Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những nét mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Trong những đổi thay lớn lao của Trung Quốc trong 30 năm qua, ngoại giao tham dự với tư cách là một trong những nhân tố trực tiếp để đưa Trung Quốc “đến với thế giới” và “đón thế giới vào”, để khẳng định và giới thiệu với thế giới một Trung Quốc đang trỗi dậy bằng đầy đủ sức mạnh và tố chất của một cường quốc.


Thay đổi nhận thức về thế giới và quan điểm cơ bản về đối ngoại

Trung Quốc nhìn nhận, thế giới ngày nay đang có những thay đổi, điều chỉnh lớn. Hoà bình và phát triển vẫn là chủ đề của thời đại, mưu cầu hoà bình, thúc đẩy hợp tác trở thành trào lưu không gì ngăn cản nổi. Xu thế đa cực không thể đảo ngược, cách mạng khoa học - kỹ thuật được đẩy nhanh, hợp tác toàn cầu và khu vực không ngừng tăng lên, sự phụ thuộc giữa các nước ngày càng chặt chẽ, so sánh lực lượng quốc tế có lợi cho bảo vệ hoà bình, tình hình quốc tế về tổng thể ổn định.

Trung Quốc nhìn nhận, thế giới ngày nay đang có những thay đổi, điều chỉnh lớn.


Tuy nhiên, thế giới vẫn đứng trước nhiều vấn đề nan giải, thách thức cần giải quyết. Chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền vẫn tồn tại, xung đột cục bộ và “điểm nóng” ở một vài nơi vẫn xảy ra, kinh tế toàn cầu mất cân đối nghiêm trọng hơn, khoảng cách Bắc - Nam rộng thêm, mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen nhau, trong đó các mối đe doạ an ninh phi truyền thống ngày càng lớn, lấn át các vấn đề quốc tế nóng bỏng.

Quá trình toàn cầu hoá làm xuất hiện các vấn đề mới đòi hỏi phải được giải quyết trên phạm vi toàn thế giới. Muốn làm được điều đó, cần có tầm nhìn, tư duy toàn cầu cùng với sự chấn chỉnh chung của trật tự thế giới. Từ cái nhìn biện chứng về thế giới, Trung Quốc nhận thức rõ rằng, dù thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc cải cách mở cửa, nhưng hiện trạng căn bản của xã hội Trung Quốc còn tồn tại, mâu thuẫn chủ yếu giữa nhu cầu văn hoá vật chất ngày càng tăng của nhân dân và sản xuất xã hội lạc hậu vẫn chưa thay đổi. 

Trung Quốc vẫn ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội nhưng trong bối cảnh mới, khác trước. Muốn tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, phải căn cứ vào thực tế đa dạng của nền kinh tế xã hội, lấy đó làm chỗ dựa căn bản để thúc đẩy cải cách, hoạch định phát triển. Thực tế đòi hỏi Trung Quốc phân tích một cách khoa học cơ hội, thách thức mới khi tham gia tiến trình toàn cầu hoá kinh tế, nhận thức toàn diện tình hình, nhiệm vụ mới, nắm chắc vấn đề mới, mâu thuẫn mới trong quá trình phát triển.

Quan điểm thống nhất của Trung Quốc khi tham gia tiến trình toàn cầu hoá là cùng chia sẻ cơ hội phát triển, ứng phó với các thách thức, thúc đẩy sự nghiệp cao cả hoà bình và phát triển của loài người. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tiêu chuẩn quan hệ quốc tế, phát huy tinh thần dân chủ, hoà hợp, hợp tác, cùng thắng trong quan hệ quốc tế. 

Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; giải quyết hoà bình các tranh chấp và “điểm nóng” quốc tế, thúc đẩy hợp tác an ninh quốc tế và khu vực, phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Trung Quốc thực hiện chiến lược mở cửa cùng thắng, lấy sự phát triển của mình để thúc đẩy khu vực và thế giới cùng phát triển, phản đối mọi hình thức chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền. Đó là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc căn cứ vào trào lưu phát triển của thời đại và lợi ích căn bản của mình.

Vị trí và trách nhiệm của Trung Quốc trên thế giới hiện nay

Bên cạnh thừa nhận Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là chủ thể phát hành đồng tiền chính yếu (USD)...; liên minh châu Âu (EU) hiện là nền kinh tế lớn và có các hoạt động thương mại lớn với thế giới bên ngoài, đồng euro ngày càng có sức cạnh tranh với đồng USD để trở thành một loại tiền tệ toàn cầu, Trung Quốc cũng tự cho mình là thành viên mới nhất của câu lạc bộ này, tuy có quy mô kinh tế nhỏ hơn so với Mỹ và EU, nhưng lại đang tăng trưởng nhanh hơn và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. 

Sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc tác động mạnh đến phần còn lại của thế giới. “Sự lớn mạnh của Trung Quốc ngày nay cũng giống như sự lớn mạnh của Mỹ cách đây một thế kỷ (1870 - 1913). Trong cả hai trường hợp, người ta đều nhận thấy tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn vào sự gia tăng GDP toàn cầu. Giống như trường hợp của Mỹ, sự lớn mạnh này không chỉ làm Trung Quốc thay đổi, mà còn làm thay đổi bộ mặt của toàn thế giới”. Trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đang theo đuổi những chiến lược khác với các quy phạm, quy tắc và các thoả thuận mang tính thể chế hiện thời, kêu gọi “sự đồng thuận Bắc Kinh” thay thế cho “sự đồng thuận Washington”, làm tăng thêm thách thức phải xem xét lại hiện trạng của thế giới.

Thế giới  đang trải qua “những thay đổi lịch sử” và điều tương tự cũng xảy ra trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới. “Sự thần kỳ kinh tế” của Trung Quốc khiến thế hệ lãnh đạo thứ 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, có thể vươn khỏi cương lĩnh ngoại giao nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là “giữ thế thủ và không bao giờ dẫn đầu” trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn và có thể là xây dựng hơn, trong các vấn đề toàn cầu thông qua một bản kế hoạch đối ngoại - “Quan điểm của Hồ Cẩm Đào về thời đại”- gồm 5 luận điểm về “sự thay đổi sâu sắc (trong bối cảnh thế giới), xây dựng một thế giới hài hoà, cùng phát triển, chia sẻ trách nhiệm và sự tham gia một cách nhiệt tình (vào các công việc toàn cầu)”.

Việc Trung Quốc sẵn sàng gánh vác “trách nhiệm chung” đối với những nghĩa vụ toàn cầu cho thấy quốc gia này đã sẵn sàng trở thành “một cổ đông có trách nhiệm” (theo cách nói của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Robert Zeollick trên nghị trường quốc tế. Sự tham gia nhiệt tình hơn của Trung Quốc vào các vấn đề quốc tế sẽ không ảnh hưởng tới mô hình phát triển của mình, và bảo đảm “Trung Quốc có thể tiếp tục con đường tiến lên phía trước mà không cần gây ra những xung đột, va chạm như các cường quốc mới nổi trước đây từng gặp phải”. Các hành động thực tế như: “tham gia vào hơn 20 lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, Iran và các cuộc xung đột sắc tộc ở Sudan trong thời gian gần đây cho thấy, Trung Quốc đang “mềm hoá” nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác”, góp phần vào việc thúc đẩy hoà bình và sự phát triển của nhân loại.
------------------------------

Với tính chất cầu nối quan trọng, ngoại giao Trung Quốc không ngừng thay đổi, hoàn thiện để trở thành một nền ngoại giao hiện đại, đủ sức đứng ở vị trí trung tâm những biến đổi lớn lao của lịch sử Trung Quốc và thế giới đương đại.


Quan niệm về tính đa dạng của thế giới

Cách đây 15 năm, tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên Hiệp Quốc (tháng 10/1995), Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân khẳng định: “Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những đặc điểm và sở trường của riêng mình, chỉ có tôn trọng lẫn nhau, cầu đồng tồn dị, chung sống hoà hợp, thúc đẩy lẫn nhau, các nước mới có thể sáng tạo ra thế giới trăm hoa đua nở, ngàn hương vạn sắc. Không đa dạng sẽ không thành thế giới... Nếu không thừa nhận tính đa dạng của thế giới, mà muốn tạo ra một thế giới thống nhất chỉ một màu sắc chắc chắn sẽ vấp phải bế tắc”. 

Trung Quốc tôn trọng tính đa dạng của các dân tộc khác nhau.


Báo cáo chính trị Đại hội XVII của đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: “Chủ trương bảo vệ tính đa dạng của thế giới, đề xướng dân chủ hoá và đa dạng hoá mô thức phát triển quan hệ quốc tế”. Các nước đều có quyền lựa chọn chế độ xã hội, chiến lược phát triển và phương thức sống phù hợp với điều kiện và đặc điểm tình hình của nước mình. Công việc của các nước phải do nhân dân các nước đó làm chủ, công việc của thế giới phải do các nước cùng thương lượng giải quyết. 

