Động đất Nhật Bản tác động mạnh đến kinh tế trong ngắn hạn. Ảnh: TL |
Nhiều nhà máy thuộc các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, hóa dầu, hạt nhân và chất bán dẫn tại khu vực đông bắc Nhật Bản đều bị tác động mạnh bởi trận động đất 9 độ richter ngày 11-3 và sóng thần sau đó.
Thiếu nguồn cung điện và niềm tin người tiêu dùng suy yếu nên nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa.
Kinh tế Nhật Bản trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đến nay, quan chức Nhật Bản ước tính sơ bộ thiệt hại kinh tế lên đến 20.000 tỉ yen (hơn 248 tỉ đô la Mỹ), tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, cao hơn so với thiệt hại của trận động đất Kobe năm 1995.
Phục hồi theo hình chữ V
Theo một bài báo trên tờ The Wall Street Journal, GDP quí 1-2011 của Nhật Bản có thể tăng trưởng âm, quí 2-2011 sẽ được cải thiện, quí 3-2011 và quí 4-2011 sẽ phục hồi mạnh mẽ. Cả năm 2011, GDP của Nhật Bản có thể tăng trưởng 1,5%.
Bài báo nhận định sự phục hồi theo hình chữ V của Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ảnh hưởng chính sách tiền tệ
Do tỷ lệ lãi suất của Nhật Bản hiện gần bằng 0, Ngân hàng trung ương Nhật Bản thông báo sẽ bơm 22.000 tỉ yen (tương đương 269 tỉ đô la Mỹ) vào nền kinh tế và 10.000 tỉ yen (tương đương 122 tỉ đô la Mỹ) vào chương trình mua tài sản. Đây là lượng vốn bơm vào nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản là cung cấp thanh toán đầy đủ cho các ngân hàng nhằm tránh bất kỳ sự phá sản nào cũng như lấy lại niềm tin của thị trường. Kể từ ngày 11-3, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 5%.
Khó khăn của Nhật Bản sẽ khiến các ngân hàng trung ương phương Tây, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang (Mỹ), duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nhật Bản bơm thanh khoản vào nền kinh tế cũng sẽ khiến dòng vốn toàn cầu tăng lên.
Nợ công cao hơn
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố sẽ cung cấp 1.300 tỉ yen cho quỹ cứu trợ khẩn cấp. Kế hoạch này có thể khiến thu chi tài chính của Nhật Bản mất cân đối hơn nữa. Hiện nay, khoản nợ của của Nhật Bản gần 200% GDP, trận động đất này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nợ. Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's gần đây đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Nhật Bản xuống AA-, do nguy cơ nợ của Nhật Bản gia tăng và nghi ngờ về khả năng cầm quyền của đảng Dân chủ.
Hiện tại, phe đối lập có vẻ như sẵn sàng hợp tác với chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan, do đó chính phủ không bị trở ngại khi thực hiện những cải cách chính sách tài chính cần thiết. Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Tanigaki nói ông Naoto Kan có thể tăng thuế tạm thời để cung cấp kinh phí cho việc tái thiết.
Giảm áp lực giảm phát tại Nhật Bản
Chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ hoạt động tái thiết và giá lương thực trong nước tăng sẽ làm suy yếu áp lực giảm phát của Nhật Bản. Tăng trưởng theo hình chữ V thường khiến năng suất và nhu cầu về năng lượng cao hơn, dẫn đến áp lực tăng lương và giá cả.
The Wall Street Journal ước tính tình trạng tại Nhật Bản tác động đến lạm phát toàn cầu ở mức trung bình.
Tác động đến hàng hóa
Thị trường năng lượng: Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân. Nước này hiện có 56 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 30% năng lượng cho cả nước. Trận động đất làm 11 nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu điện trong ngắn hạn. Chính phủ Nhật Bản đã công bố cắt điện luân phiến tại 8 tỉnh trong những tháng tới. Do khó khăn trong thời gian sửa chữa các nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu về than đá có thể sẽ tăng lên để tạo ra nguồn cung cấp điện bổ sung. Điều này có nghĩa là áp lực về giá than trong năm 2011 sẽ tăng lên.
Thị trường nông sản: Trận động đất này mang lại áp lực cho ngành nông nghiệp Nhật Bản, làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, sự tác động này sẽ hạn chế vì một số lượng đáng kể các loại thực phẩm, bao gồm lúa mì, đậu nành, ngô… nhập khẩu gần 100%. Chỉ có gạo của Nhật Bản là tự cung tự cấp và đất nông nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 30% tổng sản lượng. Vì vậy, dù lượng gạo tồn kho của Nhật Bản cao nhưng trong ngắn hạn vẫn sẽ gây áp lực lên giá gạo toàn cầu. Tuy nhiên, giá lúa trung bình sẽ vẫn tương đối ổn định trong năm nay do sự phục hồi tốt trong sản xuất lúa gạo toàn cầu và dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng giá gạo năm nay sẽ giảm 3,7%.
Thị trường kim loại cơ bản: Trận động đất có thể dẫn đến giá thép tăng cao, do nhiều nhà máy thép bị buộc phải ngừng sản xuất, dẫn đến việc cung cấp thép toàn cầu giảm trong ngắn hạn. Đồng thời,việc ngưng sản xuất thép trong ngắn hạn sẽ làm giảm nhu cầu về quặng sắt, nguyên liệu chính trong sản xuất thép. Trong trung hạn, khi quá trình tái thiết bắt đầu, nhu cầu kim loại màu, thép và đồng sẽ tăng lên.
Thị trường kim loại quý: Trận động đất ảnh hưởng nhẹ đến giá vàng. Một ngày sau động đất, giá vàng quốc tế tăng 0,66%, lên 1.422,67 đô la Mỹ/ounce. Tuy nhiên, sự việc sẽ khiến rủi ro toàn cầu ở mức cao và do đó giá vàng sẽ ở mức cao.
Tác động đến các ngành công nghiệp chính
Các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Nhật Bản bị tác động tiêu cực của trận động đất. Ngoài thiệt hại của ngành công nghiệp tài chính, các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại các khu vực bị ảnh hưởng sẽ tác động trên toàn thế giới.
Nhật Bản là nước sản xuất lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, TV màn hình phẳng và sản phẩm kỹ thuật số. Tỉnh Iwate, Fukushima và Miyagi bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trận động đất lần này, các khu vực này đều là cơ sở sản xuất phụ tùng ô tô, sản phẩm bán dẫn và màn hình LCD lớn. Do thiên tai, Toshiba đã đóng cửa nhà máy sản xuất chip bộ nhớ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Ngoài ra, hệ thống hậu cần bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động đến xuất khẩu, ví dụ như các bộ phận chủ yếu của iPhone và iPad đều được sản xuất tại Nhật Bản. Vì vậy, các công ty IT như Apple có thể bị ảnh hưởng do giá chip bộ nhớ sẽ tăng lên. Các nước sản xuất chip lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước mới nổi khác có thể được lợi. Cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp này sẽ làm giảm áp lực về giá cả.
Song song đó, ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng. Ô tô từ Nhật Bản chiếm 1/3 tổng lượng ô tô nhập khẩu của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, do sản xuất giảm và lượng hàng tồn kho thấp, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không thể đáp ứng nhu cầu, dẫn đến nguồn cung thắt chặt. Ngoài ra, việc sản xuất thép của Nhật Bản bị ảnh hưởng cũng tác động đến dây chuyền sản xuất công nghiệp. Những sự kiện trên có thể tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // WSJ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com