Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc tăng vọt

Doanh số bán lẻ 9 tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh Tân hoa xã

Những thông tin kinh tế gần đây cho thấy nhu cầu chi tiêu của Trung Quốc - đất nước từng được coi là tằn tiện và ít tiêu xài - đang tăng cao.

Tháng 9 vừa qua, số khách hàng của Công ty điện thoại di động China Mobile đã vượt qua mốc nửa tỉ người - một dấu hiệu rõ ràng về quy mô đáng kinh ngạc của thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới và doanh số tiêu thụ xe hơi năm nay đã tăng đến 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những ngày lễ Quốc khánh Trung Quốc hồi đầu tháng 10, các nhà bán lẻ cho biết tivi màn hình phẳng cỡ lớn đã bán hết sạch.

Trong cuộc suy thoái kinh tế thế giới – cuộc khủng hoảng từ bên ngoài lớn nhất tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc trong mười năm qua - một trong những điểm gây ngạc nhiên nhất chính là sức mạnh nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc. Thực tế, doanh số bán lẻ đã tăng khoảng 16,5% trong ba quý đầu 2009 – cao hơn ít nhất hai điểm phần trăm so với năm ngoái trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Với sự kiện Bắc Kinh khẳng định muốn chuyển mô hình kinh tế sang dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu thụ nội địa, và nhiều chính phủ thúc giục Trung Quốc bớt dựa vào xuất khẩu, tiêu dùng đã trở thành trung tâm trong vận mệnh kinh tế thời hậu khủng hoảng của cả nền kinh tế Trung Quốc lẫn kinh tế toàn cầu. Tuy vậy đà gia tăng các con số về doanh thu bán lẻ đặt ra ba nghi vấn: liệu sự gia tăng này là có thật? có bền vững không? và liệu nó có phản ánh được sự tái cân bằng thật sự của kinh tế, bớt dựa vào đầu tư và xuất khẩu? 

Hôm thứ Năm (22-10) trong lúc các quan chức hoan hô bước nhảy vọt gần đây trong doanh số bán lẻ thì các nhà kinh tế lại hoài nghi những con số này. Vấn đề nằm ở chỗ số liệu chính thức của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc bao gồm cả việc mua sắm của chính phủ - hạng mục chắc chắn sẽ tăng cao trong năm nay nhờ gói kích thích kinh tế.

Các nhà kinh tế của chính phủ cũng coi nhẹ ý tưởng về sự tăng vọt nhu cầu tiêu dùng. Một báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc hồi tháng Tám nhận định, “ấn tượng” của cư dân đô thị về thu nhập của họ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong khi đó, ông Xu Xianchun, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc, nhận xét trong một bài báo rằng tăng trưởng tiêu thụ thực tế ít hơn tỉ lệ đã công bố.

Nhưng cho dù tỉ lệ tăng trưởng tiêu dùng được thổi phồng quá mức, vẫn có nhiều bằng chứng từ nhiều ngành công nghiệp cho thấy sức tiêu thụ đã mạnh lên, nhất là ở các khu vực nông thôn.

Ge Zhongqiang, người điều hành cửa hàng điện tử ở Xinba, một làng thuộc tỉnh Giang Tô, cho biết, “Người dân nông thôn có nhiều thu nhập hơn so với khi tôi mở cửa hàng này năm 2003. Họ xài nhiều thiết bị gia dụng chạy bằng điện hơn”. Một vài người ngờ rằng đà gia tăng nhu cầu sẽ không kéo dài do những khoản trợ cấp này chỉ xảy ra “một lần mà thôi”. Người dân nông thôn được trợ giá để mua “hàng trắng” (như máy giặt, tủ lạnh…), và được giảm thuế cho ô tô nhỏ. Nhà tư vấn về ô tô JD Power, cho rằng tỉỷ lệ tăng trưởng doanh thu ô tô của Trung Quốc sẽ giảm 2-3% trong năm tới.

Lực lượng lao động theo mùa vụ cũng giảm đi. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục ở nông thôn và đang bắt đầu chương trình hưu bổng cho dân nông thôn. Trong khi đó nhu cầu ở thành thị đang được đẩy mạnh khi có hàng triệu người bước vào nhóm dân số có mức thu nhập 4.000-6.000 đô la Mỹ mỗi năm và chuyển từ việc chỉ có khả năng chi trả cho những nhu yếu phẩm tối cần thiết sang mua sắm những món hàng xa xỉ như ô tô.

Giới chức Trung Quốc nói rằng nhu cầu tiêu dùng như vậy đang giúp tái cân bằng nền kinh tế, giảm việc dựa vào xuất khẩu. Họ chỉ ra thực tế tỉ lệ thặng dư tài khoản vãng lai so với GDP năm nay sẽ thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy đầu tư công chính là lực đẩy chính đằng sau bước nhảy vọt mới đây của kinh tế Trung Quốc. Theo giáo sư Yasheng Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts, trước khi chính phủ Trung Quốc đưa ra gói kích thích kinh tế, mức tiêu thụ chỉ bằng khoảng 33% GDP, mức thấp nhất trong các nền kinh tế mạnh của thế giới.

Với việc gia tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bắt tay vào việc sửa chữa những tác hại từ những năm 90 khi thu nhập ở nông thôn gần như không tăng. “Nhưng họ vẫn còn quá chú trọng vào việc chuyển dịch phúc lợi xã hội mà chưa đề cao việc giải phóng kinh tế - yếu tố chính giúp gia tăng thu nhập,” giáo sư Huang nói. Theo ông, Trung Quốc phải vượt qua sự “mê tín đầu tư”.

(Theo Song Thu // Thời báo kinh tế Sài Gòn // CNN)

  • Tổng thống Indonesia đối mặt với thách thức tăng trưởng kinh kế
  • Trung Quốc sơ tán dân để tránh nhiễm độc chì
  • Con đường tương lai của Cộng đồng Đông Á
  • Nhiều cam kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 15
  • Manila chuẩn bị đón bão Mirinae
  • Bão Mirinae tấn công Philippines
  • Trung Quốc đạt tăng trưởng kinh tế hơn 7%
  • Dự trữ lương thực của Ấn Độ đủ để vượt qua khủng hoảng