Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cú huých mới cho cải tổ ở Trung Quốc

"Trung Quốc 2030", một báo cáo được công bố hôm 27/2 bởi WB và một nhóm cố vấn của chính phủ Trung Quốc, đã nêu ra một số vấn đề kinh tế nhạy cảm nhất về phương diện chính trị của nước này, theo những người liên quan đến việc chuẩn bị và xét lại báo cáo.

Những người này cho biết thêm, báo cáo được trù tính tác động đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc, những người sẽ nhậm chức trong năm nay. Và nó thách thức cách thức mà mô hình kinh tế của Trung Quốc phát triển trong thập niên qua dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, khi vai trò của nhà nước ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này được mở rộng một cách vững chắc.

Báo cáo cảnh báo sức tăng trưởng của Trung Quốc đang bị đe dọa lao dốc nhanh chóng mà không được báo trước nhiều. Đó là những gì đã xảy ra với các nước đang phát triển nhanh khác, chẳng hạn như Brazil và Mexico, ngay cả khi họ đã đạt tới một mức độ thu nhập nhất định, một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình". Báo cáo khuyến nghị, một sự giảm tốc gấp gáp có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề trong ngành ngân hàng của Trung Quốc và ở các nơi khác, và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, theo những người liên quan tới báo cáo. Cũng theo họ, báo cáo cảnh báo các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước cần được giám sát bởi các công ty quản lý tài sản. Báo cáo cũng kêu gọi Trung Quốc tu chỉnh các khoản tài chính của chính quyền địa phương, và thúc đẩy sự cạnh tranh và các nhà doanh nghiệp.

"Lĩnh vực quốc doanh của Trung Quốc đang ở điểm quyết định", Fred Hu, Tổng giám đốc Tập đoàn Primavera Capital, một hãng đầu tư ở Bắc Kinh, nhận xét. Chính phủ Trung Quốc phải quyết định "liệu họ có muốn chủ nghĩa tư bản dưới sự chỉ đạo của nhà nước do các tập đoàn nhà nước hay chủ doanh nghiệp thị trường tự do chi phối". 

Hiện chưa rõ liệu báo cáo "Trung Quốc 2030" có đặt ra một tốc độ tăng trưởng nhất định khi được công bố hay không. Tuy nhiên, những dự đoán hiện thời của Conference Board, một nhóm cố vấn Mỹ, cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8% năm 2012, và giảm tới một tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,6% trong khoảng từ 2013 tới 2016. Các nhà kinh tế Barry Eichengreen thuộc Đại học California ở Berkeley, Donghyun Park thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á và Kwanho Shin thuộc Đại học Hàn Quốc, sau khi nghiên cứu lịch sử các con số tăng trưởng trước đây, cho rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc sẽ bắt đầu "giảm" ít nhất 2 điểm phần trăm từ khoảng năm 2015.

Mặc dù một sự tụt giảm nào đó về tăng trưởng là không thể tránh khỏi - Trung Quốc đã phát triển trung bình 10% mỗi năm trong 30 năm qua - tỷ lệ tụt giảm có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế thế giới. Trong khi châu Âu và Nhật Bản đang chật vật chống suy thoái còn Mỹ trải qua một sự phục hồi yếu kém thì Trung Quốc đã trở thành một nguồn tăng trưởng chắc chắn nhất mang tính toàn cầu. Các nhà sản xuất hàng hóa ở Mỹ Latinh, châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông dựa vào Trung Quốc để tăng trưởng. Điều này cũng giống với các nhà sản xuất hàng hóa tư bản, nông dân và các nhãn thời trang ở Mỹ và châu Âu.

Báo cáo sẽ giúp đến mức nào cho việc định hình lại nền kinh tế Trung Quốc vẫn là điều còn chưa rõ. Thậm chí ngay trước khi được công bố, nó đã gây ra sự phản đối dữ dội từ giới chức quản lý các doanh nghiệp nhà nước, theo một số cá nhân liên quan tới các cuộc thảo luận.

Người nhiều khả năng sẽ lên lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc, Tập Cận Bình - hiện là Phó Chủ tịch - đã đưa ra một vài đầu mối về các chính sách kinh tế của ông. Giới phân tích dự đoán, báo cáo quan trọng này sẽ khuyến khích ông Tập Cận Bình và các cộng sự thảo luận tạo ra những thay đổi đối với một mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo vốn đã khiến các chủ doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc lo lắng trong khi tạo ra căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn của nước này, trong đó có Mỹ.

