Hai gã khổng lồ châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ, đang quan tâm tới khu vực châu Phi hơn bao giờ hết, dẫn tới nhiều quan niệm sai lầm về vai trò của các công ty Trung - Ấn tại lục địa đen này.
Ngày càng nhiều nước châu Phi hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong thập kỷ qua, mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của châu lục này đạt 5,1%/năm, tuy vẫn thấp hơn các nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ nhưng cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn cầu chỉ ở 2,9%/năm.
Mối quan hệ kinh tế giữa lục địa này với Trung Quốc, Ấn Độ cũng phát triển ở tốc độ kinh ngạc. Trong bối cảnh châu Á đang vươn lên thành trung tâm kinh tế của thế giới, sự phát triển mối quan hệ này làm nhiều người tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã thay vị trí của phương Tây để trở thành những cường quốc kinh tế mới ở châu Phi. Tuy nhiên kết luận đó dựa trên một số quan niệm sai lầm.
Huyền thoại 1: Ấn Độ, Trung Quốc dẫn đầu cuộc ganh đua ở châu Phi
Trong thời gian 2000-2010, thương mại hàng hóa của châu Phi với Trung Quốc tăng 29% mỗi năm, từ 9 tỉ đô la Mỹ lên 119 tỉ đô la Mỹ, và với Ấn Độ tăng 18%, từ 7 tỉ đô la Mỹ lên 35 tỉ đô la Mỹ. Nhưng cho đến nay, quan hệ kinh tế giữa châu Phi với châu Âu vẫn vượt xa so với Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2010, châu Phi xuất sang châu Âu 36% lượng hàng xuất khẩu, vượt trội so với 13% xuất sang Trung Quốc và 4% sang Ấn Độ; 37% lượng hàng nhập khẩu của châu Phi đến từ châu Âu, trong khi từ Trung Quốc là 13% và Ấn Độ là 3%. Thậm chí, thương mại hàng hóa của Mỹ với châu Phi vẫn cao hơn Trung Quốc.
Đến nay, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chỉ đóng vai trò khiêm tốn, dù đang tăng trưởng nhanh, trong lĩnh vực đầu tư vốn vào châu Phi. Mỗi nước chiếm chưa tới 5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi - một tỉ lệ nhỏ nhoi so với vốn đầu tư của châu Âu và Mỹ.
Tuy là hai kẻ mới nổi với tốc độ phát triển nhanh chóng tại lục địa đen, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn bị các nước phát triển - nhất là châu Âu - bỏ xa về mặt liên kết kinh tế với châu Phi.
Huyền thoại 2: Trung Quốc, Ấn Độ đến với châu Phi chỉ vì tài nguyên
Công nhân Trung Quốc ở châu Phi. Ảnh TL |
Nhiều công ty Ấn Độ đang tìm cơ hội bán hàng vào thị trường châu Phi. Năm 2010, công ty viễn thông Bharti Airtel của Ấn Độ mua lại công ty viễn thông di động Zain, trụ sở chính tại Kuwait, với giá 9 tỉ đô la Mỹ. Nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất Ấn Độ Tata Motors, đã mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Nam Phi. Tập đoàn Essar Group, trụ sở tại Mumbai, đã đầu tư vào ngành công nghiệp thép tại châu Phi; tập đòan Godrej thì tích cực tìm hiểu thị trường tiêu dùng tại lục địa này. Hãng Karuturi Global, nhà sản xuất và cung cấp hoa hồng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bangalore, đã trở thành một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất về nông sản hàng hóa tại châu Phi, đã thuê đến 1.200 dặm vuông đất ở Ethiopia. Các công ty Ấn Độ cũng rất năng động trên thị trường công nghệ thông tin mới nổi tại châu lục này.
Các công ty Trung Quốc cũng không chỉ tập trung vào tài nguyên thiên nhiên tại châu Phi. Trung Quốc quan tâm ngày càng nhiều việc giúp đỡ châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, cầu cống, hải cảng, đuờng sắt và nhà máy điện. Tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Phi năm 2009, Trung Quốc cam kết sẽ xây dựng 100 dự án năng lượng sạch ở châu Phi, bao gồm năng lượng mặt trời, khí sinh học và thủy điện. Trung Quốc cũng đưa ra mức thuế nhập khẩu 0% cho hơn 95% sản phẩm nhập khẩu từ các nước kém phát triển nhất của lục địa đen.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang bắt đầu nhìn châu Phi không chỉ như một nguồn cung cấp tài nguyên mà còn là một thị trường, một mục tiêu đầu tư vốn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Huyền thoại 3: Trung Quốc và Ấn Độ là thực dân mới ở châu Phi
Những tháng gần đây, Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo châu Phi phải thận trọng với "chủ nghĩa thực dân” mới, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, về phương diện này, phương Tây căn bản cũng không khác gì Trung Quốc. Nhìn vào thực tế lịch sử có thể thấy rõ, kể từ thời kỳ thuộc địa, quan hệ giữa phương Tây và các nước châu Phi căn bản là lấy tài nguyên từ lục địa này mà không cho lại gì cả. Khi thời thực dân kết thúc, quan hệ với phương Tây chuyển từ “ tài nguyên miễn phí” sang “mua tài nguyên”. Điều này có giúp cho kinh tế châu Phi hay không là chuyện còn gây tranh cãi, vì phần lớn số tiền mua tài nguyên của châu Phi đều được chuyển tới các ngân hàng Thụy Sĩ, vào tài khoản của những nhà lãnh đạo tham nhũng.