Trung Quốc giải thích, cũng giống như vũ trụ không thể chỉ một màu sắc, thế giới không thể chỉ có một nền văn minh, một chế độ xã hội, một mô hình phát triển, một quan niệm giá trị. Các quốc gia, dân tộc đều có đóng góp đối với sự phát triển văn minh của nhân loại. Cần tôn trọng tính đa dạng của các dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau và các nền văn minh khác nhau. Sức sống trong sự phát triển của thế giới cùng tồn tại trong tính đa dạng này. Đồng thời, tính đa dạng là đặc trưng cơ bản, bất biến của nền văn minh thế giới. Đa dạng ở khía cạnh nhất định nghĩa là khác biệt, có khác biệt cần phải giao lưu, giao lưu để thúc đẩy phát triển. 

Trong quá trình giao lưu, các nền văn minh học hỏi và kế thừa lẫn nhau, làm phong phú thêm và tiếp tục phát triển, trong khi tìm kiếm điểm “đồng” gác lại “bất đồng”, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản trong so sánh, cạnh tranh, cùng phát triển. Từ tôn trọng đến bảo vệ tính đa dạng của thế giới đã thể hiện nhận thức và phản ứng của ngoại giao Trung Quốc về hiện thực khách quan của xã hội quốc tế không ngừng thăng hoa, biến thiên, cũng là sự phản ánh tập trung một thực tế rằng nền ngoại giao Trung Quốc có xu hướng khoa học và trưởng thành hơn.

Tư tưởng tôn trọng và bảo vệ tính đa dạng của thế giới  mở ra góc nhìn mới trong việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích và chế độ xã hội cũng như ý thức hệ, đem lại căn cứ lý luận mới để Trung Quốc phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia và trong thể hiện ứng xử quốc tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn đối với sự phát triển của thế giới. Chỉ có tôn trọng tính đa dạng trong nền văn minh của các nước, các dân tộc, tôn trọng sự tồn tại hợp lý về chế độ xã hội, mô hình phát triển và văn hoá của các nước mới có thể bảo đảm lòng tin và tôn trọng lẫn nhau giữa các nước.

Quan điểm mới về nền an ninh

Theo cách hiểu mới về an ninh, Trung Quốc cho rằng nhân loại đang sống trên trái đất giống như việc các hành khách đang đi chung trên một con thuyền, do đó, an ninh của những người khác cũng đồng nghĩa với an ninh của chính bản thân mình. Hạt nhân của quan điểm mới về an ninh mà Trung Quốc nhấn mạnh là an ninh chung, đó là phải từ bỏ quan điểm an ninh phiến diện trên cơ sở sử dụng vũ lực và đồng minh quân sự. 

Quan điểm mới chủ trương đoàn kết nhân dân các nước trên thế giới để bảo vệ nền hoà bình thế giới, cùng đối phó với những nhân tố an ninh phi truyền thống ngày càng nổi cộm. Mục tiêu cuối cùng mà Trung Quốc theo đuổi là an ninh chung cho cả cộng đồng quốc tế, lấy đó làm cơ sở cho phương hướng hợp tác an ninh quốc tế, trong điều kiện mới của thời đại.

Ngoại giao của Trung Quốc được tiến hành theo nguyên tắc lấy hợp tác để thúc đẩy an ninh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mở rộng lợi ích chung để bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu. 

Thứ nhất, Trung Quốc tham gia hợp tác an ninh dưới nhiều hình thức: vừa tham gia cơ chế và các diễn đàn an ninh đa phương, vừa tích cực tham gia các cuộc thảo luận an ninh song phương và đối thoại an ninh phi chính phủ. Thứ 2, Trung Quốc tiến hành hợp tác an ninh với các nước khác nhau, trong đó có cả những nước có mô hình và quan điểm phát triển không giống với Trung Quốc. Thứ 3, Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian các cuộc đối thoại an ninh. Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại an ninh với các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng, thông qua các cuộc thương lượng định kỳ với các bên để thực hiện các mục tiêu an ninh chung.

