Số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo chính thức. Trung Quốc có thể xoay chuyển kinh tế Mỹ tới mức nào?
Trung Quốc đang che giấu về khả năng xoay chuyển cả nền kinh tế Mỹ
Các quy tắc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ có thể không liên quan gì tới vấn đề ngoại giao. Nhưng một sự thay đổi khó có thể nhận ra vào năm 2009 trong cách mà Washington sử dụng để bán nợ đã làm sáng tỏ 1 số vấn đề giữa Mỹ với chủ nợ lớn nhất của mình là Trung Quốc.
Khi Bộ Tài chính Mỹ sửa lại quy tắc tham gia đấu giá trái phiếu Chính phủ cho các nhà đầu tư 2 năm trước đây, các quan chức nói rằng, họ chỉ đơn giản là hiện đại hóa những thủ tục lỗi thời.
Tuy nhiên, theo điều tra của Reuters, lý do thực sự cho sự thay đổi đó còn nghiêm trọng hơn nhiều những gì mà Mỹ đã công bố. Bộ Tài chính Mỹ đã nhận thấy rằng, Trung Quốc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn con số mà Trung Quốc báo cáo và có khả năng phía Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc đấu giá. Mỹ muốn tất cả biết rõ về hoạt động mua bán trái phiếu Chính phủ.
Các quan chức Bộ Tài chính đã giữ im lặng về lý do thực sự cho sự thay đổi quy tắc đấu giá và gợi ra lời giải thích rằng, đó là hiện đại hóa kỹ thuật đấu giá. Sự cố này đặt ra một nghi vấn lớn rằng các chủ nợ đang thực sự nắm giữ bao nhiêu nợ công của Mỹ và làm thế nào để biết được điều đó?
Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ phát hành vào 15/6, Trung Quốc đang nắm giữ ít nhất là 1.115 tỷ USD nợ công của Mỹ, và được cho là chiếm khoảng 26% tổng nợ công mà Mỹ phát hành. Đó mới là số liệu báo cáo, còn thực sự Trung Quốc đang nắm giữ bao nhiêu nợ của Mỹ? Chưa cần trả lời câu hỏi đó, nhìn vào con số 26% cũng đủ thấy rằng, Trung Quốc có vai trò lớn tới sự ổn định của kinh tế Mỹ. Nó có thể là sợi dây cứu sinh nhưng cũng có thể gây tổn thương lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bán toàn bộ trái phiếu kho bạc Mỹ cùng một lúc? Nó có thể làm suy yếu thị trường và nền kinh tế Mỹ bằng cách đẩy lãi suất trái phiếu lên đỉnh với tốc độ rất nhanh. Hãy nhớ lại, khi PIMCO, quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới bán toàn bộ trái phiếu Mỹ mà quỹ nắm giữ, thị trường đã bị tổn thương như thế nào. Và nếu Trung Quốc làm như vậy, có thể thế giới không tưởng tượng hết những hậu quả mà nó sẽ gây ra.
Quan chức Nhà Trắng đã lường trước điều đó. Kịch bản tồi tệ này đã được họ thảo luận trong ít nhất là 1 năm qua. Việc Mỹ không hề biết rõ số trái phiếu mà Trung Quốc đang nắm giữ lại càng khiến chính quyền ông Obama đau đầu hơn khi nghĩ tới những hậu họa không lường về cả chính trị và kinh tế mà Trung Quốc có thể gây ra cho Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ từ lâu đã cho rằng, Mỹ có một danh sách rất đa dạng các nhà đầu tư và không quá phụ thuộc vào bất kì nhà đầu tư nào để bán được những trái phiếu mới phát hành. Nhưng việc Trung Quốc che giấu về số nợ thực sự mà họ đang nắm giữ sẽ khiến niềm tin của Mỹ bị lung lay.
Trung Quốc qua mặt Mỹ như thế nào?