Các tác giả của báo cáo cho rằng, có sự ủng hộ của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC) - một nhóm cố vấn báo cáo lên cơ quan điều hành cấp cao của Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước - sẽ tăng thêm sức nặng chính trị cho các đề xuất. Ngân hàng Thế giới vốn được đông đảo giới lãnh đạo Trung Quốc ngưỡng mộ, đặc biệt là vì lời khuyên của ngân hàng này trong việc giúp Trung Quốc thiết kế các cải cách thị trường thời kỳ đầu.

Họ cũng xem xét quyền lực của nhân vật số 2 tại DRC, Liu He, người cũng là cố vấn cấp cao của Ban Thường trực Bộ Chính trị, để giúp đảm bảo rằng các kết luận của mình được các lãnh đạo cấp cao cân nhắc một cách thận trọng. Ông Liu từ chối bình luận.

Liu nằm trong số các viên chức cấp cao của Trung Quốc, người đã soạn thảo ra kế hoạch kinh tế 5 năm hiện nay của nước này và được xem là rất thân cận với các lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình, người được cho sẽ là lãnh đạo kế tiếp của đảng và chính phủ Trung Quốc. Ông Liu, người thường xuyên gặp gỡ các quan chức Mỹ, tuyên bố công khai rằng các ý kiến và áp lực từ bên ngoài có thể giúp tạo dựng xung lượng cho sự thay đổi ở Trung Quốc.

"Liu quyết định dòng chảy của thông tin, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các gợi ý kế hoạch và lập các chương trình nghị sự họp hành", Cheng Li, một học giả về Trung Quốc thuộc Viện Brookings ở Washington, D.C. nhận xét.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, trong một thông báo về việc công bố báo cáo, nói rằng: "Báo cáo đưa ra các gợi ý cho một con đường tăng trưởng phát triển về trung hạn, giúp Trung Quốc thực hiện sự quá độ trở thành một xã hội thu nhập cao".

Cả WB và DRC đều không bình luận cụ thể về các kết luận trong "Trung Quốc 2030".

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ trở thành Thủ tướng vào năm tới, đã ủng hộ dự án Trung Quốc - WB khi ông Zoellick đưa ra kế hoạch này trong một chuyến đi tới Bắc Kinh hồi tháng 9/2010 - một gợi ý nữa cho thấy nhóm lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ báo cáo.

Hiện nay, các doanh nghiệp do nhà nước quản lý đang dẫn đầu nền kinh tế Trung Quốc, chiếm ưu thế về năng lượng, các nguồn lực tự nhiên, viễn thông và cơ sở hạ tầng của đất nước. Trong số các lĩnh vực khác, họ có quyền tiếp cận dễ dàng với các khoản nợ lãi suất thấp từ các ngân hàng nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và các quan chức phương Tây khác lập luận rằng, các khoản trợ cấp cho các hãng đó gây hại cho cạnh tranh quốc tế.

Ở trong nước, những người chỉ trích than phiền rằng, các hãng này ngăn cản sự cạnh tranh trong nước, dùng lợi nhuận độc quyền để mở rộng các loại kinh doanh khác mà chỉ phải trả rất ít lãi. Hôm 22/2, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Mỹ ủng hộ các cải cách mà làm tăng khả năng của các hãng tư nhân nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc doanh.

WB và DRC lập luận, các công ty quản lý tài sản cần giám sát các công ty thuộc sở hữu nhà nước, theo những người liên quan tới báo cáo. Các nhà quản lý tài sản sẽ cố gắng đảm bảo rằng các hãng này được điều hành theo các quy tắc thương mại, chứ không vì các mục đích chính trị. Họ sẽ bán giảm giá các doanh nghiệp được cho là không liên quan, tạo thuận lợi hơn cho các hãng tư nhân cạnh tranh ở những lĩnh vực phụ.

"Trung Quốc cần phải hạn chế vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, phá bỏ sự độc quyền, đa dạng hóa quyền sở hữu và hạ thấp các rào cản tiếp cận đối với các công ty tư nhân", ông Zoellick nói trong một cuộc trò chuyện với các nhà kinh tế ở Chicago hồi tháng 1.

Hiện nay, nhiều tập đoàn nhà nước có các công ty con kinh doanh bất động sản - vốn có xu hướng đẩy giá đất lên cao và góp phần tạo ra một bong bóng nhà ở mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm xẹp.

Báo cáo cũng đề nghị gia tăng mạnh các lợi tức mà các doanh nghiệp nhà nước trả cho chủ sở hữu của mình - chính phủ. Điều đó sẽ nâng cao thu nhập của chính phủ và chi trả cho các chương trình xã hội mới, theo những người liên quan tới báo cáo.

