Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mắt thấy tai nghe ở Triều Tiên

picture
Một màn đồng diễn độc đáo và đầy màu sắc nghệ thuật của người Triều Tiên.

Nằm trong số 150 phóng viên nước ngoài được CHDCND Triều Tiên mời đến quan sát vụ phóng tên lửa hôm 13/4 vừa qua, phóng viên tờ Le Monde, Philippe Pons, đã có dịp được tham quan thủ đô Bình Nhưỡng.

Philippe Pons đã ghi lại những điều mà chính anh mắt thấy tai nghe ở Bình Nhưỡng trong một bài viết đăng trên tuần san Le Monde tuần qua. Những gì mà Pons mô tả dường như là một bức tranh khác đầy mới mẻ về mảnh đất này.

Theo Pons, thất bại của vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hôm 13/4 không hề làm mất đi không khí lễ hội tại Bình Nhưỡng. Đối với Triều Tiên, thất bại lần này chính là "chìa khóa thành công trong tương lai", RFI dẫn bài báo trên Le Monde cho hay.

Từ nhiều tháng nay, Bình Nhưỡng đã nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội. Mặt tiền các ngôi nhà được sơn lại, những con đường được tu sửa, nhiều cửa hàng, hiệu ăn mới được mở, các khu vui chơi giải trí, rạp chiếu bóng được trùng tu...

Có thể nói, Bình Nhưỡng một lần nữa lại thay da đổi thịt trong lần kỷ niệm 100 năm ngày sinh "Người cha của dân tộc" Kim Nhật Thành và lễ đăng quang của cháu ông là Kim Jong Un lên làm nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
 
Mặc dù, ngay tại thủ đô, vẫn còn nhiều con đường vẫn chưa được trải nhựa và nhiều khu nhà hư nát, song Pons nhận thấy rằng, Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi.

Hình ảnh các con đường đầy xe ôtô lưu thông, các cửa hiệu bán các sản phẩm nhập khẩu, nhiều nhà cao tầng chọc trời lấp lánh ánh đèn như những cây thông Noel. Các cuộc tiếp xúc với người dân bản xứ tuy hiếm hoi nhưng cũng cho thấy họ là những người hiếu khách.

Không giống như Bắc Kinh vẫn còn lưu giữ vết tích trước cách mạng hay như Hà Nội, dấu vết của thời Pháp thuộc, Bình Nhưỡng giống như một thành phố không ký ức. Bị tàn phá thành tro bụi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, thành phố được xây dựng lại hoàn toàn mới.

Điểm chú ý là tại Bình Nhưỡng, đâu đâu cũng có hình bóng của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Khắp nơi đều có tượng, chân dung, hay chữ viết được khắc trên các tấm bia đá. Cứ mỗi 10 năm, vào dịp sinh nhật của Kim Nhật Thành, thủ đô lại được sắp xếp mới lại.

Mấy năm gần đây, tại Bình Nhưỡng và trong một chừng mực nào đó, tại các thành phố tỉnh lớn, bắt đầu xuất hiện một tầng lớp xã hội mới như tiểu thương, môi giới, các nhà bán sĩ và chủ doanh nghiệp. Đây là kết quả của việc hủy bỏ chế độ bao cấp.

Tại thủ đô, nền văn hóa tiêu thụ bắt đầu phôi thai với sự ra đời nhiều cửa hiệu hàng cao cấp, nhiều khu chợ lớn và nhiều cửa hàng cung cấp các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài phố, phụ nữ bắt đầu trang phục như các bà tại Tokyo hay Thượng Hải. Dù rằng vẫn còn rất đơn giản, nhưng vẫn không kém phần điệu đàng.

Theo Pons, việc ngày càng có nhiều xe ôtô hiệu nổi tiếng, các cửa hàng, ki-ốt chứng tỏ có sự biến chuyển trong cách sống.

Khác với Pons, phóng viên Ed Jones của hãng thông tấn AFP, cũng là một trong 150 nhà báo nước ngoài được mời tới tham quan vụ phóng tên lửa, lại đánh giá những biến chuyển ở Triều Tiên qua hệ thống tàu điện ngầm của nước này.

Theo Jones, cơ sở hạ tầng của Triều Tiên khá tốt. Ngay từ những năm 1960, quốc gia này đã có hệ thống tàu điện ngầm ở độ sâu hơn 100 m dưới lòng đất. Hệ thống tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng được bắt đầu xây dựng vào năm 1966 dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Đây là hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa là 200 m dưới lòng đất, độ sâu trung bình cũng lên tới 100 m, một số đoạn đường núi sâu 150 m. Ở độ sâu như vậy, ngoài chức năng giao thông vận tải, hệ thống tàu điện ngầm còn có thể làm hầm trú ẩn, được thiết kế để đề phòng chiến tranh.

Giữa năm ngoái, Chính phủ Triều Tiên đã cho phép hai nhà báo của hãng tin AP được vào nước này chụp ảnh những khu vực mà người ngoài ít khi được thấy. Qua những bức ảnh của hai nhà báo này, dư luận quốc tế cũng đã ngỡ ngàng về một hình ảnh Triều Tiên rất khác.

Những con đường cao tốc nhiều làn vắng bóng xe cộ ở Bình Nhưỡng, công viên giải trí, ga tàu điện ngầm... cho thấy Triều Tiên đã đầu tư không ít tiền của và sức lực vào xây dựng và phát triển đất nước. Quốc gia này cũng đầu tư lớn vào giáo dục và nghiên cứu...

(Theo Vneconomy)

  • Làn sóng kỹ sư Nhật kiếm sống ở Trung Quốc
  • Đông Nam Á: Tương lai của các ngân hàng đầu tư
  • Thời của tiếng Trung trên đất Mỹ
  • Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi chống tham nhũng
  • Vì sao Triều Tiên “chịu chi” cho việc phóng tên lửa?
  • Nhật Bản chia tay điện hạt nhân và những hệ lụy đáng sợ
  • Năm 2050: Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt Mỹ - Trung
  • Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào “sân sau” của Mỹ