Mỹ tổ chức bán trái phiếu cho nhà đầu tư thông qua các cuộc đấu giá hàng tuần, đôi khi là 4 lần một tuần. Các cuộc đấu giá được tổ chức bởi Văn phòng nợ công của Bộ Tài chính, theo các lô khác nhau, với số trái phiếu bán ra từ 13-35 tỷ USD trong 1 đợt.
Nhà đầu tư có thể mua các trái phiếu trực tiếp từ Bộ Tài chính tại cuộc đấu giá, hoặc thông qua bất kỳ đại lý nào trong số 20 đại lý giao dịch của Mỹ. Các công ty Wall Street được ủy quyền chào giá thay cho các khách hàng. Bộ Tài chính giới hạn số lượng nhất định mà 1 nhà thầu được mua, chỉ tới 35% giá trị trái phiếu trong mỗi phiên giao dịch. Bất cứ nhà đầu tư nào được mua hơn 35% một lô trái phiếu kho bạc trong 1 phiên đấu giá tức là đã có được 1 cổ phần kiểm soát trong đợt đấu giá đó.
Đến đầu năm 2009, Trung Quốc đã sử dụng nhiều công ty để mua trái phiếu kho bạc Mỹ và thường xuyên thực hiện các giao dịch để che giấu việc mua hàng tỷ USD trái phiếu trong mỗi phiên đấu giá. Thông tin này được Reuters thu thập từ các cuộc phỏng vấn với thương nhân tại các đại lý chính cũng như các văn bản thu thập được.
Sử dụng một phương pháp mua hàng được gọi là “đấu thầu đảm bảo”, Trung Quốc, dưới danh nghĩa nhiều nhà đầu tư, đã đặt mua một lượng trái phiếu nhất định từ các đại lý chính trong một phiên đấu giá, và không báo cáo mình là nhà thầu trong phiên đấu giá đó.
Sau khi tổng hợp số lượng trái phiếu kho bạc mà các nhà thầu đảm bảo muốn mua, các đai lý sẽ lấy danh nghĩa của mình để mua số lượng trái phiếu đó. Các quan chức Chính phủ sẽ theo dõi các cuộc đấu giá và hành động của các đại lý sẽ giống như việc họ mua chứng khoán để thêm vào bảng cân đối riêng của mình. Những trái phiếu này sau đó có thể bán trên thị trường thứ cấp và Bộ Tài chính sẽ không biết được, người mua cuối cùng là ai.
Phương thức đấu giá đó đã giúp Trung Quốc qua mặt Mỹ, che giấu số lượng trái phiếu thực sự mà Trung Quốc đã mua. Bằng cách đó, Trung Quốc đã mua được các cổ phần kiểm soát trong các đợt phát hành trái phiếu của Mỹ.
Theo điều tra của Reuters, Bộ Tài chính cũng đã nghi ngờ rằng Trung Quốc vi phạm giới hạn 35% theo quy định. Tuy nhiên, không biết rằng liệu Bộ có thể xác minh một cách chính xác về sự sai phạm đó của Trung Quốc.
Việc tham gia phương thức “đấu thầu đảm bảo” là không bất hợp pháp, nhưng việc nắm giữ quá 35% số trái phiếu trong đợt phát hành là vi phạm luật đầu thầu của Mỹ. Theo một thông tư của Bộ Tài chính, bất cứ ai nắm giữ quá 35% số trái phiếu trong 1 cuộc đấu giá sẽ buộc phải giảm nắm giữ xuống còn 35%. Những người vi phạm có thể bị cấm không được tham gia đấu giá trong tương lai và có thể bị chuyển đến Ủy ban Chứng khoán hoặc Sở Tư pháp. Một nguồn tin trong Bộ cho biết, Trung Quốc không phải là nhà thầu duy nhất bị chú ý về vấn đề này.
Nga cũng tham gia các cuộc đấu giá của Mỹ với hình thức “đấu thầu đảm bảo”. Tuy nhiên, tổng số trái phiếu Nga nắm giữ chỉ chiếm 2,8% dư nợ của Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với 25% của Trung Quốc.
(Báo Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com