Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Tăng trưởng trên nền tảng… một kho bom nổ chậm?

Lâu đài kinh tế tăng trưởng cao của Trung Quốc được xây trên nền tảng… một kho bom nợ công nổ chậm.

 

 
GS. Minxin Pei - Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ, thuộc Claremont McKenna College đã  nhận định như vậy khi viết trên tờ The Diplomat (Mỹ) rằng, Trung Quốc đã cố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời kỳ suy thoái toàn cầu bằng các khoản vay khổng lồ từ ngân hàng cung cấp cho chính quyền địa phương.
 
GS. Minxin Pei nêu rõ chính sách này đã dẫn đến tình trạng bội chi cho cơ sở hạ tầng mà nước này phải gánh chịu trong nhiều năm tới, nên nợ công đang là kho bom nổ chậm.
 
Bắc kinh đã xoay sở giữ nền kinh tế tăng trưởng GDP trong suy thoái toàn cầu bằng các khoản vay khổng lồ từ ngân hàng cấp cho chính quyền các địa phương, dẫn đến tình trạng bội chi khổng lồ cho cơ sở hạ tầng. Trong những lý do dẫn đến khủng hoảng kinh tế làm Mỹ và Tây Âu khốn đốn, nguyên nhân lớn nhất là tình trạng "bùng nổ tín dụng" - tức việc cho vay và vay quá nhiều làm bùng lên bong bóng nhà đất và chi tiêu không bền vững. Trung Quốc dường như đã bị nhiễm căn bệnh tương tự, chỉ với một điểm khác duy nhất là hầu hết nợ của Trung Quốc được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chứ không phải tiêu dùng.
 
Theo số liệu được Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (NAO) công bố vào cuối tháng trước, chính quyền các địa phương đã mắc tổng số nợ 10.700 tỷ NDT (1.650 tỷ USD), chiếm khoảng 27% GDP năm 2010. Giới quan sát cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) gần đây ước tính nợ của các địa phương đã lên tới 14.000 tỷ NDT (hầu hết là nợ ngân hàng), cao hơn 30% so với số liệu của NAO.
 
Trên giấy tờ, nợ của Trung Quốc chỉ dưới 20% GDP, khiến Bắc Kinh trở thành một mẫu mực so với các chính phủ Phương Tây tiêu xài quá tay. Tuy nhiên, nếu tính các khoản nợ của địa phương, chi phí tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước, trái phiếu do ngân hàng nhà nước phát hành và trái phiếu đường sắt, tổng nợ của Trung Quốc có thể lên tới 70-80% GDP, gần bằng mức nợ công của Mỹ và Anh. Do hầu hết các khoản nợ này được vay trong thập niên vừa qua, nên Trung Quốc đang trên quỹ đạo không bền vững với tốc độ tích tụ nợ hiện nay, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế chậm lại như đã được dự báo cho thập niên kế tiếp.
 
Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, có dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại khổng lồ, nhưng thị trường vẫn lo ngại khoản nợ địa phương lớn có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế quốc gia. Vấn đề tiếp theo là liệu chính quyền các địa phương có thể trả lãi và trả nợ gốc hay không?
 
Theo một báo cáo được đăng tải trên website của NAO, tổng số có 148 công ty tài chính do các chính quyền địa phương thành lập đã nợ quá hạn lên tới 8 tỷ NDT, trong khi hơn 5% số công ty này đã tìm cách vay mới để trả nợ cũ. Theo tiết lộ của một nhà quản lý ngân hàng, chỉ 1/3 các dự án trên có thể hoàn trả đủ vốn đã vay . Trong khi đó đất đai mà chính quyền địa phương thế chấp để vay vốn đang có giá trị bấp bênh do thị trường địa ốc có thể suy sụp. Vì vậy, có nhiều khả năng các chính quyền địa phương sẽ không có khả năng hoàn vốn từ các khoản đầu tư hạ tầng - hay trả nợ cho ngân hàng.
 