Thế giới hài hoà, cùng phồn vinh là đích hướng tới quan trọng nhất của nền an ninh hiện nay. Kinh tế lạc hậu và nghèo đói là nhân tố chủ yếu gây mất ổn định xã hội, làm nảy sinh các cuộc xung đột vũ trang. Thế giới hài hoà là thế giới giao lưu và hợp tác. Sự khác nhau về lịch sử, văn hoá, chế độ xã hội và mô hình phát triển không nên trở thành vật cản đối với hoạt động giao lưu, càng không thể là lý do dẫn đến đối kháng lẫn nhau. Mục tiêu của quan điểm mới về an ninh thống nhất với việc xây dựng thế giới hài hoà.

Cùng với sự lớn mạnh về thực lực và với tư cách là một nước lớn, Trung Quốc phát huy vai trò tích cực trong đời sống quốc tế. Quan điểm mới về an ninh trở thành sự bảo đảm quan trọng cho Trung Quốc phát triển hoà bình, quyết định quá trình trỗi dậy của Trung Quốc là quá trình “trỗi dậy hoà bình”, lấy chung sống hoà bình làm tiền đề, lấy lợi ích chung làm cơ sở, lấy hợp tác làm cầu nối, lấy hoà bình thế giới và cùng phát triển làm mục tiêu, thể hiện rõ rệt quan điểm trong truyền thống văn hoá của Trung Quốc -“dĩ hoà vi quý”, “thiên hạ vi công”.

Quan niệm mới về lợi ích quốc gia và cách hiểu mới về phát triển

Trước sự phân hoá và biến động lớn của tình hình quốc tế hiện nay, trong những động thái ngoại giao mới của Trung Quốc có sự thay đổi quan niệm về lợi ích. Các chuyên gia về chính sách đối ngoại và hoạch định chiến lược của Trung Quốc cho rằng, lợi ích quốc gia hiện nay được chia thành ba nhóm cơ bản: Loại chính gắn liền với sự tồn tại và an ninh của đất nước, tiếp theo là các lợi ích kinh tế và cuối cùng là cái gọi là “quốc thể”. 

Họ luận giải khái niệm mới về chủ quyền quốc gia - điều luôn được xem là mối quan tâm chính của bất kỳ một đất nước nào với đề xuất, trong thời đại mới của việc thực hiện sự điều chỉnh toàn cầu, chủ quyền phải mang tính thích ứng, thực dụng và mềm dẻo. Họ cho rằng, các lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế gắn bó chặt chẽ với nhau. Do đó, sự xâm phạm lợi ích của nước này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác và gây tổn hại cho chính mình; thành công của những nước này cũng là thành công đối với những nước khác.

Trên cách hiểu mới về phát triển, Trung Quốc đánh giá:

Thứ nhất, nếu nói về đất nước như Trung Quốc với dân số, lãnh thổ và nền tảng văn hoá - kinh tế thì sự phát triển cân đối, hài hoà, liên tục và có cơ sở khoa học của Trung Quốc là một đóng góp lớn đối với tiến bộ của nhân loại và trật tự toàn cầu. Sự phát triển của Trung Quốc là một bộ phận cấu thành quan trọng của quá trình phát triển thế giới.

Thứ 2, sự phát triển của Trung Quốc không được cản trở sự phát triển của các nước khác và làm suy yếu họ, nỗ lực phát triển không được gây ra sự tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, "khi mình phát triển, hãy tạo cơ hội cho các nước khác cùng phát triển". 

Ngày nay, sự phát triển của một quốc gia phải dựa trên hợp tác toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá với nước khác, trong đó, đối tác càng phát triển, cơ hội hợp tác càng lớn, lợi ích càng nhiều, sự chênh lệch về trình độ phát triển chỉ mang lại lợi ích nhất thời, thiếu chiều sâu. Hơn nữa, khác với thời kỳ "chiến tranh nóng” hoặc “chiến tranh lạnh", trong bối cảnh hiện nay, khi mà ưu thế thực tế vẫn đang nghiêng về phía chủ nghĩa tư bản, cần phải thích ứng với việc phát triển, cùng tồn tại và cùng đạt được sự thịnh vượng với chủ nghĩa tư bản.

Thứ 3, trong bối cảnh toàn cầu hoá, nền văn hoá Trung Quốc đang tuyên truyền về hoà bình, xã hội hoà hợp, tìm kiếm điểm chung từ các bất đồng, cạnh tranh trong bối cảnh cùng tồn tại, cùng tận hưởng các thành quả của sự thịnh vượng. Con đường phát triển hoà bình của Trung Quốc vừa đáp ứng được các lợi ích của Trung Quốc, vừa có lợi cho toàn thế giới.

