo khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) công bố trong tháng 5, trừ Nhật Bản, lượng tài sản có thể đầu tư tại châu Á đã tăng 17,1% trong năm ngoái, trong khi trên toàn thế giới chỉ là 8%. Dự báo từ nay đến năm 2015, tăng trưởng hàng năm của loại tài sản này tại đây sẽ là 11,4%, còn của thế giới là 5,9%. Như vậy, trong vòng 4 năm, giá trị tài sản tư nhân ở châu Á sẽ chiếm 23% toàn cầu, từ mức 18% vào cuối năm ngoái.

Đối tác của BCG tại Singapore ông Tjun Tang cho biết đằng sau việc giá trị tài sản ở châu Á tăng mạnh trong năm ngoái là những thay đổi quan trọng và lâu dài trong động lực của lĩnh vực này. Đó là động cơ khiến dịch vụ quản lý tài sản nở rộ tại đây trong những năm vừa qua. Dự báo sẽ có thêm nhiều ngân hàng khác tham gia vào cuộc đua, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu – nơi giá trị tài sản được ước tính sẽ tăng chậm hơn mức trung bình của thế giới. Thế nhưng, họ lại đang đặt chân vào một thị trường vốn chịu nhiều sức ép kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.

Lĩnh vực trên lại đang phải đối mặt với chi phí gia tăng, trong khi doanh thu và lợi nhuận thì ít ỏi. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu có phải một số ngân hàng vốn đã quá mải mê với thị trường này cuối cùng sẽ phải từ bỏ cuộc chơi hay không.

“Tôi nghĩ ở chừng mực nhất định, điều này sẽ xảy ra. Một số đối thủ của chúng tôi đã cầm đèn chạy trước ôtô. Họ đi thuê 300 người, nhưng tình hình kinh doanh lại không phát triển đến mức đó, như vậy sẽ khó mà làm ăn lâu dài được”, Vincent Duhamel, cựu Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs và hiện là Giám đốc chi nhánh châu Á của ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier, cho biết.

Trên thực tế, doanh thu từ dịch vụ quản lý tài sản đang ngày một teo tóp do các khách hàng sợ rủi ro tránh những sản phẩm đầu tư sinh lời cao nhưng phức tạp. Đồng thời, hoạt động đánh giá pháp quy cũng đẩy chi phí thích nghi tăng vọt. Theo BCG, tất cả những yếu tố trên đã đẩy tỷ lệ chi phí so với thu nhập tại các quốc gia châu Á mới nổi trung bình từ 57% năm 2007 lên 81% năm 2010.

Ngoài ra, chuyên viên quan hệ khách hàng đang đắt giá lên từng ngày vì cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ lao động, nhưng làm việc lại kém hiệu quả hơn vì không đáp ứng hết đòi hỏi ngày càng cao của một bộ phận khách hàng.

Việc thiết lập mối quan hệ cũng trở nên khó khăn khi các chuyên viên quan hệ khách hàng đem về ít mối làm ăn hơn do bị ngân hàng đối thủ lôi kéo. Đây là một chiêu cổ điển trong ngành khi bắt đầu hoặc phát triển một mối làm ăn mới.

Theo Jimmy Lee – Giám đốc điều hành của Clariden Leu tại châu Á, 20 năm trước, một chuyên viên quan hệ khách hàng khi chuyển chỗ làm có thể nhận được 80% giá trị tài sản mình đang quản lý. Tuy nhiên, con số trung bình đã tụt xuống 30% khi khách hàng cảm thấy mệt mỏi về các chuyên viên hay nhảy việc này.

“Nếu họ muốn một nhân viên quan hệ khách hàng chuyển tới chỗ mình và kiếm được khá hơn, thì họ cần phải giãn thời hạn trả lương trong kế hoạch làm ăn. Tình hình đã trở nên khó khăn. Họ đang chịu sức ép từ cả hai phía”, ông Lee nói.

Không phải ngân hàng nào cũng chịu sức ép như vậy. Dịch vụ ngân hàng cá nhân của các đại gia như Credit Suisse, UBS, Deutsche Bank, HSBC, Standard Chartered hay Citigroup có thể chia sẻ chi phí thích nghi với mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư hay bán buôn.

Đồng thời, họ cũng có thể nhờ dịch vụ ngân hàng thương mại hay ngân hàng bán lẻ giới thiệu khách hàng sang. Khách hàng của các dịch vụ này cần sở hữu ít nhất 100.000 USD để đầu tư. Nhưng đôi khi, số tiền họ có trong tay lại lớn hơn nhiều.

Những ngân hàng tư nhân “thuần chất” nhỏ hơn bị chi phí thích nghi tác động nặng nề và thường phải rất nỗ lực thì mới nhận diện được khách hàng mới. Song, một số lại cho biết sự tập trung vào việc đưa ra lời khuyên về đầu tư đã giúp họ níu giữ được những khách hàng giàu có. Đặc biệt bộ phận khách hàng cao cấp sở hữu từ 30 triệu USD để đầu tư trở lên sẵn sàng trả mức phí cao cho một dịch vụ quản lý tài sản cá nhân chu đáo.

Cho đến nay, những vấn đề căng thẳng trên tác động không đáng kể tới lòng tin của khách hàng. Tất cả những khách hàng được Financial Times phỏng vấn không loại trừ khả năng sẽ ngừng sử dụng dịch vụ này. Nhưng họ đều muốn gia tăng giá trị tài sản được quản lý ở mức hai con số trong một năm.

(VnExpress)