Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nam Á nóng bỏng

Chiến dịch giải cứu con tin của lực lượng đặc nhiệm quân đội Pa-ki-xtan đã kết thúc ngày 11-10 với việc giải cứu thành công 42 con tin bị một nhóm khoảng mười tay súng cải trang thành binh sĩ quân đội tấn công vào Tổng hành dinh quân đội Pa-ki-xtan ở Ra-oan-pin-đi, gần thủ đô I-xla-ma-bát. Nhưng dư chấn vụ tấn côngliều lĩnh của Ta-li-ban và lực lượng khủng bố Al-Qeada, những kẻ nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, đã cho thấy tính khốc liệt của "chiến trường" Nam Á.

8 năm đã trôi qua, kể từ ngày 7-10-2001, khi Mỹ và đồng minh tấn công, lật đổ chế độ Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, mối hiểm họa mang tên "Ta-li-ban" chẳng những không bị xóa bỏ mà nay còn loang ra cả một vùng rộng lớn từ Áp-ga-ni-xtan tới Pa-ki-xtan, Ấn Độ... dù Oa-sinh-tơn và đồng minh đổ không ít người và của vào khu vực này.

Vụ tấn công táo tợn làm 19 người thiệt mạng đã khiến I-xla-ma-bát, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, bẽ mặt. Thành trì quân sự Ra-oan-pin-đi, nằm ở phía Nam thủ đô I-xla-ma-bát, một trong những khu vực được bảo đảm an ninh chặt chẽ nhất Pa-ki-xtan đã bị chọc thủng. Chuyển hướng từ tấn công binh sĩ nước ngoài, đe dọa dân thường, sang tấn công trực diện vào các cơ quan chính phủ, lực lượng an ninh và cả cơ quan đại diện Liên hợp quốc... là câu trả lời rõ nhất về sự "phản đòn" của các nhóm khủng bố trước những chiến dịch truy quét mà quân đội Pa-ki-xtan đang tiến hành. Tính liều lĩnh của Ta-li-ban và Al-Qeada trong vụ tấn công đã khiến dư luận bất ngờ vì nó diễn ra chỉ ít ngày sau vụ tấn công Văn phòng Liên hợp quốc tại I-xla-ma-bát, ngày 5-10 vừa qua, làm 4 người thiệt mạng. Người Pa-ki-xtan đang đặt câu hỏi về độ an toàn mà quân đội mang lại cho dân chúng khi chính quyền I-xla-ma-bát đã và đang nhận hàng tỷ USD viện trợ từ phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố. Gần 2.000 phiến quân đã bị tiêu diệt kể từ cuối tháng 4 vừa qua khi lực lượng an ninh Pa-ki-xtan triển khai chiến dịch truy quét phiến quân tại thung lũng Xoát ở miền Tây bắc nước này. Mới đây, ngày 7-10, lực lượng an ninh nước này cũng tiêu diệt tên N.A-mét, một trợ lý hàng đầu của thủ lĩnh tàn quân Ta-li-ban... nhưng tất cả dường như chỉ là "muối bỏ bể".

 

Rõ ràng, mối lo ngại "vết dầu loang Ta-li-ban" ở quốc gia láng giềng Áp-ga-ni-xtan đã hiện hữu. Ngày 10-10, Bộ trưởng Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan, Tướng A.R.Oa-đắc đã phải bày tỏ lo ngại trước Quốc hội khi cho biết có khoảng 4.000 tay súng, chủ yếu từ Che-xni-a (thuộc Nga), Bắc Phi vàPa-ki-xtan đã gia nhập đội quân Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan. 8 năm đã trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ hoan hỷ tuyên bố (7-10-2001), chiến dịch tại Áp-ga-ni-xtan đã kết thúc, từ đó đến nay, tất cả vẫn chỉ là một kết cục dang dở. Tình hình tại khu vực miền Bắc và miền Tây Áp-ga-ni-xtan đã nhanh chóng xấu đi khi lực lượng nổi dậy gia tăng các vụ bạo lực. Hiện tại, những cuộc đọ súng giữa Ta-li-ban và lực lượng Mỹ và đồng minh vẫn diễn ra hằng ngày. Thêm vào đó, thời gian gần đây, sự kỳ vọng của dân chúng Áp-ga-ni-xtan vào sự thay đổi tích cực sau cuộc bầu cử tổng thống cũng đã và đang tan dần. Kể từ ngày 20-8 vừa qua đến nay, kết quả bầu cử được cho là có gian lận vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi ở Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, những vụ tấn công liều chết của Ta-li-ban và các phe nhóm nổi dậy khác đã liên tục gia tăng. Cuối tháng 9 vừa qua, Liên hợp quốc đưa ra số liệu, trong 8 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 600 dân thường thiệt mạng ở quốc gia Nam Á này...

Trên một phương diện khác, sự hợp quân giữa Ta-li-ban và tàn quân Al-Qaeda không chỉ đang đe dọa cả Nam Á, mà còn tạo ra trở ngại lớn cho Ấn Độ và Pa-ki-xtan trên con đường hàn gắn quan hệ. Niu Đê-li từng tuyên bố chưa nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chính thức với I-xla-ma-bát trước khi Pa-ki-xtan trấn áp phiến quân mạnh mẽ hơn. Đến nay, những cuộc đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á này vẫn "dậm chân tại chỗ"...

Mối lo ngại mang tên Ta-li-ban đang ngày càng làm đau đầu giới chức phương Tây. Nam Á nóng bỏng là điều không ai mong muốn. Trước hết, với Pa-ki-xtan, nó sẽ làm dấy lên những lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này, nếu không may rơi vào lực lượng khủng bố. Còn với Áp-ga-ni-xtan, nó sẽ là trở ngại lớn trên con đường xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, giải bài toán đó bằng cách nào vẫn là một ẩn số lớn với Mỹ và phương Tây. Chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đang cân nhắc khả năng tăng quân tại Áp-ga-ni-xtan hoặc tiến hành một chiến dịch nhằm tiêu diệt các nhân vật chủ chốt của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, được cho là đang ẩn náu tại nước láng giềng Pa-ki-tan. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, bom đạn, sức mạnh quân sự không phải là phương thuốc hữu hiệu mà đôi khi nó có tác dụng ngược lại khi lòng tin, khối óc của người dân nơi đây vẫn chưa thật sự chấp nhận "nền văn minh" từ phương Tây. Bởi vậy, xét từ cuộc giải cứu thành công vừa qua của quân đội Pa-ki-xtan, chưa ai dám chắc, dám hy vọng về một Nam Á phồn thịnh trong tương lai gần. Một khi Ta-li-ban và lực lượng khủng bố Al-Qaeda vẫn còn đó như một thách thức thì khó ai có thể bảo đảm rằng, bom đạn, các vụ bắt cóc, khủng bố sẽ không xảy ra. Nam Á vẫn và sẽ nóng bỏng là điều đang được dự đoán. Trong một diễn biến mới, ngày 12-10, một quan chức cấp cao của chính quyền tỉnh Ba-lô-chi-xtan ở Tây Nam Pa-ki-xtan đã bị các tay súng chưa rõ danh tính sát hại. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát này nhưng người ta nghi ngờ rằng, Ta-li-ban và Al-Qaeda là thủ phạm đứng sau đó.

(Theo Trung Hiếu // Hanoimoi Online)