Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc củng cố tham vọng trên thị trường khoáng sản toàn cầu

Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất hàng hóa, song đầu tư của nước này vào lĩnh vực khai thác mỏ vẫn còn ở mức hạn chế.

Công ty tư vấn Ernst & Young cho biết, năm ngoái, nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới các kim loại đồng và quặng sắt chỉ dành 4,5 tỷ USD (ít hơn nhiều so với tiêu chuẩn của ngành công nghiệp khai thác mỏ) cho các thỏa thuận khai thác mỏ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện tại, các nhà khai thác mỏ Trung Quốc đang từng bước phát triển ngành công nghiệp này. Mới đây, hãng khai khoáng lớn nhất Trung Quốc Minmetals Resources đề nghị mua lại mỏ đồng tại Zambia, mỏ đồng lớn nhất châu Phi từ hãng Equinox Minerals (Úc) với giá 6,3 tỷ đô la Canada (tương đương 6,5 tỷ USD). Thương vụ này nhấn mạnh tham vọng của Trung Quốc trở thành “đấu thủ” lớn hơn trên “sân chơi” của ngành công nghiệp bị chi phối bởi các tập đoàn khoáng sản và kim loại lớn nhất thế giới như Rio Tinto, BHP Billiton và Anglo American.

Đồng NDT của Trung Quốc đang mạnh lên khiến các cơ hội đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn. Bắc Kinh đang khuyến khích các nhà khai thác mỏ Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Quy trình khai thác mỏ hợp nhất trong nước của Trung Quốc đang được tăng cường, giúp người quản lý tự do hơn để theo đuổi các dự án liên doanh nước ngoài.

Ông Xiong Weiping, Chủ tịch của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc Chinalco cho rằng, trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều thách thức lớn trong việc phát triển khai thác mỏ quy mô lớn tại nước ngoài.

Chinalco đã trở thành người tiên phong tại Trung Quốc trong việc đầu tư khai thác mỏ ở nước ngoài khi tập đoàn này mua một cổ phần lớn trong Rio Tinto vào đầu năm 2008. Chinalco có ý định tăng gấp đôi số cổ phần của mình lên tới 19% và mua các vị trí trong Hội đồng quản trị tại Rio theo điều khoản của một thỏa thuận ký kết vào năm 2009. Tuy nhiên, Rio đã hủy bỏ thỏa thuận đầu tư 19,5 tỷ USD trước sự phản đối của các cổ đông và sự nghi ngờ về động cơ của Bắc Kinh.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải trả giá ngày càng cao hơn cho các nguyên liệu, trong khi nhu cầu của nước này quyết định trực tiếp tới giá cả thị trường toàn cầu. Điều này thúc đẩy Bắc Kinh phải nỗ lực để đảm bảo nguồn cung cấp lâu dài các nguyên liệu trước sức ép về giá từ các tập đoàn lớn như BHP hay Freeport-McMoRan.

Năm ngoái, Trung Quốc chỉ tham gia 6% các giao dịch khai thác mỏ trên toàn cầu. Trong khi đó, các công ty dầu khí của nước này lại chi đến hơn 30 tỷ USD cho các giao dịch nước ngoài.
 
Sự khác biệt này phần lớn là do Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ ròng vào năm 1993, khi đó nước này phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ nước ngoài. Điều đó đã buộc nước này phải nỗ lực chống lại sự biến động về giá cả. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc lại trở thành nhà nhập khẩu ròng các kim loại và khoáng sản như kẽm, than đá và chì.

Hiện tại, Chinalco, Shenhua và Minmetals là những nhà khai thác mỏ của Trung Quốc đầu tư mạnh nhất ra nước ngoài. Shenhua đã hợp tác với tập đoàn Mitsui của Nhật Bản cùng đấu thầu dự án than đá khổng lồ Tavan Tolgoi của Mông Cổ. Chinalco phát triển khai thác các mỏ đồng tại Toromocho, Peru. Minmetal cũng đã có một số thành công tại nước ngoài khi đầu tư mua công ty Oz Minerals của Úc vào năm 2009. Giá trị sản lượng của các mỏ khoáng sản Oz Mineral đã tăng trong hai năm qua. Tập đoàn này vừa mua lại mỏ đồng lớn nhất châu Phi từ hãng Equinox Minerals cũng của Úc.

(Vitinfo)