Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Iraq muốn chiếm “ngôi” nước xuất khẩu dầu mỏ số 1 của Saudi Arabia

Mới đây, chính phủ Iraq đã quyết định tăng sản lượng dầu mỏ lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua và chuẩn bị đấu thầu các hợp đồng dầu khí để khai thác những mỏ dầu mới đầy tiềm năng. Điều này đồng nghĩa quốc gia này đang thách thức Saudi Arabia – cường quốc xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới để giành lấy ngôi vị này.

Theo kế hoạch, vào tháng 1/2012, Iraq sẽ tổ chức đấu thầu khai thác 12 lô dầu mỏ trên diện tích 31,5 nghìn dặm vuông nhằm tăng mạnh sản lượng. Khác với các hợp đồng cho 15 lô dầu khí đấu thầu trước kia, đây là những hợp đồng sản xuất 20 năm. Theo đó, bên trúng thầu sẽ khai thác những mỏ dầu hiện có, nhưng bị lãng quên lâu nay để tăng sản lượng với mức giá cố định. Các hợp đồng khai thác với Bộ Dầu mỏ Iraq sẽ dựa trên các dịch vụ kỹ thuật, với việc các công ty nhận mức phí cố định chứ không phải thị phần sản xuất.

Do có điều kiện địa lý thuận lợi, chi phí sản xuất thấp, nên Bộ Dầu mỏ Iraq sẽ không phải mất nhiều công sức để khai thác kho “vàng đen” mà các chuyên gia trong ngành ước tính có thể tăng thêm trữ lượng tới 100 tỷ thùng. Hầu hết những giếng dầu này nằm ở các khu vực xa xôi tại các tỉnh Babil, Basra, Dhi Qar, Muthanna, Najaf, Diwanioyah và Wasit ở miền Nam giàu năng lượng, Diyala và Nineveh ở miền Bắc và Anbar ở miền Tây.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Abdulkarim al-Luaibi ước tính 5 trong số 12 lô sẽ được đấu thầu có thể bổ sung khoảng 10 tỷ thùng dầu. Bảy lô còn lại có thể sản xuất khoảng 1074 tỷ m3 khí đốt, cộng với trữ lượng đã được xác định 4666 tỷ m3 khí đốt hiện nay.

Tiềm năng của các giếng khí đốt mới rất quan trọng vì có thể tác động ngay tới hướng phát triển năng lượng của Iraq, mở rộng các nguồn cung năng lượng thay thế cho tái thiết đất nước, nhất là trong ngành năng lượng đang hoạt động kém hiệu quả. Ít nhất 26 m3 khí đốt/ngày, chiếm khoảng 1/2 tổng sản lượng hiện nay, bị đốt cháy và lãng phí vì không có hạ tầng cơ sở để thu hồi sử dụng. Một khi có hạ tầng cơ sở, Iraq có thể trở thành một nhà sản xuất khí đốt tầm cỡ quốc tế trên thị trường khí đốt toàn cầu. Nhưng hiện giờ Iraq phải tập trung tăng sản lượng dầu mỏ.

Hai năm trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq lúc đó là Hussein al-Shahristani, hiện là Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng, đã thông báo một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng sản lượng dầu từ khoảng 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày vào năm 2017 và 11 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Nhiều chuyên gia trong ngành dầu mỏ toàn cầu cho rằng những mục tiêu đó thiếu thực tế, chủ yếu do thiếu hạ tầng cơ sở, nhất là việc thiếu trầm trọng phương tiện phục vụ  xuất khẩu.

Tuy nhiên, chính phủ Iraq đã thực hiện một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để nâng cấp và mở rộng hạ tầng của ngành, trong khi các công ty nước ngoài tiếp tục tăng sản lượng tại các giếng dầu lớn của Iraq với tốc độ nhanh nhất có thể. Nỗ lực này đã thu được kết quả khả quan.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Iraq tháng 8/2010 đã tăng lên 2,33 triệu thùng/ngày, trong khi năng lực sản xuất - mức mà Irắc có thể đạt được trong vòng 30 ngày và duy trì trong 3 tháng - đạt 2,5 triệu thùng/ngày. Tháng 2/2011, sản lượng đã tăng lên 2,68 triệu thùng/ngày, với năng lực sản xuất 2,75 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia David Fyfe, phụ trách lĩnh vực thị trường và dầu lửa của IEA, khẳng định: “Xét tới các điều kiện an ninh và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, Iraq có thể duy trì mức tăng này”. IEA dự báo Iraq có thể khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015, đưa tổng công suất khai thác lên 3,7 triệu thùng/ngày. Điều đó sẽ đủ để át được đối thủ truyền thống và thường trực là Iran, để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau Saudi Arabia.

Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng Al-Shahristani nhấn mạnh: “Cho dù các công ty chỉ đạt được một nửa mục tiêu 11 triệu thùng/ngày, thì năng lực sản xuất dầu khí của Iraq vẫn lên đến 5-6 triệu thùng/ngày trong 10 năm tới. Đó là một đóng góp rất quan trọng nhằm thỏa mãn nhu cầu dầu mỏ thế giới”.

(Vitinfo)