"Đó là một đề nghị sáng tạo", Yiping Huang, một nhà kinh tế thuộc Barclays Capital. Cả WB hoặc DRC đều không đề nghị tư nhân hóa các công ty nhà nước, lập luận rằng điều đó là không thể chấp nhận được về phương diện chính trị.

Các nhà kinh tế Mỹ và Trung Quốc cho biết, tiền lãi từ các công ty nhà nước ăn nên làm ra giờ đây thường được Ủy ban Quản lý Và Giám sát tài sản Công (SASAC), cơ quan điều chỉnh các doanh nghiệp và cố gắng đảm bảo lời lãi của các doanh nghiệp này, rót cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

SASAC và Ban Cán sự của Đảng Cộng sản bổ nhiệm lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước và có thể thay thế họ, cho phép chính phủ chi phối việc ra quyết định của các doanh nghiệp. Hiện chưa rõ báo cáo có đề nghị thay đổi cách sắp xếp đó hay đề xuất cách thức tuyển dụng và sa thải các nhà quản lý tài sản,

Làm thế nào để giải quyết việc nhân sự này "là một vấn đề gây bất đồng nhất và được bàn bạc cho đến tận giờ phút cuối cùng", theo một nhân vật tham gia vào "Trung Quốc 2030". Nguồn tin này cho biết thêm rằng, những người tham gia thường bất đồng về mức tín dụng cần được trao cho nhà nước để phát triển kinh tế Trung Quốc và chính phủ cần tiếp tục đóng một vai trò lớn đến đâu.

Ngay cả khi thế, theo những người liên quan tới báo cáo, SASAC vẫn chỉ trích gay gắt đề nghị tại các cuộc họp của nhóm "Trung Quốc 2030" và được cho là sẽ không để đề nghị này được thông qua, vì lo ngại có thể bị mất quyền lực. Thực vậy, nhiều đề nghị bị xem là quá mang tính chính trị, đến nỗi người Trung Quốc cho rằng báo cáo nên bị gán là một "bản sao hội nghị" - có nghĩa là nó phải được sửa đổi theo những bình luận tại hội nghị ở Bắc Kinh, mà tại đó nó được công bố vào ngày 27/2.

SASAC không bình luận gì sau khi được yêu cầu cho ý kiến.

Trong một tín hiệu cho thấy những thách thức mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay, một quy mô hoạt động sản xuất trên toàn quốc tăng nhẹ trong tháng 2 nhưng vẫn ở trong tình trạng co hẹp tháng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số China Manufacturing Purchasing Managers của HSBC đạt 49,7 trong tháng 2, so với con số 48,8 trong tháng 1, HSBC Holdings PLC cho biết.

Trung Quốc dễ phải chịu một sự giảm tốc nhanh chóng, theo Jun Ma, một nhà kinh tế về Trung Quốc của Deutsche Bank, bởi vì nước này phụ thuộc quá nặng nề vào các ngành công nghiệp sao chép công nghệ của nước ngoài và không tạo ra đủ các đột phá của chính mình. Hàn Quốc có thể duy trì tăng trưởng nhanh chóng sau khi nước này đạt mức thu nhập trên mỗi đầu người là 5.000 USD - khoảng bằng với Trung Quốc ngày nay - bởi vì nước này đẩy mạnh sự cách tân. Tuy nhiên, Trung Quốc bị tụt lại xa phía sau Hàn Quốc về các bằng sáng chế tính theo đầu người, ông cho biết.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc thường nhận phần lớn thu nhập của mình từ bán đất, thay vì từ thuế. Báo cáo kêu gọi chi tiêu xã hội Trung Quốc cần được chi trả nhiều hơn bằng lợi tức từ các doanh nghiệp nhà nước và bằng thuế đất đai cùng các thuế khác.

"Chúng tôi sẽ đề nghị rằng tất cả các nguồn lực cần được đưa vào ngân sách", ông Zoellick nói trong buổi trò chuyện ở Chicago, và "tài chính công cần phải minh bạch và có thể giải thích được".
-----------------------------------------------
Tác giả: Thanh Hảo theo wsj  // Nguồn: Tuần Việt Nam
 

  • “Trái đắng kinh tế” mang tên Trung Quốc ngày một chín?
  • 11 dự án đất hiếm khổng lồ bên ngoài Trung Quốc
  • Trung Quốc trước ngã ba đường
  • 3 rủi ro đáng sợ nhất đối với kinh tế Trung Quốc
  • Nhật Bản đau đầu với năng lượng hạt nhân
  • Nhà giàu Trung Quốc đổ xô xuất ngoại sinh con
  • Cảnh đời ở các khu ổ chuột châu Á
  • Nhật Bản: Tỷ lệ thất nghiệp tăng, chi tiêu dùng giảm