Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phân cực xã hội: An nguy lớn nhất của Trung Quốc

Tại Trung Quốc, hiện thực "hố đen" không chỉ tồn tại trong quan hệ cung - cầu bất động sản mà đã từ lâu tồn tại bởi mức chênh lệch giàu-nghèo lên đến 65 lần giữa 10% dân số có thu nhập cao nhất và 10% công dân có thu nhập thấp nhất tại Trung Quốc.

Những khó khăn kinh tế

Vào quý II/2011, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn đạt đến 9,5%, nhưng đà tăng đã bị giảm sút đôi chút so với quý I/2011 (9,7%). Tình trạng chững lại của GDP đã gây nên sự lo lắng mơ hồ đối với các nhà quản lý kinh tế của Bắc Kinh khi vào giữa năm 2008 - thời kỳ gay gắt của khủng hoảng kinh tế thế giới - Trung Quốc vẫn đạt GDP trên 10%, còn vào năm 2007 tỷ lệ tăng trưởng GDP cao điểm là 13%.

Trái ngược với đà giảm sút của GDP, lạm phát gia tăng khiến giá cả hàng hóa tăng theo và chính quyền trung ương buộc phải thắt bầu tín dụng, lại càng làm cho lĩnh vực sản xuất khó khăn hơn.

Trong thời gian gần đây, những tổ chức phân tích độc lập của quốc tế như Moody và Fitch đã có cái nhìn khác hơn về kinh tế Trung Quốc. Theo Moody, tuy gần đây Trung Quốc đã phải công bố số nợ của các chính quyền địa phương đối với ngân hàng trung ương là 1.650 tỷ USD, nhưng số liệu này còn thấp hơn ít nhất 500 tỷ USD so với con số thực tế.

Sự khác biệt giữa con số thống kê chính thức với thực tế vẫn luôn là một vệt mờ trong tính minh bạch của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường và Trung Quốc không phải chịu nhiều áp lực, vệt mờ này có thể chỉ nằm ở một góc nhỏ nào đó trong bức tranh kinh tế tổng thể. Nhưng nếu nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những nhược điểm tồi tệ, vệt mờ đó rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành một đám mây mờ có thể che lấp cả mặt trời Trung Hoa và góp thêm một yếu tố tiêu cực làm cho nền kinh tế mau chóng bị rơi vào tình trạng mất thăng bằng hơn.

Cũng liên quan đến tính minh bạch của nền tài chính Trung Quốc, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody ước tính nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới 8 đến 12%, trong khi con số công bố chính thức chỉ là 1,2%.

Với những khó khăn hiện tại và thiếu minh bạch trong tài chính Trung Quốc, Moody và Fitch đã bắt đầu tính toán đến khả năng nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình huống xấu hơn, thậm chí là tồi tệ hơn. Theo cách nhìn của các tổ chức này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu sự chấn động khi tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 7% - sẽ xảy ra khi lạm phát quá cao hay thị trường bất động sản bị đảo ngược về tăng trưởng.

Công nhân Trung Quốc (ảnh chinadigitaltimes)

Cách đây không lâu, Roubini, một chuyên gia thượng thặng của Mỹ, người đã từng dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đã tiên đoán Trung Quốc sẽ phải chịu một sự hạ cánh không an toàn (hay còn gọi là "hạ cánh cứng") vào năm 2013 khi các khó khăn về lạm phát, sự sụt giảm của GDP, khả năng tan vỡ của bong bóng bất động sản cùng lúc tác động lên nền kinh tế Trung Quốc.

Khá tương đồng với Roubini, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch gần đây cũng đã cảnh báo có đến 60% khả năng Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng từ giữa năm 2013 trở đi. Vậy tác nhân nào có thể tạo nên sự chấn động đối với hệ thống ngân hàng? Chỉ có thể là lĩnh vực đầu tư địa ốc với quá nhiều hình ảnh đầu cơ không giới hạn.

