Từ “trứng tên lửa” đến dự trữ than đá ngày càng phình to, nền kinh tế Trung Quốc đang nhấp nháy “báo động đỏ”.
Mặc dù triển vọng của Trung Quốc vẫn có thể là tích cực so với châu Âu, nhưng các con số thống kê cho thấy động cơ tăng trưởng của đất nước đã tuột khỏi hộp số. Các doanh nghiệp vay vốn ít hơn; sản xuất giảm sút; lãi suất đột ngột cắt giảm; nhập khẩu không tăng trưởng và tăng trưởng GDP được dự báo giảm mạnh. Các dấu hiệu trên cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào suy thoái.
Hồi tháng 3/2012, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt mục tiêu tăng trưởng 2012 là 7,5%, một con số bị cho là khá bi quan hồi đó, nhưng lại khá lạc quan vào thời điểm hiện nay. Nếu quả thực là như vậy, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1990.
Các chỉ dẫn cụ thể cho thấy Trung Quốc đang trải qua một cái gì đó còn nhiều hơn suy thoái. Sau đây là 5 dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn kinh tế ở Trung Quốc.
1. Chia tay với xe BMW
Gói kích thích 586 tỷ USD từng giúp Trung Quốc vượt qua được đợt suy thoái toàn cầu, nhưng chỉ tạm xoa dịu cơn đau triền miên của các chính quyền địa phương. Hiện thời, các địa phương được yêu cầu phải trả nợ và điều đó có nghĩa là phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa.
Những chiếc xe hạng sang mà các quan chức địa phương từng mua sắm ồ ạt trong những năm kinh tế phát triển bùng nổ sẽ là một trong những thứ đầu tiên bị bán đi. Thành phố Ôn Châu có kế hoạch bán đấu giá 80% xe công, tương đương với 1.300 xe hạng sang. Ngay cả hãng Ferrari cũng không giấu được vẻ lo lắng về sự suy thoái của thị trường Trung Quốc, không chỉ vì ”thiếu gia” Bạc Qua Qua (con trai Bạc Hy Lai) bị gạch tên trong danh sách các khách hàng tiềm năng.
Một vấn đề đang khiến cho các quan chức địa phương “đau đầu nhức óc” là nguồn thu từ bán đất đã khô kiệt, do các biện pháp của chính phủ trung ương nhằm làm nguội thị trường bất động sản quá nóng cũng như tình trạng thiếu hụt tiền mặt và niềm tin của khách hàng tiềm năng.
Trong tháng 6/2012, giá nhà ở trung bình của 100 thành phố lớn ở Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong vòng 9 tháng qua, nhưng vẫn giảm tới 1,9% so với năm cùng kỳ ngoái. Một số công sở có thể là nạn nhân đấu thầu tiếp theo, sau khi những chiếc xe công sang trọng được chuyển giao cho các chủ sở hữu tư nhân. Sau đó sẽ là thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, với các bữa tiệc chiêu đãi vốn cực kỳ hoành tráng ngày nào nay trở nên rất tầm thường, dân dã.
2. Bất ổn ở Quảng Đông
Cách đây hàng thập kỷ, các quan chức chính phủ cấp cao đã cảnh báo rằng suy giảm kinh tế có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.
Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục Trung Quốc vốn duy trì hạnh phúc trong một khoảng thời gian nhất định cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, khi tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 8% lần đầu tiên trong nhiều năm, cơ cấu xã hội của Trung Quốc có thể bị căng thẳng, đặc biệt là khi hàng ngàn, nếu không phải hàng triệu, người lao động di cư không có việc làm. Xuất khẩu hiện sụt giảm trông thấy và một số nhà máy đã phải chuyển từ chế độ làm việc 3 ca xuống 1 ca sản xuất cầm chừng.
Lao động nhập cư vốn “cung cấp dầu mỡ” cho động cơ tăng trưởng của Trung Quốc và rất quan trọng đối với ổn định của nước này. Sự bất mãn của lực lượng lao động đông đảo này có thể dẫn đến “sự cố hàng loạt” trên toàn Trung Quốc như những gì đã xảy ra ở tỉnh Quảng Đông.
