Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những bài toán khó của đô thị châu Á

Các thủ đô châu Á phải tiếp nhận rất nhiều cư dân nông thôn tới với hy vọng có thu nhập cao hơn. Ảnh chụp tại Manila, Philippines. P.H.

Các thành phố lớn của châu Á đang phát triển nhanh nhưng chất lượng cuộc sống đang suy giảm trầm trọng.

Đó là thông điệp đưa ra tại Hội nghị lần thứ 21 Mạng lưới các thành phố lớn châu Á, gọi tắt là ANMC21 đang diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ ngày 31-10 đến 4-11. Hội nghị này là diễn đàn nơi các nhà lãnh đạo cùng các chuyên gia quốc tế trao đổi ý kiến về việc điều hành các thành phố lớn và các vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh.

Hội nghị ANMC21 đang diễn ra có sự tham dự của đại diện các thành phố New Delhi (Ấn Độ), Hà Nội (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Đài Bắc (Đài Loan) và thành phố chủ nhà Bangkok (Thái Lan). Chủ đề chính của hội nghị năm nay là phát triển du lịch bền vững và phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Trong lúc châu Á duy trì được tăng trưởng kinh tế, nhiều nước phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh từ việc đô thị hóa quá nhanh. Cư dân độ thị ở nhiều nước châu Á ngày càng khốn khổ vì môi trường sống xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều thành phố châu Á, kể cả thủ đô Bangkok nơi diễn ra hội nghị, có mức gia tăng dân số cơ học quá nhanh khiến cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội không theo kịp. Mật độ dân số cao cũng làm cho các loại bệnh truyền nhiễm như dịch cúm A/H1N1 lây lan rất nhanh. Ngoài ra, ở các thành phố phát triển nhanh có xu hướng gia tăng các loại tội phạm cùng với tình trạng nghèo khổ ở các khu ổ chuột.

Tuy vậy, tiến trình đô thị hóa ở các thành phố châu Á là không thể đảo ngược. Các hoạt động kinh tế có xu hướng nở rộ ở các thành phố lớn, thu hút một số lượng lớn người di cư từ vùng nông thôn, nhất là ở các nước có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Các thành phố đã biến thành những trung tâm tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự tăng trưởng dù nhanh cũng không xử lý nổi làn sóng di dân khổng lồ từ nông thôn khi người nông dân hy vọng có được thu nhập cao hơn ở thành thị. Nhiều người di dân đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc bị buộc phải sống trong những điều kiện không phù hợp với sức khỏe.

Đô thị hóa tác động mạnh nhất đến người nghèo ở thành phố bởi vì dân nghèo đô thị ít được tiếp cận các điều kiện ăn ở và vệ sinh phù hợp. Hàng triệu dân nghèo ở các thành phố lớn của châu Á đang phải sống trong các khu ổ chuột, dễ lâm vào tội ác, nghiện hút hoặc bạo lực. Tình trạng sức khỏe kém của cư dân đô thị chắc chắn sẽ ngăn cản việc thực hiện các mục tiêu kinh tế.

Hội nghị tuần này khuyến khích các cơ quan có trách nhiệm chia sẻ tầm nhìn và kinh nghiệm làm sao xây dựng có hiệu quả các công trình hạ tầng cơ sở và thực hiện quy hoạch đô thị đúng đắn.

Ở các nước châu Á có xu hướng các thành phố thủ đô là nơi có mật độ dân số cao, vì đây là nơi tập trung các cơ quan chính quyền và hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Các thủ đô không chỉ phục vụ cư dân địa phương mà còn thu hút lượng lớn du khách và chuyên gia nước ngoài, cho nên áp lực về dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng còn nặng nền hơn các nơi khác.

Trên khắp thế giới, các thành phố phải tiếp nhận mỗi năm 67 triệu người di cư, hoặc bình quân mỗi tuần 1,3 triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2030, dự kiến sẽ có 5 tỉ người sinh sống ở các đô thị, chiếm 60% lượng dân số toàn cầu ước tính lúc đó sẽ vào khoảng 8,3 tỉ người.

Sự phát triển nhanh của các thành phố lớn đi kèm một cái giá phải trả. Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng chỉ là một vấn đề. Ở thủ đô Bangkok, ô nhiễm không khí tại nhiều quận thường xuyên vượt mức cho phép, phần lớn do cư dân Bangkok thích dùng xe cộ cá nhân để đi lại, phần khác do hệ thống vận chuyển công cộng chưa phát triển. Ở các thành phố lớn châu Á khác không khí cũng bị ô nhiễm trầm trọng, chứa nhiều hóa chất độc, vì nhiều cơ sở sản xuất hoạt động ngay trong vùng ngoại ô.

Đây là những vấn đề mà các quan chức lãnh đạo tham dự hội nghị ANMC21 phải thảo luận nghiêm túc và phải xử lý rốt ráo để đề tài sức khỏe cư dân đô thị châu Á không trở thành một câu chuyện dài không có hồi kết.

(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // The Nation Thái Lan)

  • Tờ báo của người nghèo Ấn Độ
  • Al-Qaeda đang suy yếu
  • Áp-ga-ni-xtan: Chặng đường còn lắm chông gai
  • Trung-Ấn ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu
  • Trung Quốc hỗ trợ 10 tỷ USD cho châu Phi
  • Kinh tế Trung Quốc phục hồi ấn tượng
  • Doanh nghiệp Ấn Độ hướng tới người nghèo
  • Kinh tế Hàn Quốc phục hồi nhanh