Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nước đông dân nhất thế giới thiếu lao động

Nước đông dân nhất thế giới đang thiếu lao động. Chuyện này đang tiếp diễn trên phạm vi rộng tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Mặc dù lương cơ bản đã tăng nhưng các nhà máy vẫn khó xoay chuyển được tình trạng thiếu công nhân. Vấn đề này đã trở thành cơn ác mộng đối với giám đốc các nhà máy và chính quyền các địa phương.

Theo giới phân tích, có tám nguyên nhân chính khiến tình trạng khan hiếm nhân công trở nên trầm trọng như hiện nay.

Thứ nhất, sự phát triển của các khu vực đang đi theo hướng cân bằng, khoảng cách giữa miền Đông và miền Tây Trung Quốc đang dần thu hẹp. Trước kia, kinh tế khu vực duyên hải luôn dẫn đầu cả nước nhưng gần đây, tăng trưởng kinh tế của các vùng sâu bên trong lục địa cũng đã bắt đầu đuổi sát các vùng duyên hải, nhờ sự cải thiện cơ sở hạ tầng, sự tiến bộ của nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi của chính phủ và sự chuyển dịch vào bên trong của một số doanh nghiệp vùng duyên hải. Từ đầu năm 2011, khu vực trung bộ của miền Tây đã đua nhau dùng chiêu thức “đãi ngộ người ở lại” để cạnh tranh mạnh mẽ với miền Đông. Vì vậy, các khu vực duyên hải như Quảng Đông, Chiết Giang đã lần lượt xuất hiện tình trạng thiếu nhân công.

Thứ hai, sự phát triển của năng lực sản xuất đã dẫn tới sự thay đổi, cải cách ngành nghề sản xuất. Trải qua 30 năm cải cách mở cửa, trình độ sản xuất của Trung Quốc đã được nâng lên rất nhiều, từ đó dẫn tới sự thay đổi cơ cấu của một loạt ngành sản xuất. Những ngành sản xuất mới nổi cũng bắt đầu tranh giành lao động với những ngành nghề truyền thống tập trung nhiều lao động.

Thứ ba, quan hệ giữa lao động và nhà máy được ghi trong hợp đồng lao động khá đơn giản. Tuy hiện nay nhà nước đã yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với công nhân nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách né tránh, qua thời kỳ nhiều đơn đặt hàng là tìm mọi cách để “qua sông rút ván”. Tình trạng này gây bất lợi cho người lao động và trong giai đoạn hiện nay đã "phản pháo" lại doanh nghiệp, khiến cho họ mất đi khả năng quản lý nhân công một cách hiệu quả, gây ra hiện tượng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng.

Thứ tư, mức tăng lương ở các doanh nghiệp miền Đông chậm và thấp. Một khảo sát năm 2009 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, thu nhập bình quân của một công nhân ngoại tỉnh ở miền Đông là 1.455 nhân dân tệ (NDT), ở miền Trung là 1.389 NDT, ở miền Tây là 1.382 NDT, như vậy, lương ở miền Đông chỉ cao hơn miền Tây khoảng 5%, (trong khi 5 năm trước đó, sự chênh lệch này là 15% ) và chi phí sinh hoạt của công nhân ở miền Đông lại cao hơn 25% so với ở miền Trung, chưa tính tới các chi phí vô hình khi ở xa nhà. Điều này đã khiến động cơ đi làm ăn xa của người lao động giảm xuống đáng kể.

Thứ năm, cơ chế “thành thị - nông thôn” kéo dài đã lâu. Đằng sau hiện tượng “thiếu lao động” là sự thiếu hụt về chế độ bảo hiểm xã hội và mạng lưới giáo dục. Có không ít những công nhân ngoại tỉnh tuy đã làm việc khá lâu ở thành phố nhưng chưa từng được hưởng những đãi ngộ như thị dân về các mặt giáo dục, y tế. Sự thiếu hụt các chế độ phúc lợi tương ứng dẫn tới người ngoại tỉnh và thị dân không thể cùng nhau hưởng thành quả “văn minh đô thị".

Thứ sáu, kỳ vọng nghề nghiệp của công nhân ngoại tỉnh thế hệ thứ hai đã vươn cao hơn. Lứa công nhân này yêu cầu mức lương cao hơn nhiều so với hiện nay, họ cũng yêu cầu cao hơn về lựa chọn việc làm, điều kiện làm việc, bảo hộ lao động… Nhưng ở nhiều nơi, về tinh thần và vật chất vẫn chưa chuẩn bị để tôn trọng họ, đón nhận họ, khiến họ khó có được sự đồng cảm và hòa nhập với thành phố.

Thứ bảy, sợi dây tình cảm níu kéo. Hội Phụ nữ Trung Quốc đã tiến hành điều tra và cho biết, hiện có khoảng 58 triệu trẻ em đang ở lại quê nhà, trong đó có khoảng 40 triệu trẻ em dưới 14 tuổi có cha mẹ đã đi làm xa trên 5 năm. Việc vắng nhà thường xuyên đã khiến tình cảm gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và điều này khiến họ muốn trở lại làm việc tại quê nhà.

Thứ tám, lợi thế về nhân khẩu hiện đã rẽ sang ngả khác. Hiện nay, động lực lao động dư thừa ở nông thôn đang thu hẹp. Giai đoạn dân số trẻ (ưu thế về sức lao động) của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1980, kéo dài đến năm 2015, và hiện đã gần hết giai đoạn này. Theo Bộ Nông nghiệp, hiện Trung Quốc vẫn còn dư thừa khoảng 100 triệu lao động nông nghiệp, nhưng khoảng 50% số này tuổi đời đã trên 40, không phù hợp để chuyển đổi ngành nghề.

Theo tốc độ trước kia, mỗi năm sẽ chuyển dịch mới khoảng 6-7 triệu nông dân - công nhân, thì chỉ khoảng 7-8 năm nữa, vùng nông thôn sẽ không còn dư lao động để chuyển đổi nữa. Vì vậy, thị trường lao động công nhân từ nông thôn hiện nay đang dần chuyển từ cung cấp vô hạn sang cân bằng cung cầu và cuối cùng, muốn thu hút được bộ phận lao động còn lại sẽ phải nâng cao thu nhập cho họ và tạo điều kiện làm việc tốt hơn.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)