Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Đông vẫn khát nước

Trong khi khu vực Trung Đông đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, thì người dân tại đây lại càng mệt mỏi và kiệt sức thêm khi nguồn nước ngày càng bị thắt chặt vì những tranh giành quyền lợi. Hy vọng thúc đẩy tiến trình hòa bình tại khu vực này theo đó lại càng khó khăn hơn.

Chuyện của Israel và Palestine

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá quốc tế vừa được công bố ngày 27-10 đã chỉ trích Israel không cho phép sử dụng các giếng nước tại khu vực Dải Gaza và Bờ Tây. Theo báo cáo này, Israel đã phân biệt đối xử trong việc chia sẻ nguồn nước khi người dân Israel có quyền sử dụng lượng nước nhiều hơn gấp 4 lần so với người Palestine tại khu vực Dải Gaza và Bờ Tây. Bản báo cáo của tổ chức này còn chỉ ra khoảng 450.000 người định cư ở khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem tiêu thụ lượng nước nhiều hơn cả 2,3 triệu người Palestine sống ở khu vực Bờ Tây.

Trong khi những người Palestine thì khổ sở vật lộn với cơn khát và sự thiếu thốn nguồn nước trong mọi nhu cầu sinh hoạt cá nhân và cho nhu cầu nông nghiệp thì người Israel sinh sống tại khu định cư ở Bờ Tây có nước để chăm chút cây cỏ, nông trại, hồ bơi và những khu vườn nhỏ. Theo bản báo cáo, khoảng 180.000 - 200.000 người Palestine sống ở khu vực C thuộc Bờ Tây do Israel kiểm soát không được tiếp cận với nguồn nước. Quân đội Israel đã sử dụng nhiều biện pháp thô bạo ngăn cản việc hứng nước mưa của những người này bằng cách tịch thu những chậu hoặc thùng chứa nước.

Trẻ em Palestine lớn lên trong sự thiếu thốn nguồn nước

Tại Dải Gaza, 90% - 95% nước ở các tầng nước ngầm thuộc khu vực duyên hải không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thêm vào đó là việc Israel không cho phép chuyển nước từ khu vực Bờ Tây sang Dải Gaza. Bản báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã chỉ ra sự phân chia không đồng đều, có sự chênh lệch quá lớn nguồn nước giữa các vùng. Trong đó hầu hết nước ở khu vực này tập trung tại khu vực Bờ Tây và Israel nắm được 80% nguồn nước này. Ngoài ra, người dân Israel có thể sử dụng nước trực tiếp từ sông Jordan, trước khi nó chảy qua khu vực Bờ Tây. Đây chính là một trở ngại nữa đối với người Palestine trong việc tiếp cận nguồn nước.

Tiến trình hòa bình khó khăn

Câu chuyện của Israel và Palestine chỉ là một trong số những câu chuyện về vấn đề nước tại khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều bất ổn nghiêm trọng. Bên cạnh những chịu đựng của con người vùng thiếu nước, vấn đề an ninh liên quan tới sự khan hiếm nước cũng ngày càng trở nên rõ ràng.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc tiến hành xây dựng những đập nước đã góp phần làm cho căng thẳng tại khu vực này bị đẩy lên cao. Theo các quan chức, lòng sông và các con kênh khô cạn, không phải chỉ vì hạn hán, mà còn vì những con đập Thổ Nhĩ Kỳ xây dọc biên giới. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và cần nước cho nông dân, thì Syria lại không hề có nước để tưới tiêu. Nước uống cũng đang trở thành tài sản quý giá mà không phải lúc nào họ cũng có đủ.

Trong khi đó, ở vị trí cuối nguồn, Iraq không khỏi lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ dùng hết nguồn nước sạch trước khi nó chảy qua Iraq. Theo Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), vụ mùa năm nay của Iraq đạt sản lượng chỉ bằng 1/3 mức trung bình hàng năm, tồi tệ nhất trong thập kỷ qua. Vì thế, chính phủ ở thủ đô Baghdad của Iraq ngay lập tức gây áp lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kêu gọi xả thêm nước của hai dòng Tigris và Euphrates đang dâng cao ở những vùng núi phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, các đập nước được dự định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là gây ảnh hưởng đến các quốc gia ở hạ nguồn như Iraq và Syria. Năm 1980, khi Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành con đập đầu tiên trên sông Euphrates ở Keban thì Syria cũng hoàn thành con đập của mình ở Tabka. Cuộc chiến tranh gần như nổ ra giữa Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq khi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ngăn dòng chảy của sông Euphrate trong cùng một thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sử dụng nguồn nước của Iraq.

Khu vực Trung Đông đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, hàng chục ngàn người cũng đã quá mệt mỏi khi chờ đợi vào nguồn nước sạch. Hơn thế, trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, hy vọng thúc đẩy tiến trình hòa bình tại khu vực này lại càng khó khăn hơn.

(Theo SGGP Online//Independent)

  • Năm 2010: Kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng từ 3-5%
  • Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á
  • Tổng thống Philippines gặp rắc rối
  • Các dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á tăng
  • Triều Tiên quản lý chặt tài nguyên để cảnh giác Trung Quốc
  • Kinh tế Thái Lan dần hồi phục
  • Nhật Bản: Kinh tế tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2007
  • Nhật Bản “Trở về châu Á”