Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát gia tăng chênh lệch thu nhập của Trung Quốc và Ấn Độ

Lạm phát cao của Ấn Độ và Trung Quốc đang khiến nhiều người lo lắng, sự chênh lệch thu nhập ngày càng nghiêm trọng có thể khiến hai gã khổng lồ của châu Á này trong vài năm tới sẽ sớm phải tạm biệt những kỷ lục tăng trưởng hoàn mỹ.

Từ cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước đến nay, khoảng cách thu nhập của hai nước Ấn – Trung đo theo hệ số Gini đã tăng đáng kể vượt xa các nền kinh tế mới nổi khác.

Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Nó có giá trị từ 0 đến 1 và bằng tỷ số giữa phần diện tích nằm giữa đường cong Lorenz và đường bình đẳng tuyệt đối với phần diện tích nằm dưới đường bình đẳng tuyệt đối. Hệ số càng cao, mức độ bất bình đẳng trong xã hội càng lớn.

Ông Sanjay Mathur đến từ Ngân hàng Hoàng gia Scotland RBS cho biết, cùng với việc khoảng cách thu nhập gia tăng, sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế và lạm phát cao hiện nay có thể tạo thành một cú sốc mang tính hủy hoại cho hai quốc gia có dân số đông nhất châu Á này. “Lạm phát giá thực phẩm ảnh hưởng vô cùng nặng nề cho người nghèo. Nó có thể tác động lâu dài tới sức mua của nhóm người có thu nhập thấp, từ đó cản trở thị trường tăng trưởng và phát triển”.

Tính đến tháng 4/2011, tỷ lệ lạm phát tổng thể của Trung Quốc đạt 5,3%, còn Ấn Độ là 8,7%. Lạm phát giá thực phẩm của hai nước này tăng cao không giảm, Trung Quốc là 11,5%, một số khu vực của Ấn Độ là từ 9% - 10% (Ấn Độ chưa có số liệu chỉnh thể về lạm phát giá thực phẩm).

So với các quốc gia khác cũng đang nằm trong giai đoạn phát triển kinh tế tương tự, khoảng cách thu nhập của Ấn Độ và Trung Quốc nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chênh lệch thu nhập trong cùng một thời kỳ của Brazil và Columbia – hai nước vốn được xem là có mức độ bất bình đẳng khá thấp thậm chí có phần thu hẹp.

Khoảng cách thu nhập ngày càng lớn đã làm gia tăng thêm nhiều vấn đề khác như dân số già của Trung Quốc, khiến hai nước đã áp dụng một vài chính sách, ví dụ như Trung Quốc quy định trong 5 năm tới phải nâng tiêu chuẩn lương tối thiểu lên 13%/năm. Phía Ấn Độ cũng đưa ra chương trình việc làm nông thôn toàn quốc, bảo đảm các hộ gia đình nông thôn mỗi năm có thể làm việc 100 ngày theo tiêu chuẩn mức lương tối thiểu đã quy định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sanjay Mathur, hiệu quả của các chương trình này còn phải đợi bàn bạc, thậm chí các chương trình này có thể lợi bất cập hại – Bởi trên thực tế nó đã làm tăng thêm áp lực lạm phát cho người nghèo. “Tình hình hiện giờ là, sự can thiệp này rất khó thay thế việc cải cách thật sự, chẳng hạn như phân chia đất đai thỏa đáng và đầu tư giáo dục có chất lượng tốt”

Hai nước đều đã nỗ lực kìm chế lạm phát. Ngân hàng trung ương Ấn Độ từ tháng 3/2010 bắt đầu nâng lãi suất cơ bản, đồng thời mới đây còn đẩy nhanh bước đi nâng lãi suất. Kể từ khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 10/2010, Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục nâng lãi suất theo định kỳ.

Ông Sanjay Mathur đã đưa ra kết luận rằng: “Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn của hai nước Trung - Ấn sẽ gây ra hậu quả bất an, không thể coi chúng là sản phẩm phụ của tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù những hậu quả này xuất hiện chậm, nhưng rất có thể trong nhiều năm tới, nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và chính sách vĩ mô của hai nước”.

(Vitinfo)