Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự thật về nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một “nước nghèo giàu có”, sự tăng trưởng không cân bằng đã mang lại nhiều thách thức cho quốc gia này.

Từ năm 2001 đến nay, tổng khối lượng kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp đôi, nhảy vọt lên ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10%/năm. Tuy nhiên, sự đi lên của nền kinh tế nước này trong những năm tới có thể bị cản trở bởi một số vấn đề.

Hiện giờ, bản thân Trung Quốc đang rất lúng túng, một mặt bị coi là quốc gia đang phát triển, GDP bình quân đầu người xếp vị trí 127 trên thế giới, nhưng đồng thời nước này lại là siêu cường quốc về kinh tế, với kho dư trữ ngoại tệ mà Ngân hàng trung ương nước này sở hữu nhiều lên tới 3000 tỷ USD. Cho nên, có thể nói Trung Quốc vừa mạnh lại vừa yếu. Điều mà chính phủ Trung Quốc quan tâm nhất chính là xóa đói giảm nghèo, tạo sự phồn vinh và cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tìm cách giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng gia tăng, và vấn đề phát triển bất cân bằng giữa vùng duyên hải và miền trung tây.

Trung Quốc là một “nước nghèo giàu có” đầu tiên trên thế giới: Người dân thì nghèo, nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước lại rất giàu, tình trạng mâu thuẫn này khiến thế giới bên ngoài có những quan điểm trái chiều. Quan điểm thứ nhất nghĩ rằng Trung Quốc muốn trỗi dậy trong hòa bình, không can thiệp vào nội bộ nước khác và tranh giành xưng bá. Quan điểm thứ hai lại trái ngược hoàn toàn, coi Trung Quốc là nước phá hoại, cho rằng, trong mấy chục năm tới, sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của nước này dường như chắc chắn sẽ dẫn đến sự xung đột năng lượng, hơn nữa Trung Quốc không ngừng tăng chi phí quân sự, tìm mọi lý do để đáp trả theo một hình thức nào đó với các nước công nghiệp hóa.

Rất khó để phân loại Trung Quốc thuộc loại nào, do rất nhiều nguyên nhân. Sự tăng trưởng mạnh mẽ và sự đổi thay kinh tế của nước này đã dẫn tới nhiều thách thức. Mâu thuẫn xã hội trong nước gia tăng, mô hình phát triển kinh tế cũng đứng trước nhiều nhân tố bất ổn. Hơn nữa, sự thành công liên tục của Trung Quốc không mấy chắc chắn và các nền kinh tế đang phát triển khác sẽ đánh bật ngôi vị của quốc gia này. Hiện có 3 vấn đề có thể cản trở sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới, đó là:

Bong bóng tài sản nổ tung

Theo nghiên cứu của một công ty tư vấn tại Bắc Kinh, ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, giá nhà ở đã tăng tới 50% trong hai năm qua. Ngay cả chính người dân Trung Quốc bình thường cũng đã trở thành các nhà đầu cơ bất động sản. Các ngành công nghiệp của nhà nước thì trở thành những nhà đầu cơ lớn.

Nhà kinh tế Yongheng Deng thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, cuối năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước đẩy mạnh cho vay để chống đỡ cuộc suy thoái toàn cầu. Nhiều khoản vay đã rơi vào tay các nhà sản xuất nhà nước và họ đã dùng tiền đó đầu tư vào bất động sản. Giá đất tại 8 thành phố lớn tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm 2009.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực “xì hơi” bong bóng bất động sản bằng cách tăng tiền đặt cọc thế chấp, thuế bất động sản và một số biện pháp khác. Tuy nhiên hành động đó có lẽ chưa đủ. Hoạt động của các chính quyền địa phương Trung Quốc là nhờ vào doanh thu từ việc bán đất. Đây chính là cơ hội cho nạn tham nhũng tại nước này. UBS Investment cho biết, Trung Quốc sẽ rất khó tránh khỏi bong bóng nổ tung trong vòng 3-5 năm tới hoặc cũng có thể sớm hơn.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, sự sụp đổ bất động sản có thể làm giảm 2,5 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc.

Mất cân bằng kinh tế

Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhờ các khoản đầu tư lớn vào đường sắt cao tốc, sân bay, vận tải, hầm mỏ, nhà máy thép và các dự án khác và bằng cách hỗ trợ xuất khẩu thông qua mức lương thấp và định giá thấp tiền tệ.

Tuy nhiên, chiến lược kinh tế này về lâu dài sẽ không có hiệu quả. Mặc dù đầu tư đã tăng 50% GDP song tỷ lệ việc làm được tạo ra chỉ 1%/năm. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc không phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi nhu cầu tại châu Âu và Mỹ đã giảm sút.

Ngoài ra, những tiến bộ của chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển hướng sang nhu cầu trong nước không đáng kể. Thật vậy, tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng trong nền kinh tế liên tục giảm và hiện chiếm 35% GDP, chỉ bằng một nửa so với Mỹ.

Bất ổn chính trị

Mặc dù các cuộc biểu tình diễn ra tại Trung Quốc ở quy mô nhỏ và hiếm khi mở rộng toàn quốc. Tuy nhiên, bất ổn chính trị có thể xảy ra tại nước này bất cứ lúc nào. Ông Arthur Kroeber, giám đốc tổ chức nghiên cứu Dragonomics cho rằng, một thảm họa hạt nhân tương tự ở Nhật Bản có thể sẽ là một thảm họa đối với chế độ ở Trung Quốc, bởi khả năng đối phó trước khủng hoảng của Trung Quốc là có giới hạn.

Bắc Kinh đã từng có những dấu hiệu bất ổn chính trị. Các quan chức nước này đã cố gắng ngăn chặn nó thông qua việc cải thiện kinh tế. Đó là lý do Trung Quốc hiện đang tập trung giải quyết lạm phát ở mức 5%, mức gấp đôi so với năm trước đây, bởi giá cả leo thang sẽ gây ra bất ổn chính trị.

Sau sự kiện đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm đến 2/3 xuống mức trung bình chỉ còn 4%. Bất ổn chính trị đã kiến nền kinh tế của đất nước trở nên trì trệ.

(Vitinfo)