Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn lên thị trường, đặc biệt là thị trường hàng hóa. Những tác động của hai quốc gia này vào giá dầu, vàng hay bông, cùng với nhiều mặt hàng khác, đang ngày càng lớn, và đang gây ra những biến động tới giá nguyên liệu trong tương lai.
Trung tâm xuất nhập khẩu của thế giới
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành nhân tố kích thích cho những siêu chu kỳ hàng hóa kể từ năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tại châu Á. Cả hai quốc gia này đều có những tác động lớn lên thị tường hàng hóa, đặc biệt là giá kim loại, vàng, dầu, đất hiếm và các sản phẩm nông nghiệp.
Vì vậy, những diễn biến tăng trưởng của các quốc gia này có tác động rất lớn đến thị trường. Trong tháng 3 vừa qua, những mối quan ngại về tăng trưởng chậm của Trung Quốc đã làm suy yếu ngành công nghiệp kim loại và dầu.
Tại Ấn Độ, sự lộn xộn trong một lệnh cấm xuất khẩu đã làm đột biến giá bông, còn quy định thuế mới của chính phủ Ấn Độ áp lên vàng đã khiến nhiều cửa hàng kim hoàn đóng cửa để biểu tình phản đối, và đẩy giá vàng rơi xuống mức thấp.
Do ảnh hưởng từ những biến động của thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, tuần qua giá vàng tương lai đã giảm hơn 20 USD/oz, còn giá dầu kỳ hạn cũng giảm 2 USD/thùng, tương đương với 2,3%.
"Trung Quốc hiện là trung tâm nhu cầu của hầu hết các loại hàng hóa, vì vậy mọi người tập trung vào thị trường này là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh như vậy, các loại hàng hóa dễ dàng trượt giá khi vướng phải những thông tin từ Trung Quốc hay Ấn Độ dù nó có chính xác hay không. Đó mới là điều đáng lo ngại.", Darin Newson, chuyên gia của Telvent DTN nói.
Theo các chuyên gia, thị trường hàng hóa phải quan tâm tới tình hình ở Ấn Độ và Trung Quốc hơn lúc nào hết khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế và những gói kích cầu đang tạo tính thanh khoản tại Trung Quốc, đang có những tác động tương lai tới giá các loại hàng hóa.
Sự gia tăng của lớp người tiêu dùng tại cả 2 quốc gia này cũng khiến nhu cầu và giá các loại hàng hóa tăng cao. Trong năm nay, giá dầu tương lai đã tăng 6%, trong khi đó giá đồng đã tăng 10%.
Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia tiêu thụ đồng, nhôm, sắt, đất hiếm, bông và đậu nành lớn nhất thế giới.
Trong nỗ lực giới hạn lượng xuất khẩu đất hiếm vừa qua của Trung Quốc, ngành công nghiệp điện tử đã chịu ảnh hưởng mạnh. Mỹ đã gửi đơn kiện tới WTO để chống lại quyết định này của Trung Quốc. Bằng việc giới hạn xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc đang tạo áp lực rất lớn cho các mặt hàng điện tử của Mỹ và nhiều quốc gia khác tại châu Âu, Nhật Bản.
Dự báo của một cuộc "hạ cánh cứng" cho nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ kéo giá các loại hàng hóa tuột dốc.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu của Ấn Độ lại tác động đến giá hàng hóa thế giới bởi đây là một trong những quốc gia tiêu thu lớn nhất nhiều mặt hàng như vàng, trà, mía, than đá, dầu thô, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng như bông, hạt tiêu, gạo và bột mì.
Quyết định cấm xuất khẩu bông vừa qua của Ấn Độ cũng sẽ ảnh hưởng tới các loại hàng hóa khác. Giá gạo và đường có thể sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, nếu chính phủ Ấn Độ định loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Những chính sách mù mờ
Đối với các thương nhân hàng hóa và giới đầu tư, xác định tính chính xác và dự đoán những biến động của thông tin luôn là một yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đối với những chính sách từ Trung Quốc và Ấn Độ, việc kiểm chứng thông tin từ hai quốc gia này lại là một thách thức thực sự.
Giá hàng hóa thế giới đang bị "ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ", Chintan Karnani, chuyên gia phân tích tại Insignia Consultants, New Delhi nói.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu bông lớn thứ 2 sau Mỹ, vừa gây chấn động thị trường bông khi quốc gia này vừa ban quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này vào ngày 5/3 vừa qua và khiến giá bông tăng đột biến trong một phiên, rồi giảm liên tiếp 5 phiên sau đó. Vài ngày sau, chính phủ Ấn Độ lại cho biết họ sẽ tiếp tục lệnh cấm này, và tuyên bố sẽ không cấp thêm bất cứ giấy phép xuât khẩu mới nào.
"Những chính sách của chính phủ Ấn Độ không ổn định và không hòa hợp với nền công nghiệp", Karnani nói.
Những chính sách của Trung Quốc cũng tương tự. Trung Quốc là quốc gia có sức mua lớn, nhưng chủ yếu là để lấp đầy các kho chiến lược của mình chứ không phải để tiêu dùng. Vì vậy nó khiến các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn khi phân tích thị trường cung cầu để tính toán giá cả các loại mặt hàng
Karnani cũng chỉ ra rằng, bảng cân đối kế toán của các công ty Trung Quốc và bức trang của nền kinh tế Trung Quốc là một thứ "không ai có thể biết. Chỉ có nhu cầu hàng hóa cũng như nhập khẩu của Trung Quốc mới giúp chúng ta có vài nhận định về tình hình kinh tế của quốc gia này".
Trong tháng qua, nhưng thông tin mới về việc nhà máy ở Trung Quốc đang hoạt động chậm lại đã ảnh hưởng tới giá kim loại và dầu.
"Những thông tin xung quanh việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang ảnh hưởng tới giá hàng hóa mạnh như một cơn sóng thần", Sharath Sury, chuyên gia kinh tế tại Đại học California, Santa Cruz nhận định.
"Tất cả đang vật lộn và tái cơ cấu lại mô hình của mình để tính toán những thiệt hại do ảnh hưởng của sự tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và những biến động trong giá hàng hóa".
Tăng trưởng ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang trải qua những biến động lớn, và những biến động lớn trong tổng cầu sẽ khiến giá hàng hóa biến động mạnh theo", Sury nói.
Với vai trò quyết định trong việc xuất và nhập khẩu rất nhiều mặt hàng như vậy, những biến động từ Ấn Độ và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tác động lớn tới giá các loại hàng hóa trên thị trường.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, không cần quá đề cao vai trò của Ấn Độ và Trung Quốc. Cũng tương tự như Nhật Bản từng được dự đoán sẽ thống trị nền kinh tế thế giới trong những năm 1980 của thế kỷ trước.
"Trung Quốc và Ấn Độ thực sự là những nhân tố quan trọng, nhưng cả hai quốc gia này đều không đóng vai trò trọng tài trong cuộc chơi hàng hóa toàn cầu", chuyên gia kinh tế Terry Connelly nhận định.
---------------
Tác giả: Quốc Dũng (Theo MW) // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com