Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản: Xuất khẩu hàng công nghệ giảm vì thiên tai

Sony Ericsson đã phải cắt giảm chi phí, việc làm... trong tình trạng khó khăn hiện nay.

Mức xuất khẩu hàng hóa nói chung của Nhật trong tháng Ba giảm 2,2%, đạt 71 tỉ đô la Mỹ. Đây là tháng đầu tiên trong vòng 16 tháng qua mức này bị giảm. Lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cũng không là ngoại lệ. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều nhà máy bị phá hủy sau động đất và phải mất vài tháng mới có thể phục hồi.

Tình trạng thiếu điện cũng hạn chế năng suất hoạt động của các nhà máy. Không chỉ các công ty Nhật mà các công ty công nghệ trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Nhiều ngành lao đao

Tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng máy tính trong tháng Ba giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số giảm này của ngành công nghiệp điện tử (đặc biệt với máy quay phim) là 23%, còn tỷ lệ xuất khẩu những mặt hàng liên quan đến âm thanh giảm 31%. Ở lĩnh vực viễn thông, mức xuất khẩu các sản phẩm viễn thông và điện thoại giảm 17%. Một trong những nhà máy chịu thiệt hại nặng nề nhất vì thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3 là nhà máy của Sony ở Sendai – nơi cung ứng đĩa Blu-ray và các loại băng đĩa ghi hình chuyên nghiệp. Đến nay, nhà máy này vẫn chưa hoạt động trở lại. Hậu quả này cũng được phản ánh một phần qua việc tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm ghi hình giảm 31%. Ngành công nghiệp chất bán dẫn cũng bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy sản xuất chất bán dẫn chỉ duy trì hoạt động cầm chừng.

Không thể không đề cập đến ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Nhật Bản. Ngành này đã bị thiệt hại khoảng 7,3 tỉ yen trong tháng Ba vừa qua sau thảm họa động đất, sóng thần khiến các nhà sản xuất phải lùi thời hạn phát hành nhiều trò chơi mới. Ông Hirokazu Hamamura, Chủ tịch nhà xuất bản tạp chí trò chơi điện tử Enterbrain, cho biết: “Một số công ty hoãn tung ra trò chơi mới vì cho rằng chúng không thể thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Một số công ty khác nghĩ rằng việc tung ra các trò chơi ngay sau khi thiên tai xảy ra là không phù hợp”.

Enterbrain cho biết doanh số của ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở Nhật Bản trong tháng Ba đã giảm 17,6% so với mức dự kiến khi không xảy ra thiên tai.

Ảnh hưởng dây chuyền

Mặc dù chưa có bản đánh giá chính thức nào về tác động của thảm họa kép ngày 11-3 ở Nhật đối với hoạt động kinh doanh của Apple, nhưng các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng sự kiện này cũng đặt một gánh nặng lên doanh số bán hàng và lợi nhuận của Apple vì giá cả linh kiện và các bộ phận rời leo thang và nhiều đối tác cung ứng linh kiện, phụ kiện cho Apple đang đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa.

Nhật Bản là trung tâm cung cấp những bộ phận rời quan trọng để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh của Apple như bộ nhớ flash, pin, màn hình chạm và bản nhựa dùng để gắn chip. Giá cả bộ nhớ flash dùng để lưu trữ chính trong các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Macbook Air và các thiết bị khác đã tăng lên đáng kể. Mức giá bán loại chip flash 64Gigabit đã tăng 13% lên 12,92 đô la Mỹ sau trận động đất. Rhoda Alexander, chuyên gia phân tích của công ty El Segundo, cho rằng Apple sẽ phải trả nhiều hơn cho các đối tác cung cấp linh kiện, phụ kiện sản xuất để bảo đảm nguồn cung ứng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nói rằng Apple có nhiều khả năng và cơ hội hơn so với các công ty khác trong ngành công nghiệp này để vượt qua cuộc khủng hoảng thiếu nguồn linh kiện, phụ kiện từ Nhật.

Đối mặt với tình trạng khan hiếm

Sự sụt giảm mức xuất khẩu hàng hóa Nhật cũng có nghĩa là một số mặt hàng tạm thời khan hiếm.

