Nhắc đến châu Á, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc đang tạo ra nguồn lực cho kinh tế thế giới. Nhưng Đông Nam Á, một khu vực nhỏ với 10 quốc gia đang sống trong cái bóng của hai người láng giềng hùng mạnh, cũng là một trung tâm thương mại và kinh tế rất thịnh vượng và phát triển.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á, vốn ràng buộc với nhau bởi nhiều thỏa thuận chính trị cũng như thương mại trong khu vực, dường như không hề có sự liên quan nào mật thiết. Khu vực này bao gồm một quốc gia nhỏ, giàu có và sống bằng dầu mỏ (Brunei), một đất nước vừa trải qua xung đột (Campuchia); và một trung tâm trung chuyển với nền kinh tế phát triển mạnh (Singapore). Bên cạnh đó, còn có một quốc gia với chính sách tự cấp tự túc và ở dưới chế độ quân sự từ năm 1962 (Myanmar); một đất nước nghèo nhưng lại may mắn có được tiềm năng về thủy điện và khoáng sản (Lào); và một đất nước đông dân cư với tỉ lệ tăng dân số không thua kém gì Trung Quốc (Việt Nam); đó là còn chưa kể đến bốn quốc gia có thu nhập trung bình đang mong muốn gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến (Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan). Đông Timor và Papua New Guinea, theo quan niệm của chúng tôi, không được xếp vào nhóm các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á lại cùng sở hữu một vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào. Hơn nữa, sự đa dạng và ngày càng hội nhập giữa các nước là động lực chính khiến cho nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng nhanh và vững vàng. Về chính trị, khu vực này mang lại sự ổn định trong một phần của thế giới và đang nhanh chóng định hình lại sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Kết quả là sự tăng trưởng liên tục của khu vực này - vốn phụ thuộc vào sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, cũng như sự cải thiện môi trường kinh doanh - là quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Tiềm năng kinh tế Các nước Đông Nam Á có tổng GDP 1,9 nghìn tỷ USD (nhiều hơn GDP của Ấn Độ); tổng dân số gần 600 triệu người (gần gấp đôi dân số Mỹ); và thu nhập bình quân đầu người toàn khu vực xấp xỉ Trung Quốc. Trong một thập kỷ vừa qua, các nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng trung bình là hơn 5%/năm. Nếu Đông Nam Á là một quốc gia, nó sẽ có nền kinh tế lớn thứ 9 của thế giới. Nó cũng sẽ là nước phụ thuộc vào thương mại nhất, với tỉ lệ thương mại trên GDP vượt quá 150%, và sẽ là một trong những đất nước phát triển ổn định nhất thế giới. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, một vài quốc gia trong khu vực đã thể hiện được tiềm năng kinh tế của mình. Singapore được gọi với cái tên "con hổ châu Á" (cùng với Hàn Quốc, Hong Kong, và Đài Loan), trong khi Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan thì được gắn mác "những chú hổ con". Cả năm quốc gia trên đều đã xứng đáng với những danh hiệu mà mình nhận được, khi Singapore là một nước có thu nhập cao và bốn nước còn lại đều là các nước có thu nhập trung bình. Thành viên mới nhất của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực, Việt Nam, đã áp dụng mô hình kinh tế của Trung Quốc và chứng kiến sự phát triển bùng nổ của kinh tế cũng như tỉ lệ đói nghèo giảm mạnh, mặc dù vẫn có những giai đoạn tăng trưởng quá nóng. Mặc dù khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 khiến sự phát triển vững chắc của các nước này bị ngưng trệ một thời gian, nhưng các quốc gia "hổ con" đã đạt được tốc độ phát triển trung bình hàng năm ở mức 7% kể từ năm 2000. Và mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc Đại suy thoái, nhưng các quốc gia thu nhập trung bình đã hồi phục nhanh chóng vào năm 2010. Trên thực tế, toàn bộ khu vực đều phát triển rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng trên 8%. Đây là kết quả của những thay đổi về chính sách nhằm xoa dịu hậu quả của cuộc khủng hoảng và tạo điều kiện cho nền kinh tế trong khu vực phục hồi. Vị trí chiến lược, tài nguyên dồi dào Một trong những lí do dẫn đến thành công của Đông Nam Á là vị trí địa lý của khu vực này. Các nước nằm trên eo biển Malacca, là kênh vận chuyển hàng hải lớn thứ hai thế giới (sau biển Măng sơ của Anh) và cũng là tuyến đường biển chở dầu phổ biến thứ hai thế giới (sau eo biển Hormuz). Hơn một nửa đội thương thuyền của thế giới sử dụng eo biển này, và nếu đóng của eo biển Malacca sẽ gây ra nhiều khó khăn, thậm chí có thể biến thành thảm họa đối với thương mại thế giới. Khu vực này cũng sở hữu rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng dầu mỏ dồi dào, tiềm năng thủy điện, nhiệt điện, khoáng sản, gỗ, gạo, dầu cọ, ca cao và cà phê là rất lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, những nguồn tài nguyên trên đã thu hút nhiều thương lái, các nước thực dân, và gần đây nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là lí do mà khu vực Đông Nam Á có nền thương mại phát triển, và một số nước có tỉ lệ thương mại trên GDP cao nhất thế giới. Ngay cả Myanmar - một quốc gia với chính sách tự cấp tự túc và phải chịu những biện pháp trừng phạt bởi các nước phương Tây - cũng có tỉ lệ thương mại trên GDP gần 40%, nhờ có đường biên giới chung với Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Đông Nam Á cũng là bàn đạp chính cho quá trình công nghiệp hóa vào những năm 1970 và 1980, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Các nước này áp dụng chính sách định hướng xuất khẩu từ những nước láng giềng phía bắc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, bên cạnh đó còn là sự trợ giúp về thương mại, tài chính và vốn FDI từ những nền kinh tế tiên tiến. Ngoài ra, sự quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn, hệ thống giao dịch tương đối mở, tỷ lệ tiết kiệm cao, và một lực lượng lao động trẻ tăng nhanh cho phép đầu tư ở mức độ cao cũng như phát triển nhanh và bền vững trong suốt ba thập kỷ. Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam diễn ra muôn hơn, bắt đầu vào những năm 1990. Ngày nay, cùng với Trung Quốc, tất cả những nền kinh tế này đều là một phần của mạng lưới sản xuất nổi tiếng và có tính cạnh tranh cao của Đông Á. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam Á cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngành dịch vụ. Vị trí của Singapore trên eo biển Malacca đã biến quốc gia này trở thành cảng trung chuyển lớn nhất thế giới, qua đó phát triển dịch vụ vận tải, tài chính và kinh doanh. Trong khi đó, bốn "chú hổ con" đã tập trung phát triển ngành du lịch, chiếm phần lớn lượng khách nước ngoài đến Đông Nam Á (67 triệu người vào năm 2010, nhiều hơn lượng khách du lịch đến Trung Quốc là 56 triệu). Mới đây, nhiều hình thức dịch vụ mới đã xuất hiện, với việc Singapore nỗ lực để trở thành trung tâm khoa học y sinh toàn cầu và Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, đang từng bước "hóa thân" thành trung tâm tài chính Hồi giáo của thế giới.
Để Đông Nam Á trở thành cái nôi rồng - hổ
Trong một đến hai năm tiếp theo, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một hành trình gian nan khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức ổn định là 5%/năm, không chỉ bởi môi trường kinh tế quốc tế ngày càng trì trệ, mà còn bởi áp lực lạm phát trong tiểu vùng này đang thúc đẩy các chính sách kinh tế vĩ mô chặt chẽ hơn, và giá cả hàng hóa rất có thể sẽ thay đổi đột ngột.
Vai trò của ASEAN Toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á đều nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một tổ chức khu vực 45 năm tuổi đã thúc đẩy hội nhập kinh tế và nhằm mục đích tạo ra một cộng đồng kinh tế - một thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động tay nghề cao vào năm 2015. Trong khi nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về tính khả thi của thời hạn này, ASEAN đã giảm thuế thương mại và thiết lập một Khu vực thương mại tự do giữa các thành viên. Trớ trêu thay, thương mại trong nội bộ ASEAN phát triển chậm hơn thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc, và điều này sẽ khó có thể thay đổi một khi hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN chính thức đi vào hiệu lực từ đầu năm 2010. Quan trọng hơn, ASEAN cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khu vực và thế giới, trái ngược lại với những nhận định của các nhà phê bình rằng tổ chức này sẽ sớm sụp đổ, kể từ khi thành lập vào năm 1967. Từ thời điểm đó, không có cuộc chiến nào nổ ra giữa các quốc gia thành viên, và ASEAN đã làm trung gian hòa giải cho không ít những cuộc xung đột trong khư vực. Tổ chức cũng đã hỗ trợ trong việc giải quyết tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa giàu tài nguyên, nơi có thể chặn sự tiếp cận của Mỹ đối với Ấn Độ Dương mà Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố là lãnh thổ của mình. Sự hữu ích của ASEAN về cả kinh tế lẫn chính trị đã gây ấn tượng với nhiều quốc gia. Năm 1999, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ với ASEAN thông qua ASEAN + 3. Tổ chức mở rộng này đã thành công trong việc áp dụng một cơ chế làm tăng tính thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và cam kết thành lập một cơ sở dự trữ lúa gạo trong khu vực với sản lượng 720.000 tấn sau cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế năm 2011. Cả hai ý tưởng trên đều đóng góp rất nhiều vào sự ổn định kinh tế trong khu vực. Và với việc hợp tác với cả Trung Quốc và Nhật Bản, ASEAN + 3 đã góp phần làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia này. ASEAN đang thúc đẩy hợp tác với nhiều quốc gia hơn thông qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005, bao gồm ASEAN +3 và Australia, Ấn Độ và New Zealand. Hội nghị chưa đưa ra được nhiều ý kiến cụ thể, nhưng cả Nga và Mỹ đều đang tích cực vận động hành lang để được tham gia vào hội nghị vào tháng Mười tới đây, qua đó chứng tỏ tiềm năng rất lớn của nhóm các quốc gia này. Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến Đông Nam Á, với mục đích duy trì sự tiếp cận đối với Ấn Độ Dương và giúp Mỹ duy trì thế đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra còn một số lí do như Mỹ có vai trò nhà đầu tư nước ngoài cũng như thị trường nước ngoài lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, và Indonesia có một ví trí quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Kể từ khi Obama lên nắm quyền, Mỹ đã tích cực tái khởi động các mối quan hệ với Đông Nam Á - một phần vì ảnh hưởng của Trung Quốc đến khu vực này ngày càng lớn, phần vì lo ngại tranh chấp ở quần đảo Trường Sa sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của Mỹ đến Ấn Độ Dương. Các quốc gia Đông Nam Á đã hoan nghênh động thái này vì một số lí do: một vài nước tin rằng Mỹ sẽ là đối trọng phù hợp với Trung Quốc, các nước khác nhận thấy các lợi ích hợp pháp của Mỹ trong việc đảm bảo sự ổn định trong khu vực với vai trò là nhà đầu tư và thị trường nước ngoài lớn nhất. Mỹ cũng quan tâm đến Đông Nam Á bởi Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới và là nơi chịu một vài vụ tấn công khủng bố, trong số đó một số vụ rõ ràng nhằm vào lợi ích của Mỹ. Indonesia là một đồng minh quan trọng của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, và những nỗ lực của quốc gia này để hình thành chính phủ thực sự dân chủ và phi tập trung cần phải được tiếp tục để có thể mang lại sự thịnh vượng về kinh tế, sự công bằng, và sự tự do. Những thành công gần đây của Indonesia trước các nhóm jihadist đã giảm được quy mô nhưng vẫn chưa giảm được tần số của các vụ khủng bố bằng bạo lực, và hình thức bạo lực này có thể được "lây lan" tới các điểm nóng như Malaysia và nam Thái Lan. Thách thức và rủi ro Tất nhiên, không khu vực nào là tránh khỏi những thách thức và rủi ro. Đối với Đông Nam Á, việc Trung Quốc nổi lên như nền kinh tế lớn nhất thế giới có lẽ là thử thách lớn nhất. Trong khi điều này mang lại nhiều lợi ích khổng lồ, nó cũng đem lại không ít rủi ro. Khi Trung Quốc đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc tế, Đông Nam Á chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những sự bất ổn có thể xuất hiện. Bên cạnh đó, những nhà hoạch định chính sách của Đông Nam Á nhìn nhận tầm ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc lên khu vực như là một mối đe dọa đến an ninh, điều này đã được nhấn mạnh sau những tranh chấp gần đây quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Sự phát triển kinh tế của những "chú hổ con" cũng đem đến không ít lo ngại. Trong nửa thế kỷ qua, rất ít quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thành thu nhập cao dựa trên sản xuất và dịch vụ. Cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến đòi hỏi nhiều điều kiện tiên quyết: một lực lượng lao động có trình độ cao và sáng tạo, kỹ năng kinh doanh, tiếp cận được tài chính và cơ sở hạ tầng (đặc biệt cần thiết ở Indonesia và Philippines) và một môi trường kinh doanh cạnh tranh. Những nền kinh tế có thu nhập trung bình của Đông Nam Á đang dần đạt được những điều này, tuy nhiên vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Hướng đến tương lai Trong một đến hai năm tiếp theo, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một hành trình gian nan khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức ổn định là 5%/năm, không chỉ bởi môi trường kinh tế quốc tế ngày càng trì trệ, mà còn bởi áp lực lạm phát trong tiểu vùng này đang thúc đẩy các chính sách kinh tế vĩ mô chặt chẽ hơn, và giá cả hàng hóa rất có thể sẽ thay đổi đột ngột. Thái Lan và Malaysia sẽ tiếp tục chứng kiến sự căng thẳng chính trị. Chiến thắng của Đảng Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua đã mở ra một giai đoạn không chắc chắn mới cho nước này. Và cuộc bầu cử toàn quốc ở Malaysia có thể mang đến nhiều căng thằng chính trị và dân tộc. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, triển vọng kinh tế trong dài hạn vẫn rất tươi sáng. Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng trong quá khứ, quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn, hệ thống giao dịch mở, và tỷ lệ tiết kiệm tương đối cao - sẽ lại xuất hiện. Sự phát triển nhanh chóng và ổn định ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Đông nam Á. Hiện tại, khu vực này đang là một nguồn cung năng lượng, nguyên liệu thô và linh kiện không thể thiếu cho lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, trong khi liên kết sản xuất với Ấn Độ cũng đang tiến những bước dài. Tuy nhiên, quan trọng nhất, những nền kinh tế có thu nhập trung bình sẽ phải phát triển thịnh vượng hơn nữa. Nếu các nước này thực hiện được điều đó, Đông Nam Á sẽ trở thành cái nôi của những con hổ và rồng thực thụ của châu Á.ASEAN cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khu vực và thế giới.
-------------------------------------------
Tác giả: Minh Tiến (Theo Seeking Alpha // VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com