3. Người giàu tính chuyện rời bỏ đất nước
Khi tình hình trở nên khó khăn, những người giàu thường có xu hướng xách vali đến sân bay và bay ra nước ngoài.
Việc tiêu thụ hàng hóa xa xỉ ở Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại trong năm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người giàu Trung Quốc đã ngừng chi tiêu. Họ chỉ ngừng chi tiêu ở Trung Quốc mà thôi. Nhiều người giàu Trung Quốc đã mất niềm tin vào thị trường trong nước và bắt đầu đầu tư vào các tài sản chuyển đổi (ngoại tệ chẳng hạn), chứ không vào các tài sản cố định như bất động sản.
Bây giờ họ đang đua nhau mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, một phần vì giá rẻ nhưng phần lớn là để bảo toàn tài sản trước khả năng bất ổn về chính trị-kinh tế ở trong nước. Một cuộc thăm dò dư luận hồi năm ngoái cho thấy hơn 50% số triệu phú ở Trung Quốc nghĩ đến việc rời bỏ tổ quốc và định cư vĩnh viễn ở nước ngoài.
Các công tố viên Trung Quốc cho biết gần 19.000 quan chức đã bị bắt trong 12 năm qua, khi họ tìm cách chạy trốn ra nước ngoài với số tiền khổng lồ kiếm được một cách bất hợp pháp.
Những người giàu Trung Quốc thường có quan hệ và ảnh hưởng mạnh mẽ với chính giới. Nếu Trung Quốc thực sự sa vào suy thoái, nhiều người giàu có thể quyết định chạy ra nước ngoài.
4. Một mùa Hè nóng bỏng, kéo dài
Tiêu thụ điện thường tăng vọt trong mùa Hè, khi mọi người đều bật máy điều hòa nhiệt độ để đối phó với cái nóng như thiêu như đốt. Nhưng trong năm nay, nhiều người Trung Quốc đã điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hòa ở mức cao hơn để tiết kiệm điện.
Trong khi đó, tại các cảng biển của Trung Quốc, than nhập khẩu được chất cao như núi mà không được chuyển đến các nhà máy nhiệt điện đang chạy dưới công suất thiết kế. Chỉ mới năm ngoái, Bắc Kinh chủ trương dự trữ than khẩn cấp để đề phòng nguồn cung cạn kiệt. Bây giờ, giữa lúc Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều nhiên liệu hơn so với nhu cầu, các doanh nghiệp và các nhà máy lại cắt giảm tiêu thụ điện để tiết kiệm chi tiêu.
Giá than ở Trung Quốc đã giảm 10% kể từ cuối năm ngoái. Sự giảm giá này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến cho nhu cầu về hàng xuất khẩu Trung Quốc giảm sút hơn nữa. Trong cái thế giới toàn cầu hóa này, khi người Trung Quốc tắt điều hòa nhiệt độ, các nền kinh tế khác giới sẽ bị “hắt hơi, sổ mũi” giữa mùa Hè.
5. Xuất hiện thuật ngữ “trứng tên lửa”
Khi người Trung Quốc tiêu thụ số lượng thịt lớn hơn bao giờ hết, giá thịt lợn và thịt bò liên tục leo cao. Điều này đã dẫn đến lạm phát phi mã vốn là nỗi lo kinh niên của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Năm 2007, người Trung Quốc đã “xơi” 1,7 triệu con lợn mỗi ngày và trong năm 2011, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá thịt lợn đã tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng trong vòng bốn tháng qua, nhu cầu thịt lợn đã bắt đầu giảm xuống. Nguồn cung quá mức đã khiến cho giá thịt lợn hơi xuống dưới mức mà ngành chăn nuôi có thể kiếm lời và chính phủ Trung Quốc đã phải mua vào thịt lợn để ổn định giá cả.
Khi giá thịt lợn giảm, giá trứng lại tăng lên vùn vụt khiến người mua bắt đầu sử dụng thuật ngữ “trứng tên lửa”. Hơn thế nữa, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang bị lung lay bởi hàng loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com