![]() |
Các nước Đông Á, trừ Trung Quốc, vẫn cần duy trì sự hỗ trợ tài chính để thúc đẩy nền kinh tế do nhu cầu xuất khẩu thế giới vẫn còn ở mức thấp. Ảnh TL |
Các nền kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn ước tính ban đầu trong năm nay, gây thêm áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách và cho phép linh hoạt đồng tiền để ngăn ngừa bong bóng tài sản, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.
Theo báo cáo nửa năm mà WB công bố hôm qua 4-11, khu vực Đông Á đang phát triển, không tính Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ, sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, cao hơn ước tính 5,3% đưa ra hồi tháng 4. Tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên 7,8% vào năm tới. Nhu cầu siết chặt tín dụng Các chính phủ châu Á đã bơm hơn 950 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu (global credit crunch) làm giảm nhu cầu xe hơi và ti vi màn hình phẳng. Úc đã bắt đầu tăng lãi suất, trong khi đó các ngân hàng trung ương, bao gồm ngân hàng trung ương Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đã có những dấu hiệu sẵn sàng tăng lãi suất cho vay trong những tháng sắp tới. WB cho biết, “khi sự tăng trưởng phục hồi trên diện rộng và áp lực lạm phát bắt đầu xuất hiện, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt sớm hơn, chứ không phải là muộn hơn ở Đông Á. Tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái là yếu tố cấp thiết để quản lý dòng ngoại tệ chảy vào, đồng thời giữ lạm phát và sự tăng giá tài sản trong vòng kiểm soát.” Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng gia tăng tỷ giá hối đoái sẽ cản trở sự phục hồi tiềm ẩn của hoạt động xuất khẩu và khuyến khích dòng vốn chảy vào, có thể “gây bất ổn cho các hệ thống tài chính và gây nhiều áp lực buộc các đồng tiền phải tăng giá thêm nữa”, theo WB. Tuy vậy, WB cho rằng các quốc gia châu Á không muốn đồng tiền của họ mất giá thêm so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc do nước này “ngăn cản việc tăng giá đồng nhân dân tệ từ tháng 07-2008 sau khi đồng tiền này tăng tới 21% so với đô la Mỹ trong ba năm trước đó. “Chính quyền nhiều nước Đông Á đã lo lắng trước việc mất sức cạnh tranh so với Trung Quốc nếu họ tiếp tục để cho đồng tiền của mình mạnh lên vào lúc Trung Quốc đã “neo” đồng nhân dân tệ khá hiệu quả vào đồng đô la Mỹ đang suy yếu từ giữa năm 2008 đến nay. Một vài quan sát viên cho rằng, nếu mối lo lắng đó kéo dài, nhiều nước trong vùng sẽ xem xét việc phối hợp can thiệp để đồng tiền của mình được tăng giá cùng với đô la Mỹ”, WB nhận định.
Các dòng vốn toàn cầu có thể phục hồi từ mức thấp nhất trong năm nay do nền kinh tế thế giới đang ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất. Cuộc tăng giá chứng khoán toàn cầu từ mức thấp nhất năm nay ngày 9-3 cho đến nay đã thu hút hơn 17.000 tỉ đô la Mỹ vào giá trị cổ phiếu.
“Đông Á có thể nhận được phần lớn dòng vốn này nhờ sự kết hợp giữa kỳ vọng của nhà đầu tư rằng sự tăng trưởng của khu vực này mạnh hơn những khu vực còn lại của thế giới, tiềm năng nâng giá đồng tiền, tính thanh khoản và sự tinh vi của các thị trường tài chính khu vực đang gia tăng”, WB nhận định.
Các ngân hàng trung ương trong khu vực đã cắt giảm lãi suất và nới lỏng những yêu cầu chính sách khác để kích thích chi tiêu của doanh nghiệp và tiêu dùng địa phương. Từ đó, cả giá nhà ở và thị trường chứng khoán khu vực châu Á đều tăng mạnh trong sáu tháng qua. Do các nền kinh tế phục hồi và các ngân hàng mở rộng thêm nhiều khoản cho vay, một số chính sách kích thích cần phải được rút lại.
Tuy vậy, theo WB, ở Đông Á chỉ có kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh. “Nếu loại trừ Trung Quốc, phần còn lại của khu vực đang hồi phục với tốc độ kém năng động. Cho dù vài nước như Indonesia và Việt Nam tăng trưởng vững chắc, dự báo năm nay mức tăng GDP của khu vực này sẽ chậm hơn khu vực Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, chỉ khá hơn một chút so với châu Phi hạ Sahara”, WB nhận định.
Chính vì thế, tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các chính phủ châu Á phải duy trì sự hỗ trợ tài chính để thúc đẩy nền kinh tế do nhu cầu xuất khẩu thế giới vẫn còn ở mức thấp.
Ngân hàng Thế giới hôm qua thì cho biết châu Á có thể duy trì “tốc độ tăng trưởng cao” nhờ việc phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và thúc đẩy nhu cầu nội địa. Nhiều nước đang thực hiện theo những chiến lược của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc khi phụ thuộc vào xuất khẩu mà không chú ý tới những sự méo mó do các chính sách ấy gây ra.
(Theo Thu Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Bloomberg)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com