Hãng Sony Ericsson, ngày 19-4 cho biết đang gặp khó khăn do tình trạng khan hiếm các linh kiện, phụ kiện và phải nhờ đến vị thế của công ty mẹ Sony để làm việc với các đối tác gia công các bộ phận của điện thoại. Tổng giám đốc Bert Nordberg của Sony Ericsson cho biết các bộ phận như pin, màn hình, module camera và bản mạch in đang thiếu nghiêm trọng.

Sự can thiệp của Sony cũng giúp tình hình tạm ổn định nhưng ông Nordberg cho rằng quí 2 sẽ còn tệ hơn và hãng có thể trì hoãn thời điểm cho ra mắt các mẫu máy mới trong quí 3. Sony Ericsson đã phải cắt giảm chi phí, trong đó có việc cắt giảm 4.000 việc làm, và chỉ tập trung sản xuất các mẫu điện thoại thông minh có mức lợi nhuận cao có liên quan đến mạng xã hội như Facebook. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sẽ còn rất lâu để Sony Ericsson có thể giới thiệu các sản phẩm mới và họ cũng vấp phải sự cạnh tranh của những hãng khác như Samsung, HTC và Apple.

Ngoài Sony Ericsson, nhiều công ty có quy mô toàn cầu cũng chịu chung số phận.

Hôm 19-4, hãng Toshiba tuyên bố hạ mức dự báo doanh số hằng năm xuống 3% do ảnh hưởng của thảm họa kép và sự hạn chế do mức chi tiêu suy giảm của người Nhật, trong khi nhà sản xuất chip Texas Instruments báo động về sự tăng trưởng của hoạt động bán hàng thấp bất thường vì việc tái sản xuất của các công ty Nhật rất chậm chạp.

Thiếu nguồn cung ứng bộ cảm biến hình ảnh (CMOS) cho điện thoại, Iwate Image Sensor fab – bộ phận sản xuất chip logic và cảm biến CMOS dành cho điện thoại di động của hãng Toshiba – đã tạm đóng cửa.

Năm 2010, Toshiba là một trong năm nhà cung ứng bộ cảm biến hình ảnh cho thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới với mức doanh thu bán hàng là 11,8 % trong tổng doanh thu toàn cầu về mảng kinh doanh này, theo số liệu tính toán của IHS iSuppli. Sony xếp vị trí thứ sáu với mức doanh thu 7,3% toàn cầu.

Trong khi việc sản xuất và phân phối bộ cảm biến CMOS bị ảnh hưởng thì nguồn cung ứng bộ cảm biến hình ảnh thay thế – CCD – không bị ảnh hưởng, ít nhất là trong thời gian này. Thị trường CCD toàn cầu do các nhà cung ứng của Nhật đảm nhiệm, gồm Sony, Panasonic Corp., Fujifilm, Sharp Corp. và Toshiba. Nhờ có chất lượng cao hơn, CCD được dùng phổ biến trong những máy ảnh kỹ thuật số. Còn bộ cảm biến CMOS được dùng trong các điện thoại di động và nhiều sản phẩm khác, nơi mà các máy ảnh tích hợp như một chức năng thứ yếu.

Các nhà sản xuất máy chụp hình số có trụ sở ở Đài Loan như Altek Corp. và Ability Enterprise, đang gia công các loại máy chụp hình mang thương hiệu của Nhật, cho biết không bị thiếu hụt nguồn cung cấp CCD từ Nhật trong thời gian ngắn. Khoảng 90% các bộ phận CCD của Ability là do Sony cung cấp, trong khi đó Altek mua của Sharp từ 70 đến 80% các bộ phận CCD. Những nhà máy sản xuất CCD của Sharp nằm ở các khu vực không chịu ảnh hưởng của vụ thảm họa ngày 11-3. Còn các nhà máy sản xuất CCD của Sony thì đặt ở Thái Lan. Điều này cũng có nghĩa là nguồn cung ứng CCD vẫn an toàn.

Thế nhưng những tên tuổi trong ngành sản xuất máy ảnh số của Nhật như Panasonic, Canon và Nikon đã phải đóng cửa các nhà máy chuyên làm các dòng máy ảnh số cao cấp tại Nhật. Điều may mắn là các mẫu máy cấp thấp hơn của các hãng này được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc và Thái Lan, sau đó tiếp tục được gia công ở Đài Loan, nên các hoạt động sản xuất và phân phối của các hãng này vẫn ổn định.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)