Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tác động từ thảm họa Nhật Bản tới các dự án điện hạt nhân ở ASEAN

Các nước sẽ phải xem xét lại các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, tài chính, bảo hiểm, và đặc biệt là nguồn tài trợ từ Nhật.

Hiện nay các nước ở khu vực này đang kỳ vọng nguồn năng lượng hạt nhân sẽ giải quyết nhu cầu đang tăng vọt của mỗi nước. Theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nhu cầu về năng lượng của ASEAN sẽ tăng lên 75% vào năm 2030 và năng lượng hạt nhân được xem là một cứu cánh cho các nước này khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Hiện tại chưa có nhà máy điện hạt nhân nào trong khu vực nhưng ở Thái Lan, kế hoạch xây dựng hai nhà máy đang chờ được phê duyệt. Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật, thủ tướng Abhisit Vejjajiva phát biểu: “Biến cố sau trận động đất ở Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến quyết định xây dựng cơ sở hạt nhân. Chúng tôi phải chứng tỏ được hệ thống này an toàn đặc biệt khi xảy ra thiên tai hay khủng bố”.

Là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Indonesia đã hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân cách đây vài năm. Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng hai nhà máy vào năm 2020 với sự trợ giúp của Nga và Nhật, ngoài ra dự kiến xây dựng 8 nhà máy khác.

Nước Nhật sẽ mất nhiều thời gian và tiền của để tái thiết các vùng bị tàn phá, do vậy các khoản đầu tư lớn của Nhật Bản có thể bị trì hoãn hoặc ngừng lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thay đổi kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mà chỉ rút kinh nghiệm từ vụ rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

(Báo Điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)