![]() |
Một bác sĩ Ấn Độ sử dụng máy điện tim GE Mac 400 được thiết kế lại để có giá khoảng 1.000 đô la Mỹ, tương đượng 10% giá máy tiêu chuẩn. |
Các công ty Ấn Độ từ lâu phụ thuộc vào công nghệ từ các nước phát triển. Nhưng giờ đây họ đang trở thành những nhà cách tân xuất sắc khi nhắm tới một trong những thị trường còn chưa khai phá của thế giới: người nghèo.
Nhiều kỹ sư Ấn Độ nổi tiếng trong việc giúp các công ty phương Tây phát triển hay cắt giảm chi phí; bây giờ họ tập trung chú ý vào sức mua tiềm tàng của khối dân số 1,1 tỉ người Ấn Độ. Xu hướng này - nổi lên từ khi chiếc xe hơi nhỏ xíu Nano của hãng Tata Motors xuất hiện trên các đường phố Ấn Độ hồi tháng 7 - thúc đẩy sự ra đời hàng loạt sản phẩm dành cho những người có ít tiền nhưng muốn hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp hơn. Đa số các sản phẩm này không phải là các bản sao rẻ tiền những sản phẩm có sẵn ở phương Tây mà tiếp thu những thành tựu về thiết kế và công nghệ đã được cọ xát ở các nước phát triển để sản xuất. Ví dụ, để giúp nông dân gửi tiền tiết kiệm, một doanh nhân Ấn đưa ra phương thức ngân hàng lưu động với chi phí chỉ 200 đô la Mỹ. Với các bà nội trợ, họ làm ra cái bếp củi nóng hơn và ít khói hơn với giá 23 đô la Mỹ. Các gia đình sống trong khu nhà ổ chuột cần nước sạch thì có hệ thống lọc nước giá 43 đô la. Người nông dân cần làm lạnh cốc sữa cho con thì mua chiếc tủ lạnh chạy bằng bình điện giá chỉ 70 đô la. Thậm chí tại các phòng khám bệnh vùng quê, có những chiếc máy điện tâm đồ được thay đổi thiết kế sao cho chi phí chỉ bằng 10% giá ở các nơi khác… Đã có 3 triệu máy lọc nước, 400.000 cái bếp không khói được bán tới các vùng sâu vùng xa của Ấn Độ và hàng triệu nông dân đã mở được tài khoản tiết kiệm qua mạng lưới ngân hàng di động… Những phát minh như vậy thể hiện sự chuyển dịch căn bản trong trật tự toàn cầu về sáng tạo. Mãi đến gần đây, phương Tây phục vụ người tiêu dùng giàu có, rồi để cho sản phẩm và công nghệ đó thẩm thấu dần xuống các nước nghèo. Giờ đây, nước giàu sa lầy trong suy thoái, còn thế giới đang phát triển lại tăng trưởng nhanh khiến các công ty tìm cách thu lợi nhuận qua việc hướng tới những người tiêu dùng ở nấc thấp nhất trên bậc thang kinh tế.
Những gì đang diễn ra hôm nay khác xa cái gọi là “cuộc cách mạng túi nhỏ” của thập niên 1980, khi tập đoàn Unilever và các công ty sản xuất hàng tiêu dùng khác nhận ra rằng họ có thể bán thêm được hàng trăm triệu đô la Mỹ dầu gội đầu, bột giặt, kem đánh răng và bánh snack nếu bán theo từng gói nhỏ. Lần này, các kỹ sư Ấn Độ tái tạo lại sản phẩm để giảm chi phí và nhắm tới hàng tỉ người trên khắp thế giới đang sống dưới mức 2 đô la Mỹ mỗi ngày.
Mối quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường này đang kích thích hàng loạt công ty mới khởi nghiệp lẫn những bộ phận kinh doanh mới trong những công ty đã thành danh tại Ấn Độ. Mọi người, từ những công ty địa phương nhỏ bé - nhưng có tham vọng vươn lên tầm quốc gia và quốc tế với những phát minh giá rẻ của mình - cho tới những tập đoàn như Tata Group đều tham gia cuộc đua. Họ đang cố gắng hình dung người nghèo cần gì và có khả năng thanh toán bao nhiêu tiền cho các nhu cầu đó. Sau đó các công ty quay về với các tập thể nghiên cứu của mình và tạo ra những sản phẩm mới với những mức giá cả rẻ chưa từng thấy.
