Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Nhật Bản: Tạo nhịp tăng trưởng mới sau thảm họa

Động đất và sóng thần gây ra thiệt hại vô cùng to lớn đối với Nhật Bản. Cũng chính vì thế mà câu hỏi về Nhật Bản sẽ phục hồi như thế nào và cần bao nhiêu thời gian để phục hồi sau thảm hoạ động đất, sóng thần và hạt nhân này hiện chỉ có thể được trả lời chưa đầy đủ.

Các nhà dự báo trên thế giới đều cho rằng đà hồi phục kinh tế của Nhật Bản sẽ diễn ra nhanh chóng

Điều đáng nói là cho tới nay đã có nhiều dự đoán khác nhau về mức độ thiệt hại, nhưng tất cả đều chưa tính được hết mức độ tác động của thảm hoạ hạt nhân Fukushima.

Mức độ thiệt hại

Theo Ngân hàng Thế giới trong báo cáo mới công bố, thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra đối với Nhật Bản ước từ 122 đến 235 tỉ USD (tương đương 4% GDP), trong khi Chính phủ Nhật Bản ước tính thiệt hại do động đất có thể lên đến từ 15.000-25.000 tỉ Yên (185-308 tỉ USD) gấp đôi so với mức độ thiệt hại do trận động đất ở Kobe năm 1995 gây ra. Thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài do thảm hoạ hạt nhân gây ra cũng không hề nhỏ và lâu dài. Chỉ riêng việc ngừng hoạt động những nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima đã gây thiệt hại ở mức độ bằng 6% GDP của Nhật Bản, nếu tính đến cả tác động tiêu cực tới khu vực Đông Bắc Nhật Bản thì phải cộng thêm 4% nữa. Nếu vì thảm hoạ hạt nhân mà cả khu vực xung quanh thủ đô Tokyo bị nhiễm phóng xạ thì lại càng tai hại vì khu vực này làm ra tới 40% GDP của Nhật Bản.

Những tác động này còn có tác động kép trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản hết trì trệ lại đến giảm phát xen kẽ thời kỳ phục hồi và tăng trưởng ở mức độ thấp. Nhiều vấn đề chính trị xã hội chưa được giải quyết, hệ thống tài chính và ngân hàng chưa được cải tổ, chính phủ thường xuyên thay đổi và có phần yếu về chính trị nội bộ. Sau mấy thập kỷ qua, vai trò và vị thế của Nhật Bản trong kinh tế thế giới suy giảm nhiều so với trước. Mới đây, Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt mặt về giá trị GDP tuyệt đối. Khắc phục hậu quả thảm hoạ và phục hồi kinh tế sau thảm hoạ trong bối cảnh chung là chuyện khó khăn hơn và tốn kém hơn so với những lần khắc phục hậu quả thảm hoạ thiên nhiên trước đó, chẳng hạn như sau trận động đất ở Kobe năm 1995.

Các dự đoán đều cho rằng thảm hoạ ở Nhật Bản sẽ làm kinh tế thế giới giảm mức độ tăng trưởng ít nhất 1 điểm phần trăm và cũng chỉ vậy thôi chứ chưa đẩy kinh tế thế giới nói chung vào vòng suy thoái. Nhìn vào tiềm lực kinh tế và tài chính của Nhật Bản, đặc biệt vào những lần phục hồi kinh tế sau sự kiện gây chấn động như thiên tai, giới phân tích kinh tế quốc tế gần như đều nhất trí đánh giá Nhật Bản có khả năng tự khắc phục hậu quả và phục hồi kinh tế, thậm chí còn trong thời gian ngắn. Gần như tất cả đều đề cập đến cái gọi là “Hiệu ứng Kobe”, hàm ý Nhật Bản luôn biết cách tận dụng thảm hoạ như một cơ hội để tạo dựng nhịp độ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, ẩn số lớn nhất vẫn là mức độ tác động tiêu cực của thảm hoạ hạt nhân. Bởi đây là lần đầu tiên xảy ra thảm hoạ hạt nhân như vậy kể từ sau hai vụ Mỹ ném bopm nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Đối với Nhật Bản cũng như kinh tế thế giới, tác động của thảm hoạ này rõ nét nhất và cũng ghê gớm nhất trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô, linh kiện điện tử phục vụ cho công nghệ thông tin và năng lượng. Trong khi sự phục hồi trên lĩnh vực chế tạo ôtô và sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho công nghệ thông tin ở Nhật Bản sẽ nhanh chóng được phục hồi, đảm bảo chuỗi cung ứng chung cho Nhật Bản và thế giới bên ngoài không bị gián đoạn, thì chuyện an ninh năng lượng sẽ phức tạp và gay go hơn.  Thảm hoạ hạt nhân ở Nhật Bản sẽ làm thay đổi rất cơ bản việc sử dụng năng lượng hạt nhân không chỉ ở Nhật Bản mà còn cả trên khắp thế giới, động chạm đến không chỉ sự hợp tác giữa các quốc gia về hạt nhân, mà còn cả đến an ninh năng lượng. Nhiều quốc gia buộc phải xem xét lại chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân và chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. An toàn hạt nhân trở thành yêu cầu và điều kiện khắt khe hơn, đòi hỏi phải được quan tâm hơn, đầu tư hơn và do đó sẽ tốn kém hơn. Hậu quả là giá năng lượng sẽ chỉ có tăng lên, nhất là khi giá dầu lửa hiện đã tăng cao, và việc đảm bảo an ninh năng lượng sẽ mang ý nghĩa chiến lược còn lớn hơn và cấp thiết hơn trước. Điều đáng chú ý nữa là những khó khăn kinh tế hiện tại của Nhật Bản ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển nhiều hơn là tới các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế lớn. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 5% xuất khẩu của Mỹ và 8% của Trung Quốc sang Nhật Bản, Nhóm EUR thậm chí chỉ có 2%, Hàn Quốc có 6%, trong khi những nền kinh tế khác như Australia tới 19%, Philippines hay Indonesia  16%.