Theo thẩm định của Ngân hàng Standard Chartered (Anh), nợ công của Trung Quốc hiện lên tới 28.000 tỷ NDT (tương đương 3.200 tỷ euro), chiếm 68% GDP. Điều đáng lo ngại hơn là ngành ngân hàng Trung Quốc đang phải hứng chịu đến 9.000 tỷ NDT nợ khó đòi, tương đương 22% GDP của Trung Quốc. Kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu khi tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu chững lại và đến lượt Bắc Kinh bị vỡ bong bóng đầu cơ địa ốc?
Mới đây, tại Hội nghị Tài chính Quốc tế ở London, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Trung Quốc đã mạnh dạn tuyên bố "Bắc Kinh không thể mua lại nợ có mức độ rủi ro cao của bất kỳ nước thành viên eurozone nào nếu các nhà lãnh đạo châu Âu không thông báo rõ ràng về đường lối giải quyết khủng hoảng". Tuy nhiên, trong lúc đó thì nhiều quan chức nghiên cứu tài chính quốc tế bày tỏ lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc bắt đầu "hụt hơi".
 
Tại Trung Quốc, giới lãnh đạo chủ yếu dồn tiền vào khu vực địa ốc. Đối với tư nhân, mua nhà luôn là giải pháp tối ưu để đề phòng lạm phát. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra đối với các Cty nhà nước và giới ngân hàng khi giá nhà đất chững lại như trong 6 tháng gần đây - kể cả tại một số thành phố lớn của Trung Quốc - và mối đe dọa "vỡ bong bóng địa ốc" ngày càng rõ nét? Theo ông Victor Shil - Giáo sư trường Đại học Northwestern (Chicago), chuyên gia về kinh tế Trung Quốc - do các Cty nhà nước Trung Quốc được các ngân hàng quá ưu đãi nên rủi ro nợ khó đòi của các ngân hàng càng cao. Một nhân vật có uy tín khác từ viện nghiên cứu kinh tế độc lập Unirule tại Bắc Kinh cũng cho rằng Trung Quốc đang lâm vào "hội chứng Hy Lạp".
 
 Trả lời phỏng vấn CNBC, nhà phân tích thuộc Mizuho Securities Asia - Jim Antos nói rằng, tính trên thang điểm từ 1 đến 10 về mức độ nguy hiểm của nợ nần, thì Trung Quốc đang ở cấp độ 8. Một ví dụ tiêu biêu về bong bóng tín dụng là chỉ từ 12/2007 đến 5/2011, lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp đôi.
 
Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia kinh tế của Đại học Northwestern (Mỹ) thì cho rằng, nếu xem xét kỹ hơn các loại nghĩa vụ của chính phủ, thì con số nợ thực tế phải vượt quá 150% GDP của Trung Quốc năm 2010 (nợ của Mỹ so với GDP là 93%, của Nhật Bản vượt quá 225% GDP). Chẳng hạn, khoản vay nợ để xây đường sắt cao tốc đã không được tính vào khoản nợ chính thức của chính phủ, mặc dù đây là nợ của Bộ Đường sắt. Một số nhà phân tích cho rằng, suy thoái kinh tế có thể đã phơi bày các khoản nợ khổng lồ ẩn trong hệ thống ngân hàng. Tiền đã được đổ vào nhằm giảm tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới kinh tế Trung Quốc. Vì thế rất nhiều vấn đề gắn với gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD hồi cuối năm 2008 và một làn sóng lớn các khoản vay được chính phủ hỗ trợ trong giai đoạn 2009 - 2010.

Đức Trung// Nguồn: Tầm Nhìn

  • Huyền thoại về Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi
  • “Công xưởng thế giới” đã hết thời?
  • Điểm mặt những gia đình giàu nhất châu Á
  • Singapore có môi trường kinh doanh thân thiện nhất
  • Cha mẹ đến 'chợ tình' kiếm bạn đời cho con
  • Ấn Độ cổ động sinh con gái
  • Thái Lan: Lụt lớn chủ yếu do người
  • Kinh tế Trung Quốc lại gây thất vọng