Cách đây 4 năm, khi đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu lây lan nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc đã không hề ngần ngại tung ra các hành động quyết liệt mạnh mẽ. 585 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế và lượng tiền khổng lồ này đã phát huy tác dụng khi giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tránh được cú sốc từ Mỹ và châu Âu.
4 năm trôi qua, nền kinh tế Trung Quốc lại 1 lần nữa gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Khu vực xuất khẩu gặp phải quá nhiều khó khăn trong khi thị trường chứng khoán liên tiếp lao dốc.
Tuy nhiên, có vẻ như lần này lãnh đạo Trung Quốc vẫn chần chừ chưa hành động. Họ đang bị cuốn vào cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới có 1 lần và chưa muốn hay chưa thể theo đuổi chương trình kinh tế mà rất nhiều chuyên gia kinh tế cho là cần thiết để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Trong những tháng gần đây, chính phủ đương nhiệm đã cố gắng rất nhiều để có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng nhiều biện pháp khác nhau như nới lỏng giới hạn đối với các khoản vay ngân hàng, tăng lương hưu, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Dẫu vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa có được sự đồng thuận từ phía các lãnh đạo cấp cao.
Rất nhiều chuyên gia phân tích cũng tự hỏi liệu thế hệ lãnh đạo tiếp theo có đủ sẵn sàng về mặt chính trị để vượt qua sự kháng cự của nhóm được gọi là "thế tử" cùng với những gia đình có quan hệ tốt và đã trở nên giàu có dưới hệ thống kinh tế hiện nay hay không.
Họ cho rằng, công thức chuẩn mực cho nền kinh tế Trung Quốc đang mất đi nguồn sinh lực: chính phủ đầu tư ồ ạt trong khi chi tiêu tiêu dùng ì ạch đang tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng kéo theo tình trạng nền kinh tế bị tổn thương sâu sắc hơn nữa.
Các số liệu mới được công bố gần đây vẽ nên bức tranh kinh tế khá ảm đạm. Lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giảm 9 tháng liên tiếp, sản lượng công nghiệp tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 3 năm.
Tuần trước, Frederick W. Smith, CEO của FedEx, 1 trong những công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, đã cảnh báo tình trạng xuất khẩu yếu ớt của Trung Quốc chính là chỉ báo cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục yếu đi trong những năm tới.
Kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình – người đã bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc trong những năm 1980 - 1990 - lên nắm quyền, hệ thống chính trị Trung Quốc luôn đạt được sự đồng thuận cao. Với sự đồng thuận này, những thay đổi lớn lao về chính trị hay kinh tế khó có khả năng xảy ra.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo chính là người lớn tiếng ủng hộ điều mà rất nhiều chuyên gia coi là Trung Quốc cần phải thực hiện ngay bây giờ: phá vỡ thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích chi tiêu tiêu dùng và giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp nặng.
Tuy nhiên, do sẽ nghỉ hưu vào tháng 3, Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục kế hoạch. Theo giới phân tích, Ôn Gia Bảo thiếu đi những điều kiện cần thiết về chính trị để có thể thực hiện 1 cuộc đại tu toàn bộ nền kinh tế mang đầy tham vọng, đặc biệt là trong việc giảm bớt những ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Rõ ràng là, nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc đang được hưởng rất nhiều lợi thế so với các nền kinh tế lớn khác. Tăng trưởng vẫn đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn xã hội đang có xu hướng tăng lên với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng nới rộng. Các chính sách kinh tế cũng mang nhiều yếu tố thiếu chắc chắn do Trung Quốc đang đứng trước cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng sắp diễn ra.
Những người ủng hộ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cho rằng bộ máy lãnh đạo mới sẽ đưa ra những chương trình cải cách mạnh mẽ sau khi đã yên vị trên các vị trí mới. 1 số người thậm chí còn cho rằng mọi thứ càng trở nên tồi tệ thì thế hệ lãnh đạo mới càng có nhiều cơ hội để củng cố vị thế.
Theo Li Zuojun, chuyên gia kinh tế cao cấp của chính phủ, khi bong bóng vỡ, tất nhiên Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nỗi đau ban đầu. Mặc dù vậy, đây cũng có thể là tin tốt cho thế hệ lãnh đạo mới bởi họ có thể dễ dàng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm.
Dẫu vậy, ông Tập gần như không đưa ra bất cứ tín hiệu gì về việc cải tổ nền kinh tế. Trong khi đó, những gì Lý Khắc Cường thể hiện trong thời gian làm lãnh đạo cấp tỉnh cho thấy ông thích hợp với hình ảnh 1 nhà kỹ trị không thích rủi ro hơn là 1 nhà cải cách.
Tại thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang vật lộn với những “cơn gió ngược” trên thị trường xuất khẩu ở châu Âu và Mỹ. Một số chuyên gia kinh tế còn nghi ngờ số liệu tăng trưởng kinh tế 7,6% trong quý II là không xác thực bởi các chỉ số khác như sản lượng điện đang tăng trưởng rất chậm. Hơn nữa, 1 phần tăng trưởng lại được chuyển vào số lượng hàng tồn kho chất cao như núi tại các nhà kho và các cảng.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn phụ thuộc khá nhiều vào những khoản đầu tư khồng lồ xây dựng nhà ở và các công trình công cộng. Đây vốn là những lực đẩy đã giúp nền kinh tế tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu. 1 bài báo được đăng tải trên tờ Nhân dân nhật báo trong tháng này đã khuyến nghị chính phủ không nên tiếp tục dùng cách này để vượt qua trì trệ.
Tuy nhiên, các chính quyền địa phương vốn lo sợ tình trạng trì trệ sẽ dẫn đến thất nghiệp trên diện rộng và tăng trưởng chậm chạp kéo theo những tác hại về mặt chính trị, đã quyết định phải hành động. Trong những tháng gần đây, 1 loạt các thành phố đã đề xuất thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn với hi vọng kiếm được nguồn tài trợ từ chính sách nới lỏng các khoản vay mới được triển khai.
Thành phố Thiên Tân muốn bỏ ra 236 tỷ USD để xây dựng công nghiệp hóa dầu, vũ trụ và nhiều ngành công nghiệp khác. Thành phố Tây An có kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD vào 9 đường tàu điện ngầm mới. Ở Quý Châu, 1 trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, các quan chức muốn đầu tư 472 tỷ USD vào ngành du lịch.
Trong khi đó, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo hiện nay các địa phương vẫn đang cố gắng theo đuổi mô hình tăng trưởng bằng các khoản vay nợ. Họ sử dụng tiền của người dân để đầu tư, nhưng sau đó lại không thể trả nợ cho ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, hệ thống tài chính sẽ sụp đổ. Không chỉ có vậy, nhiều khoản chi tiêu đang bị đặt sai chỗ.
Liao Jinzhong, chuyên gia kinh tế tại đại học Hồ Nam cho biết khi giảng dạy tại các trường chính trị ở địa phương, ông thường đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả khó lường trong trường hợp cố gắng tạo ra tăng trưởng bằng mọi giá. Khi đó, các học viên thường hoan nghênh góc nhìn thẳng thắn của ông. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ buộc phải thừa nhận rằng không có cách làm nào khác. "Xét theo hiện trạng quan liêu như hiện nay, sẽ không có sự thay đổi nào trong tương lai gần", ông cho biết.
Thu Hương
Theo TTVN/NYT