Wang Quan, ông chủ mới người Trung Quốc của một khách sạn ở thị trấn Oudom Xai thuộc miền Bắc nước Lào, đang nuôi hy vọng rằng nhóm 20.000 công nhân Trung Quốc đầu tiên sẽ sớm đặt chân tới đây để khởi công xây dựng một tuyến đường sắt mới.
Một dự án siêu thị và khách sạn của Trung Quốc ở Muangxai, Lào - Ảnh: New York Times.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt do Trung Quốc cấp vốn sẽ đi qua nhiều đường hầm và cây cầu, cùng với các tuyến khác hiện có trong khu vực kết nối giữa phía Nam của Trung Quốc tới thủ đô Bangkok của Thái Lan, tiếp đó là tới Vịnh Bengal ở Myanmar, góp phần mở rộng hoạt động thương mại vốn dĩ đã rất mạnh của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tuyến đường sẽ chạy qua Oudom Xai, kết nối giữa thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam và thủ đô Vientiane của Lào.
Tờ New York Times cho biết, ông Wang có thể sẽ phải chờ đợi lâu hơn một chút để tính chuyện làm giàu từ những người công nhân Trung Quốc sang Lào xây đường sắt. Dự án này đã vấp phải sự phản đối mạnh từ một số tổ chức phát triển quốc tế. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, dự án rồi sẽ được thực thi, vì Trung Quốc xem đây là một dự án mang tính chất sống còn trong việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và đem đến cho Bắc Kinh một tuyến đường khác để vận chuyển dầu lửa từ khu vực Trung Đông.
“Trung Quốc muốn có một tuyến đường sắt tốc độ cao từ Côn Minh tới Vientiane”, ông George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore, phát biểu tại câu lạc bộ kinh doanh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức mới đây tại Bangkok.
Ông Yeo hiện là chủ tịch của Kerry Logistics Networks, một công ty vận tải và phân phối lớn tại châu Á, đồng thời được xem là một trong những chuyên gia hiểu rõ nhất về sự mở rộng của các tuyến thương mại mới tại châu Á. Theo ông Yeo, mục tiêu lớn của Trung Quốc khi xây tuyến đường sắt tại Lào còn là Bangkok, một thị trường lớn với nhiều cơ hội. Ngoài ra, việc đi từ Bangkok tới Dawei, Myanmar trên tuyến đường này còn cho phép Trung Quốc tránh được eo biển Malacca”, một điểm dễ xảy ra tắc nghẽn nằm giữa Ấn Độ Dương và bờ biển phía Đông của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, có vẻ như Trung Quốc không quan tâm lắm tới việc chia sẻ lợi ích kinh tế mà dự án đường sắt có thể đem lại. Các nhà phê bình cho rằng, phần lớn lợi ích của tuyến đường này sẽ chảy về phía Trung Quốc, trong khi hầu hết chi phí sẽ do phía Lào gánh vác. Chi phí 7 tỷ USD của dự án đường sắt có chiều dài gần 420 km này được Lào vay của Trung Quốc, gần bằng với GDP hàng năm 8 tỷ USD của Lào, quốc gia gần như chưa có lấy một tuyến đường sắt nào, vào hệ thống đường bộ chủ yếu là di sản từ thời Pháp thuộc.
Theo dự kiến ban đầu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ tham dự lễ khởi công của dự án đường sắt nói trên vào tháng 11 vừa qua khi ông tới Vientiane dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Mặc dù vậy, buổi lễ khởi công đã không diễn ra như kỳ vọng.
Một bản đánh giá về dự án này do một nhà tư vấn thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nói rằng, các điều khoản về cung cấp tài chính mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đưa ra là quá hà khắc đến nỗi đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô của Lào “vào thế nguy hiểm”.
Bên cạnh đó, đánh giá này nhận định, việc xây dựng tuyến đường sắt đi qua miền Bắc của Lào sẽ khiến khu vực nông thôn ở đây trở thành “một bãi thải phế liệu”. Sẽ là “một sai lầm đắt giá” nếu dự án được ký kết theo những điều khoản mà phía Trung Quốc đưa ra, báo cáo đánh giá này kết luận. Để có thể vay tiền từ phía Trung Quốc, Lào sẽ bị ràng buộc cung cấp nhiều loại khoáng sản cho đối tác này.
Các nhà tài trợ quốc tế khác cũng đồng tình với quan điểm mà báo cáo trên đưa ra. “Các đối tác, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới, đã bày tỏ quan ngại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng Lào nên thận trọng”, một nhà ngoại giao châu Á hiểu rõ nội tình của dự án trên cho biết.
Tuy nhiên, Quốc hội Lào đã thông qua dự án trên như một phần trong thỏa thuận đường sắt liên Á được ký kết bởi gần 20 quốc gia châu Á hồi năm 2006. Dự án này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad.
Hoạt động thương mại bùng nổ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đã đạt mức kim ngạch gần 370 tỷ USD trong năm 2011, cao gấp đôi kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Đông Nam Á trong cùng năm. Đến năm 2015, khi các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ hoàn tất cộng đồng kinh tế, Trung Quốc dự kiến kim ngạch thương mại với khu vực này sẽ lên tới khoảng 500 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu nhiều mặt hàng khác nhau sang Đông Nam Á, Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng nhập khẩu từ thị trường này, bao gồm các loại tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa trung gian, để đáp ứng nhu cầu của cỗ máy xuất khẩu khổng lồ - theo bà Yolanda Fernandez Lommen, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Bắc Kinh.
Bà Lommen cho rằng, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản vẫn là những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng “Đông Nam Á có vai trò quan trọng về địa chiến lược và kinh tế đối với Trung Quốc, đồng thời là một đối tác ngày càng quan trọng trên cả phương diện thương mại lẫn đầu tư”.
Lào được Trung Quốc xem là một bàn đạp nhằm đẩy mạnh các tham vọng trong khu vực. Trung Quốc đã mạnh tay rót những khoản đầu tư mới vào Vientiane, bao gồm dự án xây dựng nhiều villa sang trọng bên bờ sông Mekong để đón tiếp các nhà lãnh đạo Á-Âu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEAM) hồi tháng 11 vừa rồi.
Một trung tâm hội nghị mới, hoành tráng, nằm trong một tổ hợp mang tên Vientiane New World do Trung Quốc xây dựng, đem tới một diện mạo mới cho thành phố này. Ở Luang Prabang, một điểm đến du lịch của Lào nơi tuyến đường sắt 7 tỷ USD dự kiến sẽ đi qua, Trung Quốc đã xây dựng các bệnh viện và nâng cấp sân bay.
Bất chấp sự phản đối của nhiều chuyên gia nhằm vào dự án đường sắt của Trung Quốc tại Lào, theo một lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đang làm ăn tại Vientiane cho biết, dự án này rồi sẽ được thực thi. Ông này cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào “đã quyết định từ 2-3 năm trước”.
Ở Oudom Xai, nơi một trường dạy tiếng Trung Quốc do các doanh nhân Trung Quốc mở ra đã có 400 học viên và 28 giáo viên. Ông Wang, chủ khách sạn, tin rằng, dự án đường sắt sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Ông tới Lào từ 3 năm trước và đã mua được một nhà máy chế biến gỗ. Wang cho biết, người Trung Quốc đã thuê khoảng một nửa đất nông nghiệp ở Oudom Xai.
“Anh có thể thuê đất bao nhiêu năm cũng được tùy túi tiền”, Wang nói.
(Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com