Đối sách hàng đầu

Nhìn vào đối sách của chính phủ Nhật Bản sau thảm hoạ, có thể thấy  các biện pháp của chính phủ Nhật Bản tập trung ưu tiên hàng đầu cho cứu trợ nhân đạo sau thảm hoạ và kiềm chế hiểm hoạ hạt nhân từ các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Chính phủ Nhật Bản chưa đề ra một chiến lược hay kế hoạch tái thiết khu vực bị thảm hoạ và phục hồi kinh tế sau thảm hoạ mà mới có một số biện pháp riêng rẽ về tài chính và tiền tệ. Cách tiếp cận của chính phủ Nhật Bản trong việc phục hồi kinh tế sau thảm hoạ dường như xuất phát từ chính sách tài chính và tiền tệ, không chỉ có khôi phục hoạt động bình thường của thị trường tài chính và tiền tệ, mà còn tăng nguồn tiền để thúc đẩy giao dịch trên các thị trường này, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của chính phủ để khôi phục sản xuất và mở rộng đầu tư kinh doanh. Đồng thời, một biện pháp khác nữa được chính phủ Nhật Bản ưu tiên là duy trì đồng bản tệ yếu,  không để tỉ giá Yên tăng gây cản trở tới xuất khẩu và phục hồi kinh tế nói chung.

Ngay sau thảm hoạ, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bơm khối lượng tiền lớn (tương đương 340 tỉ EUR) vào thị trường tài chính. Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép các doanh nghiệp ở Nhật Bản tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi  từ Quỹ chống khủng hoảng vốn được thành lập từ năm 2008. Những biện pháp ấy cùng với sự can thiệp ồ ạt của một số Ngân hàng trung ương các nước thành viên nhóm G7 cũng còn nhằm không để tỉ giá Yên tăng. Chính phủ và Ngân hàng trung ương buộc phải thực thi những biện pháp ấy vì mặt bằng lãi suất trên thực tế từ khá lâu nay đã thấp đến mức chính sách lãi suất với tư cách là một công cụ của chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô gần như không còn phạm vi để hoạt động nữa.

Tác động và cơ hội đối với kinh tế VN

Đầu tư và xuất khẩu của Nhật Bản sang VN cũng sẽ góp phần vào việc phục hồi kinh tế ở Nhật Bản sau thảm họa.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng của VN. Đầu tư trực tiếp và viện trợ phát triển của Nhật Bản ở VN không chỉ lớn về mức độ mà còn có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế đối với VN. Mức độ trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa VN và Nhật Bản đã phát triển đến mức cao, có lợi cho cả hai bên. Trong thời gian tới, đương nhiên Nhật Bản phải tập trung mọi nguồn nội lực và tranh thủ vốn đầu tư từ bên ngoài để tái thiết khu vực bị thiên tai và phục hồi kinh tế sau thảm hoạ. Nhưng về cơ bản có thể thấy nhu cầu vốn đầu tư đó không ảnh hưởng đáng kể tới nguồn vốn mà Nhật Bản đã và sẽ còn đầu tư vào VN. Thị trường VN tuy không đóng vai trò quyết định, nhưng cũng có tầm quan trọng nhất định đối với việc phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản. Đầu tư và xuất khẩu của Nhật Bản sang VN vì thế cũng sẽ góp phần vào việc phục hồi kinh tế ở Nhật Bản sau thảm hoạ. Một biểu hiện của thực tế đó là tuyên bố của đại diện chính phủ Nhật Bản là Nhật Bản không cắt giảm viện trợ phát triển cho VN trong thời gian tới.

Những mặt hàng xuất khẩu của VN sang Nhật Bản cũng có được cơ hội mới mở theo sự tăng mạnh theo tiến trình phục hồi kinh tế và tái thiết nói chung ở Nhật Bản. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn đang ở phía trước.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)