Arindam Bhattacharya, Giám đốc điều hành chi nhánh tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group tại Delhi, nhận xét: “Những sản phẩm này không phải là hàng nhái kém chất lượng và giá rẻ sao chép từ sản phẩm phương Tây mà trong nhiều trường hợp chúng là những sản phẩm hoàn toàn khác”.
Các công ty phương Tây cũng như phần lớn các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ từ lâu đã quên lãng những thị trường nghèo bởi vì lợi nhuận tiềm năng có vẻ quá ít ỏi. Cũng rất tốn kém khi xây dựng một hệ thống phân phối có khả năng phục vụ những khách hàng quen mua sắm tại những quầy tạp hóa chỉ rộng bằng cái tủ áo hoặc tại các phiên chợ quê họp hàng tuần. Nhưng thay vì sử dụng dây chuyền cung cấp truyền thống, nhiều công ty hiện nay phân phối hàng qua những tổ tương trợ ở nông thôn và những người cho vay nhỏ có sẵn trong các làng xóm. Và trong khi tỷ suất lợi nhuận khá khiêm tốn, công ty thường được bù lại bởi khối lượng tiêu thụ lớn. Nhiều công ty hy vọng cuối cùng sẽ bán được hàng cho các thị trường nghèo và chưa được phục vụ tốt ở châu Á và châu Phi.Cũng như mọi sự sáng tạo khác, nhiều sản phẩm loại này sẽ biến mất mà không để lại dấu ấn nào, nhưng theo thời gian xu hướng này sẽ phát triển, tạo ra các công ty mới và dẫn tới một hình thức tập đoàn đa quốc gia mới, lớn mạnh bên ngoài thế giới đã phát triển. Các tập đoàn Unilever và General Electric Co. (GE) đã chú ý tới hiện tượng này.
Trong chuyến du hành châu Á gần đây, Chủ tịch tập đoàn GE, ông Jeffrey Immelt, đã tóm tắt cách thức mà tập đoàn đa quốc gia khổng lồ này sẽ tái cấu trúc để tận dụng cái mà ông gọi là “sự cách tân ngược” (reverse innovation). Tại Ấn Độ hồi tháng trước, ông Immelt nói rằng những cải tiến thiết bị y khoa diễn ra ở đây có thể giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe ở Mỹ.
Ông Vijay Govindarajan, Giáo sư trường Kinh doanh Tuck School of Business ở Dartmouth và là nhà tư vấn về canh tân cho tập đoàn GE, nhận định: “Mối đe dọa lớn nhất cho các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ không phải là các đối thủ cạnh tranh đang hiện hữu mà là các đối thủ từ các thị trường đang phát triển”.
Phần lớn những sự canh tân này có thể diễn ra được nhờ Ấn Độ có rất nhiều kỹ sư và chi phí không đắt. Ba trăm kỹ sư Ấn Độ đã mất bốn năm để phát triển chiếc xe Tata Nano; họ gần như phải nghĩ lại mọi thứ, từ động cơ, ghế ngồi, đến dây chuyền cung cấp thiết bị sao cho giá thành của chiếc xe không quá 2.200 đô la Mỹ.
Tập đoàn GE đã khai thác chính tập thể kỹ sư có chuyên môn và chi phí thấp đó để phục vụ các bệnh viện và phòng khám ở Ấn Độ - những cơ sở không đủ tiền mua sắm các thiết bị được thiết kế cho bệnh viện ở Mỹ. Bộ phận Y tế của GE đã sử dụng các kỹ sư phần mềm Ấn Độ để phát triển loại máy điện tâm đồ có chi phí chỉ 1.000 đô la Mỹ - bằng một phần mười chi phí những chiếc máy đúng tiêu chuẩn được sử dụng trước đây. GE hy vọng cuối cùng sẽ bán được công nghệ này vào Mỹ và những nước khác. V. Raja, Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh thiết bị y tế của GE tại Ấn Độ, cho biết: “Ở Ấn Độ, chúng tôi có nhiều kỹ sư có tài năng và có băng thông rộng để xử lý những dự án kiểu này”.
(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Wall Street Journal)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com