Ẩn số từ bong bóng bất động sản

Một phần không nhỏ - khoảng 2,5-3% trong cơ cấu GDP - được đóng góp từ khu vực bất động sản. Trong giai đoạn 2009-2011, khu vực này đã tăng trưởng rất mạnh, tạo nên một mặt bằng giá mới cao hơn hẳn thời điểm sau khủng hoảng kinh tế 2008.

Tuy nhiên với tình trạng giá nhà ở Bắc Kinh đã tăng đến hơn 8 lần từ năm 2005 đến nay, bất cứ người dân Trung Quốc nào cũng có thể nhìn rõ là giá nhà đất đã bị các công ty bất động sản đẩy lên quá cao, vượt quá xa sức mua và mặt bằng thu nhập của người dân có thu nhập trung bình và dưới trung bình. Do vậy, một khi giá nhà đất bị kéo xuống theo quy luật điều tiết tự nhiên, nguồn thu về bất động sản của các công ty bất động sản và các chính quyền địa phương tất yếu sẽ giảm mạnh, kéo theo đà giảm sút tiếp nối của GDP.

Riêng đối với chính quyền địa phương, nguồn thu về bất động sản thường chiếm khoảng 60% trong cơ cấu thu của họ, mà các chính quyền này lại đang mang nợ khoảng 2.200 tỷ USD đối với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Do vậy nếu thu không đủ thì có khả năng nhiều chính quyền địa phương sẽ phải đối mặt với tình thế vỡ nợ và làm lây lan đến sự tồn vong của một số ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Hiện thời, một lý do khá dễ hiểu cho sự dao động kéo dài tại vùng đỉnh của mặt bằng giá nhà đất Trung Quốc là vẫn có những nhóm lợi ích tiềm tàng không muốn (hoặc chưa muốn) chỉ số giá địa ốc bị sụt giảm mạnh. Đó là các ngân hàng thương mại - nơi giữ cửa các món vay khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và chính quyền các địa phương - những nơi có không khí tăng giá nhà đất nóng sốt. Tất cả đều liên quan đến nguồn thu thường xuyên, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, của các tổ chức và cá nhân.

Với lý do đó, điều đương nhiên là sẽ khó có một cuộc đổ vỡ ngay lập tức của bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, mặc dù quả bong bóng này đã được định dạng từ lâu nay. Nguồn tín dụng sẽ tiếp tục được chảy vào một số doanh nghiệp bất động sản, dù có khắt khe hơn trước.

Do vậy, thị trường bất động sản Trung Quốc là một ẩn số lớn đối với tương lai nước này. Nếu bong bóng bất động sản trở nên hiện hữu thì hậu quả bùng vỡ của nó có thể làm sụt đến 3% GDP của Trung Quốc, tác động tức thì hệ thống ngân hàng nước này và dẫn tới những hậu quả xã hội khó lường.

Hố phân cực đã quá lớn

Tại Trung Quốc, hiện thực "hố đen" không chỉ tồn tại trong quan hệ cung - cầu bất động sản mà đã từ lâu tồn tại bởi mức chênh lệch giàu-nghèo lên đến 65 lần giữa 10% dân số có thu nhập cao nhất và 10% công dân có thu nhập thấp nhất tại Trung Quốc.

Trước khi con sóng phục hồi bất động sản hình thành vào giữa năm 2009, đa số người dân nước này đã phải thắt lưng buộc bụng để dành tiền  mua nhà. Song khi con sóng ấy bất thần dâng cao, nó thật giống với một cơn đại hồng thủy lừng lững đổ ập xuống đầu người tiêu dùng - tầng lớp thấp cổ bé họng còn chưa kịp hoàn hồn sau cơn địa chấn khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Cho đến nay, giới có thu nhập trung bình ở Trung Quốc vẫn không thể mơ tưởng đến một căn hộ dù là giá bình dân, vì sau đợt tăng bất động sản năm 2009-2010, cho đến nay sự thật đơn giản là bong bóng bất động sản Trung Quốc vẫn chưa chịu nổ. Sự xì hơi chậm chạp của nó, được chứng minh bởi chỉ có 9/70 thành phố có giá nhà đất giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã làm dấy lên sự công phẫn từ tầng lớp bình dân đối với giới đại gia địa ốc của nước này.