Quan hệ của Trung Quốc với châu Phi dựa trên nền tảng “đổi tài nguyên lấy hạ tầng“, một khía cạnh hoàn toàn khác. Những giao dịch này không phải là không bị tham nhũng, nhưng quy mô tham nhũng rõ ràng là ít hơn. Quan trọng hơn, đối với châu Phi, phát triển cơ sở hạ tầng là hết sức quan trọng để gia tăng năng suất lao động.
Trung Quốc và chính sách "đổi tài nguyên lấy hạ tầng" ở châu Phi. Ảnh TL |
Quan hệ của Ấn Độ với châu Phi chủ yếu do khu vực tư nhân thúc đẩy, nhắm chủ yếu tới đầu tư và tạo công việc làm, có tiềm năng đem lại cho châu Phi nhiều lợi ích hơn cả. Ngoài những doanh nghiệp tư nhân được nhắc đến ở trên, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra dự án mạng điện tử Pan–African nhằm kết nối 53 quốc gia châu Phi bằng một mạng cáp quang và vệ tinh. Chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra chương trình hỗ trợ trị giá 700 triệu đô la Mỹ phát triển các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo ở châu Phi.
Tóm lại, sự có mặt của Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi khác hẳn với Mỹ và châu Âu về cơ cấu, và sẽ có tác động lâu dài trong việc tạo ra nguồn nhân lực và thể chế tại các nước châu Phi.
Huyền thoại 4: Trung Quốc đầu tư khai thác tài nguyên tại châu Phi đe dọa các nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên khác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ
Mặc dù châu Phi giàu tài nguyên nhưng không phải là khu vực duy nhất giàu tài nguyên trên thế giới. Các khu vực giàu tài nguyên khác bao gồm Nga, Mông Cổ, Trung Đông, Mỹ Latin, Úc, Canada và Mỹ. Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi không thể tạo cho nước này bất kỳ vị thế độc quyền nào đối với bất kỳ loại hàng hóa nào. Thực tế, đầu tư của Trung Quốc đã làm tăng nguồn cung cho thế giới nhiều loại hàng hóa nguyên liệu và ngăn giá nguyên liệu leo thang.
Lấy dầu thô làm ví dụ, với một quốc gia như Ấn Độ, việc dầu thô được khai thác từ Angola, Nigeria, Canada hay Nga đều không quan trọng. Điều duy nhất quan trọng là việc đầu tư khai thác dầu của Trung Quốc tại châu Phi có tác động tích cực vào việc tăng tổng lượng cung dầu của thế giới toàn thế giới. Như vậy, việc Trung Quốc khai thác tài nguyên tại châu Phi lẽ ra phải được xem là một tình huống “lợi cả ba đường”, lợi cho Trung Quốc, lợi cho châu Phi và lợi cả cho các quốc gia nhập khẩu tài nguyên khác.
Huyền thoại 5: Ấn Độ không thể cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi
Lĩnh vực duy nhất mà Ấn Độ không cạnh tranh nổi với Trung Quốc tại châu Phi là đấu thầu giành quyền khai thác tài nguyên, đơn giản là vì Trung Quốc có nhiều tiền vốn hơn Ấn Độ. Hầu hết các nhà đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi là doanh nghiệp nhà nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh. Ngược lại, trong trường hợp Ấn Độ, chính các doanh nghiệp tư nhân mới giữ vai trò đi đầu tại châu Phi.
Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, các doanh nghiệp Ấn đang chiếm ưu thế áp đảo so với đối thủ Trung Quốc. Xét về kinh tế xã hội (chẳng hạn như thu nhập thấp, tính đa dạng, sử dụng tiếng Anh rộng rãi) thì châu Phi gần gũi Ấn Độ hơn Trung Quốc. Các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ cũng có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hoạt động kinh doanh đa dạng trên toàn cầu so với các doanh nghiệp nhà nước từ Trung Quốc.
Câu chuyện của công ty viễn thông Bharti Airtel tiêu biểu cho sức mạnh của doanh nghiệp Ấn Độ so với Trung Quốc. Bhartu Airtel dễ dàng trở thành nhà khai thác viễn thông di động lớn thứ hai tại châu Phi và đã thành công trong việc chuyển các sáng kiến mang tính tiết kiệm từ Ấn Độ sang châu Phi. Trong khi đó, tập đoàn viễn thông di động China Mobile đến từ Trung Quốc vẫn chưa hình dung ra làm thế nào tạo ra giá trị khi mua lại một công ty viễn thông của châu lục này. Câu chuyện của Bharti Airtel cũng đang lập lại trong các lĩnh vực kinh doanh khác tại châu Phi như xe hơi, sắt, nông nghiệp và giáo dục.
(Theo Businessweek)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com