Quan điểm mới về nền ngoại giao

Phương hướng mới của ngành ngoại giao Trung Quốc, như chỉ thị cụ thể của Đảng Cộng sản đối với các viên chức ngoại giao, “phải giống như tất cả” (có nghĩa là, ở bất cứ bối cảnh nào, ngoại trừ những hoạt động mang tính nghi lễ, các nhà ngoại giao Trung Quốc hãy ứng xử thoải mái, giống như các nhà ngoại giao phương Tây vẫn thường làm).

Trung Quốc cho rằng, sự chấn chỉnh toàn cầu đòi hỏi ngày càng có nhiều nước tham gia các hoạt động của khu vực và quốc tế. Trung Quốc muốn thể hiện với tư cách là người sáng tạo, cùng tham gia quá trình sáng tạo thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc khẳng định hình ảnh là một nước có trách nhiệm, đáng tin cậy, tích cực tham gia chấn chỉnh trật tự thế giới và xây dựng hệ thống quốc tế, gánh vác nhiều trách nhiệm quốc tế hơn nữa.

Về chủ nghĩa khủng bố, Trung Quốc đánh giá chủ nghĩa khủng bố là một hiện tượng đặc biệt trong nền chính trị thế giới hiện nay. Vấn đề không chỉ ở chỗ có cần đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố hay không mà là đấu tranh với nó như thế nào.

Về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền, Trung Quốc đã và cần phải xác định quan điểm của mình trên cơ sở thực tiễn, linh hoạt, kiên quyết theo đúng mục tiêu công bằng và chân lý. Chú ý đến sức mạnh quốc gia, Trung Quốc không để mình trở thành tâm điểm của các mâu thuẫn quốc tế nhưng cũng không né tránh và sợ hãi các mâu thuẫn, không thể có thái độ "buông xuôi" các vấn đề và trốn tránh trách nhiệm.

Trung Quốc cho rằng, tình hình hiện nay cần tiến hành hình thái ngoại giao phức hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa trung ương và địa phương với hình thức đa dạng, phong phú, có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần kết hợp bốn tuyến ngoại giao chặt chẽ với nhau gồm: quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế, lấy Liên hợp quốc làm trung tâm. Trên nền tảng đó, Trung Quốc nhấn mạnh những điểm căn bản của nền ngoại giao mới như sau:

Một là, nắm vững nghệ thuật đạt được các thoả hiệp, nhượng bộ, cùng chiến thắng, có lợi cho cả hai bên; từ bỏ "tư duy theo khối" của thời kỳ chiến tranh lạnh. Trung Quốc coi tính đa cực là yếu tố then chốt của nền ngoại giao.

Hai là, đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn là đối thủ lớn nhất, đồng thời là đối tác lớn nhất, quốc gia có quan hệ trao đổi với Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, vị thế quốc tế và các quan điểm chiến lược của Nga, EU, Nhật Bản, ấn Độ trong các vấn đề song phương, khu vực cũng như các vấn đề toàn cầu là hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc cần phát huy đầy đủ thế mạnh, khắc phục quyết liệt các tồn tại trong quan hệ với các quốc gia, khu vực này.

Ba là, coi trọng con người, thực hiện nền ngoại giao nhân đạo, nhân dân.

Bốn là, các nước đang phát triển là đối tác ngoại giao chính của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc cũng là một quốc gia đang phát triển. Trung Quốc cần đến thế giới thứ ba và thế giới thứ ba cũng cần đến Trung Quốc.

Năm là, thực hiện sự phối hợp hành động khu vực và sự liên kết khu vực, thiết lập quan hệ đối tác với các nước láng giềng, củng cố sự thân thiện, tiến tới bao quanh mình các nước láng giềng thịnh vượng, hữu nghị và an toàn. Trung Quốc cần phải xây dựng khu vực tự do thương mại với ASEAN, đồng thời củng cố sự hợp tác với các nước thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, phát triển các quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam. Trung Quốc coi vùng ngoại biên của mình là đối tượng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại.

Sáu là, giữ vững các truyền thống tốt đẹp và tính đặc sắc của nền văn hoá Trung Quốc. Thực hiện các cuộc đối thoại, trao đổi và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá. Trung Quốc phản đối chủ nghĩa dân tộc văn hoá và chủ nghĩa đế quốc văn hoá.

 


Theo Tạp chí cộng sản// Báo Đất Việt