Có thể nói gì với giới đại gia Trung Quốc? Vào tháng 10/2009, những người giàu nhất của Trung Quốc đã được thống kê thành nhóm "10". Trong số 10 đại gia có tài sản trên 4 tỷ USD ấy, có đến 7 người kinh doanh các lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chỉ có ba đại gia khác thuộc về các ngành ô tô, linh kiện điện thoại, nhôm.

Vào tháng 8/2010, Tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thụy Sỹ đã trở thành tổ chức phân tích độc lập đầu tiên nêu ra thực trạng về "quỹ đen" của giới thượng lưu Trung Hoa. Theo một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc đã che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước Trung Quốc.

Credit Suisse cũng nhận định rằng hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu, với nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD. Lần đầu tiên, thế giới được biết đến Trung Quốc bằng vào một sắc mặt khác: tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã được đẩy lên rất cao.

Phản ứng xã hội lại đang đi trước những hậu quả về kinh tế. Các kế hoạch cung cấp nhà cho người có thu nhập thấp ngày càng xa vời trong thực tế. Một phần trong số đối tượng có thu nhập thấp ấy chắc chắn là những người dân có đất đã bị doanh nghiệp kinh doanh bất động sản "lấy cắp" khi chỉ đền bù cho họ 1/10 hay 1/20 cái giá trị mà lẽ ra chính họ phải được hưởng khi thị trường đạt đỉnh.

"Nước nghèo giàu có"!

Hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc đang dẫn đến thái độ được coi là "thù địch" của người nghèo đối với người giàu. Gần đây đã xuất hiện một khái niệm mới của giới phân tích phương Tây: Trung Quốc là một "nước nghèo giàu có" đầu tiên trên thế giới, được minh chứng bởi tình trạng người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước thì lại rất giàu.

Credit Suisse đã khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất.

Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010). Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.

Thực tế là tại nhiều vùng xa thành thị ở Trung Quốc, mặt bằng thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất thấp, những điều kiện sống và môi trường giáo dục, y tế, đi lại không được đảm bảo so với tất cả những gì tốt nhất mà giới giàu có được hưởng.

Theo cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đến cuối năm 2009, hơn 50 địa phương thuộc 3 tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc là Tây Tạng, Vân Nam và Tứ Xuyên vẫn chưa có dịch vụ ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng người dân những nơi này không hề có các dịch vụ tài chính cơ bản. Chính vì thế, làn sóng người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ và tất nhiên cũng gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền sở tại.

Hệ số Gini (thước đo mức phân phối thu nhập trong một xã hội) ở các vùng nông thôn đã tăng từ 0,35 lên đến 0,38 trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong khu vực này. Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini ở mức 0,4 cho thấy sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm.

Những nguồn cơn của hố phân cực

Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng căn cứ vào vấn nạn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ "biến" ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi.

Một điểm trùng hợp cũng cần ghi nhận là tỷ lệ "quỹ đen" của giới nhà giàu Trung Quốc chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này - cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách Trung Quốc đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD). Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.

Vào tháng 6/2011, một công bố khá bất thường của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho thấy các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000-18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc.

Hiện tượng giàu đột biến ở Trung Quốc cũng kéo theo một hiện tượng xã hội ở quốc gia này: nhiều người nghèo đã công khai chỉ trích lớp người thượng lưu muốn rời khỏi Trung Quốc là "không có lòng yêu nước".

Việc người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài đã trở thành một hiện tượng xã hội từ năm 2006-2007. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, hiện tượng này tạm lắng đi. Nhưng sang năm 2009 và đến giữa năm 2010, giới giàu có Trung Quốc đã công khai bàn tán chuyện chỉ mất nửa triệu USD để có một tấm thẻ xanh ở Mỹ hay Canada.

Vào tháng 5/2011, một cuộc điều ra của công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo Bain, càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài.

Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.
----------------------------------------------------
Tác giả: TS. Phạm Chí Dũng// Theo VEF