Kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới có một số diễn biến đáng chú ý trong tháng 2/2011, phản ánh vận động bên trong và đều mang tính "tự điều chỉnh" trước những nguy cơ không chỉ ở bên trong mà còn cả bên ngoài.
Với cách nhìn như vậy, kinh tế Trung Quốc tháng 2/2011 có đặc điểm nổi bật là giảm tốc và ngăn chặn lạm phát.
Ngay từ đầu năm 2011, quán triệt phương châm chỉ đạo "kinh tế là ưu tiên hàng đầu", Trung Quốc không chỉ chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "linh hoạt" sang "thận trọng", mà còn chuyển hướng cả nền kinh tế từ tăng trưởng nhanh ở mức hai con số sang tăng trưởng ở mức "vừa phải" từ 7 đến 8%.
Sự giảm tốc này có thể được giải thích do một số nguyên nhân sau.
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế "hướng ngoại" với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt khoảng 3.000 tỷ USD, khoảng 50% GDP hay 9% hàng xuất và 7% hàng nhập khẩu toàn thế giới.
Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu năm 2011 chỉ có thể tăng 3,6% thấp hơn năm 2010 là 3,9%.
Hơn nữa những bất ổn ở khu vực Bắc Phi từ đầu năm trở lại đây đã đẩy giá dầu thô lên khoảng 110-115 USD/thùng và có thể làm giảm lượng cầu dầu mỏ trên toàn thế giới, khiến kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm theo.
Điều này dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2011 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Điều dễ thấy nhất là thặng dư thương mại tháng 1/2011đã sụt giảm mạnh đến 53,5%, chỉ còn 6,45 tỷ USD.
Cần biết rằng cùng với việc nới lỏng tỷ giá, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây có sự giảm dần: từ 196,1 tỷ USD trong năm 2009 đã giảm xuống còn 183,1 tỷ USD vào năm 2010. Do vậy thặng dư thương mại năm 2011 của Trung Quốc vẫn là con số khó ước đoán.
Thứ hai, sau khi hoàn thành "nhiệm vụ chính trị" là vượt Nhật Bản để có vị trí thứ 2 thế giới, Trung Quốc đã nhận thấy những nguy cơ lớn đối với nền kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng như tiền tệ, lạm phát, bất động sản và môi trường...
Những vấn đề nghiêm trọng nêu trên nếu không kịp thời điều chỉnh, kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thừa nhận: "Gần đây, giá cả tăng nhanh, lạm phát cũng gia tăng. Vấn đề này liên quan đến đời sống của người dân, và ảnh hưởng tới ổn định xã hội".
Trong khi đó "cuộc chiến" chống lạm phát được Trung Quốc phát động từ cuối năm 2010 vẫn trong tình trạng "giằng co", chưa có chuyển biến căn bản. Lạm phát vẫn cao hơn mức 4% cho phép (4,9% là chỉ số lạm phát trong tháng 1/2011).
Đánh giá nguy cơ lạm phát đối với kinh tế-xã hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh: "Chúng ta phải coi đây là ưu tiên hàng đầu trong kiểm soát kinh tế vĩ mô để giữ cho mức giá chung ổn định".
Ngăn chặn lạm phát tăng cao là vấn đề khó khăn với mọi nền kinh tế và càng khó hơn trong thời điểm hiện nay, khi lạm phát đã phát triển thành "bệnh dịch" có nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu.
Morgan Stanley nhận định: "Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á, đang đối mặt với áp lực lạm phát trong nước. Người ta có thể dễ dàng nhận ra điều này ở đà tăng giá cả và lương". Với bối cảnh lạm phát ở trong nước và trên thế giới như vậy, với các biện pháp tăng lãi suất và tăng dự trữ bắt buộc dồn dập trong thời gian qua, lạm phát bước đầu được "kiềm chế" cũng là thành công của Trung Quốc.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com