Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản “Trở về châu Á”

Đưa ra sáng kiến và đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản lại thêm một động thái tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực châu Á. Trong 2 ngày 6 và 7-11, tại thủ đô Tokyo, những người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản và 5 nước thuộc khu vực sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam tham dự hội nghị quan trọng này. 

Một định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời Hatoyama là “trở về châu Á” sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách công nghiệp hóa theo hướng “Ra khỏi châu Á, đi vào châu Âu” tương đối thành công. Thủ tướng Hatoyama mong muốn biến Nhật Bản thành “cầu nối” giữa phương Đông và phương Tây, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Mới đây, ông Hatoyama đã chủ động đề xuất sáng kiến thành lập Cộng đồng Đông Á như là một tổ chức khu vực mở, có thể cho cả các nước ở khu vực khác tham gia. 

Đối với khu vực sông Mekong, Nhật Bản đã có sự chú trọng tăng cường các mối quan hệ. Theo thống kê của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, kể từ năm 2003, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào 5 nước thuộc khu vực sông Mekong liên tục tăng và gần đạt con số 6 tỷ USD vào năm 2007. Kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng không ngừng tăng và sớm chạm ngưỡng 60 tỷ USD. Đến nay, cùng với hiệp định thương mại tự do mà Nhật Bản đã ký với khối ASEAN, Nhật Bản cũng đã ký các hiệp định đối tác kinh tế song phương với Thái Lan và Việt Nam và các hiệp định đầu tư song phương với Campuchia và Lào. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. 

Theo TTXVN, Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất sẽ tập trung thảo luận vào 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: Thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở khu vực sông Mekong, trong đó có việc phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm”, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân và xây dựng quy tắc chung của khu vực trong lĩnh vực kinh tế; mở rộng quan hệ hợp tác và trao đổi giữa các nước khu vực sông Mekong và Nhật Bản, như tăng cường trao đổi các chuyến thăm của nhân dân, trong đó các nghị sĩ và thanh niên, của các nước khu vực sông Mekong và Nhật Bản... Hội nghị sẽ tạo điều kiện để tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác Mekong-Nhật Bản để tối đa hóa các tiềm năng của khu vực sông Mekong và đối phó một cách hiệu quả với các thách thức. 

Với Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất, chính phủ mới của đất nước mặt trời mọc mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á với một cơ chế hợp tác mới. Có thể coi như đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc hình thành khuôn khổ hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả hơn trong tương lai giữa Nhật Bản và các nước khu vực sông Mekong

(Theo SGGP Online)

  • Bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran
  • Tình trạng bất ổn gia tăng ở Pakistan
  • Ông S.B.Yudhoyono nhậm chức Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ hai
  • Thái-lan với chiến dịch chống uống rượu bia
  • Singapo gia nhập “danh sách trắng” trong lĩnh vực thuế của OECD
  • Tàu chở 100 tấn axit chìm trên sông Dương Tử ở Trung Quốc
  • Iran gửi thư trả lời IAEA
  • Về cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan