New York Times nhận định, Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh kinh tế ở gần như mọi ngóc ngách trên thế giới, nhưng việc nước này đổ vốn mạnh vào một khu vực gần Mỹ như Caribbean là một vấn đề đáng lưu tâm. |
Cách đây vài tuần, một sân vận động mới toanh trị giá 35 triệu USD đã được khai trương ở Bahamas, với tư cách là một món quà từ Chính phủ Trung Quốc.
Đảo quốc nhỏ bé Dominica thì đã nhận được một trường học, một bệnh viện được nâng cấp và một sân thể thao từ các nhà tài trợ Trung Quốc. Antigua và Barbuda chuẩn bị nhận từ các nhà tài trợ Trung Quốc một nhà máy điện, một sân chơi cricket và một trường học mới. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Trinidad và Tobago thì được nhà thầu Trung Quốc đã xây dinh Thủ tướng.
Theo báo New York Times, sức mạnh kinh tế Trung Quốc đang đến sát biên giới nước Mỹ qua một làn sóng đầu tư vào vùng Caribbean. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang đẩy mạnh cấp vốn vay, các công ty thì ồ ạt đầu tư, trong khi Bắc Kinh tặng rất nhiều món quà dưới dạng sân vận động, đường xá, nhà văn phòng, cảng biên và khu nghỉ dưỡng cho các nước vùng vịnh Caribbean, nơi mà từ trước tới nay Mỹ vẫn là nhà tài trợ và nhà đầu tư lớn nhất.
New York Times nhận định, Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh kinh tế ở gần như mọi ngóc ngách trên thế giới, nhưng việc nước này đổ vốn mạnh vào một khu vực gần Mỹ như Caribbean là một vấn đề đáng lưu tâm. Phần lớn các nhà phân tích không nhận thấy một mối lo an ninh nào từ làn sóng đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cường quốc kinh tế mới nổi này đang gây ảnh hưởng về kinh tế và qua đó giành sự ủng hộ về chính trị từ một nhóm nước đang phát triển đối mặt nhiều hạn chế về ngân sách, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào các nguồn hỗ trợ từ Mỹ, Canada và châu Âu.
Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ cho các chính phủ thuộc vùng Caribbean vay 6,3 tỷ USD, chưa kể hàng trăm triệu USD vốn vay, viện trợ và các dạng hỗ trợ kinh tế khác mà Bắc Kinh đã rót cho khu vực này trong thập kỷ trước đó.
Đối với châu Phi, Nam Mỹ hay các khu vực khác trên thế giới, vốn của Trung Quốc đổ vào chủ yếu là nhằm thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, theo giới quan sát, sự hiện diện của Trung Quốc ở Caribbean chủ yếu xuất phát từ những phi vụ làm ăn dài hạn trong các lĩnh vực như du lịch và vay vốn bên cạnh khả năng thu hút được những đồng minh mới không cần tốn kém nhiều để chinh phục.
Tài liệu ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ qua trang WikiLeaks và được báo The Guardian của Anh dẫn lời các nhà ngoại giao Mỹ tỏ ra lo ngại về sự hiện diện của người Trung Quốc “ở nơi cách nước Mỹ chưa đầy 190 dặm” và đồn đoán những mục đích hiện diện của Bắc Kinh ở nơi này.
Quần đảo Bahamas, nơi cách bang Florida của Mỹ chỉ một giờ bay, đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của Trung Quốc. Ngoài sân vận động mới với tấm biển “Trung Quốc tài trợ” gắn ngay ở lối vào, chủ đầu tư từ Trung Quốc còn đang xây dựng ở Bahamas một khu nghỉ dưỡng có tên Baha Mar trị giá 3,5 tỷ USD. Khi hoàn thành, đây sẽ là resort lớn nhất ở vùng Caribbean.
Chưa kể, một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc mới đây đã nhất trí cho Bahamas vay 41 triệu USD để xây cảng biển và cầu. Tòa nhà hoành tráng của Đại sứ quán Trung Quốc cũng đang được xây dựng ở Bahamas.
Các nước Caribbean cũng sở hữu một số nguồn tài nguyên có sức hút đối với Trung Quốc. Tháng 8/2011, một công ty Trung Quốc có tên Complant đã mua ba đồn điền trồng mía đường cuối cùng của Chính phủ Jamaica và thuê lại những cánh đồng mía ở nước này, với tổng mức đầu tư 166 triệu USD. Năm ngoái, Jamaica đã lần đầu tiên xuất khẩu loại cà phê Blue Mountain nổi tiếng của mình sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Chính phủ Jamaica đã nhận được hàng trăm triệu vốn vay từ Trung Quốc, bao gồm khoản vay 400 triệu USD thời hạn 3 năm công bố vào năm 2010 để cải tạo đường xá và các cơ sở hạ tầng khác.
Nhiều nhà phân tích ở Caribbean cho rằng, Trung Quốc rồi sẽ nổi lên như một lực lượng chính trị mới ở khu vực này, khi ngày càng có nhiều quốc gia ở đây vay nợ Trung Quốc. Trong khi đó, nước Mỹ lại đang bận tâm nhiều với khu vực Trung Đông và ít để ý hơn tới Caribbean.
“Trung Quốc đang tranh thủ sự ủng hộ của các nước Caribbean và lấp khoảng trống quyền lực mà Mỹ, Canada cùng các nước khác để lại, đặc biệt trong lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng. Nếu Trung Quốc tiếp tục đầu tư như hiện nay vào Caribbean, nước Mỹ sẽ sớm mất ảnh hưởng ở đây”, ông Ronald Sanders, một cựu quan chức ngoại giao của Antigua và Barbuda, nhận xét.
Ở một số nơi trên Caribbean, các nhà thầu và công nhân người Trung Quốc đã ở lại, bắt đầu xây dựng cộng đồng và cơ sở làm ăn tại đây. Nhiều cửa hiệu của người Trung Quốc đã được mở ở Roseau, Dominica, và những người bán hàng địa phương phàn nàn rằng, họ cạnh tranh không lại với người Trung Quốc.
Trinidad và Tobago đã chứng kiến những làn sóng người Trung Quốc nhập cư vào nước này trong suốt thế kỷ qua. Người dân địa phương giờ thấy xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng và cửa hiệu Trung Quốc, cũng như những dấu hiệu khác về một thế hệ người Trung Quốc nhập cư mới.
Ông Tan Jian, Tham tán kinh tế thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Bahamas cho rằng, đây mới chỉ là khởi đầu cho sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Caribbean, rằng Trung Quốc chẳng qua cũng chỉ là một nước đang phát triển muốn dùng sức mạnh kinh tế đang lên của mình để giúp đỡ các nước đang phát triển khác. Ông Jian nhận xét, Chính phủ Bahamas “không thể tự mình thực hiện các dự án lớn”.
Ông Jian phủ nhận ý kiến cho rằng Trung Quốc đang cạnh tranh về mặt kinh tế với nước Mỹ tại Caribbean. Theo ông Jian, khách du lịch của Mỹ sẽ hưởng lợi từ sự hiện diện của Trung Quốc ở Caribbean.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com