Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc chuyển mạnh đầu tư ra nước ngoài

Từ một nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Hiện hàng ngàn công ty Trung Quốc đang có mặt ở hầu hết các châu lục trên thế giới, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, châu Phi.

Một giàn khoan dầu của Trung Quốc hợp tác với Nigeria. Ảnh: AFP

Đầu tư khắp thế giới

Nam Mỹ là một lục địa có nhiều tài nguyên nhưng chưa được khai thác hiệu quả do cơ sở hạ tầng ở khu vực này vẫn còn yếu. Cách đây hai năm, sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc sẽ đầu tư vào khu vực này 100 tỷ USD trong 10 năm tới, các nước Brazil, Argentina, Chile, Peru, Venezuela đã bắt đầu “trải thảm đỏ” để chào đón các công ty Trung Quốc.

Vào tháng 7-2005, tập đoàn Brazil Petrobras đã ký hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 12 triệu thùng dầu với giá 600 triệu USD. Trung Quốc cũng cam kết đầu tư tại Brazil 7 tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng cảng, đường sắt.

Tại Argentina, Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực đường sắt, viễn thông, dầu mỏ và khí đốt, với tổng số vốn đầu tư ước tính lên tới 20 tỷ USD. Ở Chile, Trung Quốc sẽ đầu tư cho một dự án rất lớn về khai thác đồng, đủ cung cấp cho nhu cầu của nước này trong vòng 20 năm.

Ảnh hưởng của đầu tư từ Trung Quốc đang được thể hiện rất rõ trong đời sống kinh tế văn hóa của các nước Nam Mỹ. Hiện nay, kênh truyền hình địa phương Telesus của Venezuela, Argentina, Uruguay và Cuba phát chương trình thông qua vệ tinh trung gian của Trung Quốc. Ở Sao Paolo, Brazil, các lớp dạy tiếng Hoa lúc nào cũng đông kín học viên.

Đáp ứng nhu cầu khổng lồ về năng lượng cho nền kinh tế trong nước là lý do và động cơ chính thúc đẩy các công ty Trung Quốc đến với châu Phi, nơi có 8% tổng trữ lượng dầu trên thế giới. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện các nước châu Phi đáp ứng được 25% nhu cầu dầu của nước này. Sudan hiện đang bán cho Trung Quốc đến 60% tổng sản lượng dầu mà nước này khai thác được, đáp ứng tới 12% nhu cầu dầu của Trung Quốc.

Sinopec, công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc, đã xây dựng một đường ống dài 1.500km dẫn tới cảng Sudan trên biển Đỏ, nơi Công ty Xây dựng và Kỹ thuật dầu khí Trung Quốc đang xây dựng một cảng tiếp nhận tàu chở dầu. Hiện nay, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất tại Sudan với tổng số vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

Tại Angola, Trung Quốc đã đổ vào 2 tỷ để xây dựng các giàn khoan dầu và đang bơm lên 10.000 thùng dầu mỗi ngày. Các công ty Trung Quốc cũng đang đặt các mũi khoan tại nhiều nước khác như Nigeria, Congo và Algeria.

Ngoài lĩnh vực dầu khí, hơn 670 công ty Trung Quốc hiện đang đầu tư tại châu Phi vào những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng, từ khai thác kim loại, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho đến đánh cá, công nghiệp gỗ và cả những lĩnh vực nhỏ khác mà trước đó các công ty phương Tây đã rút lui.

Trung Quốc đang thống trị thị trường viễn thông ở Ethiopia, xây dựng đường cao tốc ở Kenya và Rwanda, đưa vệ tinh đầu tiên của Nigeria lên quỹ đạo. Trung Quốc cũng không quên đẩy mạnh đầu tư sang các nước láng giềng ở châu Á, nhất là Trung Á, nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này thông qua việc xây dựng đường ống dẫn dầu nối với Kazakhstan, Siberia.

Tập đoàn khai thác dầu cát Athabasca (AOSC) của Canada thông báo Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) sẽ mua 60% cổ phần thuộc hai dự án khu vực sông MacKay và khu vực Dover trị giá 1,7 tỷ USD, đánh dấu sự đầu tư lớn của Trung Quốc đối với việc khai thác dầu khí tại đây. Thỏa thuận của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc với Tập đoàn AOSC là liên doanh khai thác dầu cát lớn nhất của Trung Quốc tại Canada.

Vì sao Trung Quốc tăng đầu tư ra nước ngoài?

Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư ra nước ngoài vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu, tìm thêm nguồn cung cấp nguyên liệu năng lượng ổn định cho nền kinh tế của Trung Quốc vừa tăng cường ảnh hưởng và uy tín trên trường quốc tế... Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân từng nhận định rằng: “Toàn cầu hóa kinh tế sẽ trở thành một xu thế tất yếu và con đường phát triển tốt nhất của Trung Quốc là phải hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa này”. Theo tinh thần đó, Trung Quốc đã khuyến khích các công ty lớn, nhỏ đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng cho rằng việc Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài còn nhằm đa dạng hóa việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ mà nước này tích lũy được sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Đầu tư ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có điều kiện tiếp cận các thị trường mới và các công nghệ hiện đại. Việc mua lại hay sáp nhập các công ty nước ngoài là một cách để các nhà sản xuất Trung Quốc xây dựng những thương hiệu quốc tế uy tín. Cuối cùng, đầu tư ra nước ngoài còn là con đường ngắn nhất để thực hiện sách lược xây dựng ảnh hưởng Trung Quốc không chỉ kinh tế mà cả chính trị, quân sự, nhằm nâng cao vị trí của Trung Quốc như một siêu cường mới trên vũ đài quốc tế.

Hàng ngàn công ty Trung Quốc đã và đang tiếp tục đầu tư khắp thế giới. Phần lớn các dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, chiếm 55% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của nước này. Đầu tư vào các dịch vụ thương mại đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 19% tổng số vốn đầu tư. Kế đó là đầu tư vào sản xuất công nghiệp (15%), ngành bán lẻ và bán buôn (5%). Chiến lược phát triển năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đang thay đổi theo hướng tăng cường đầu tư ra nước ngoài, thay vì khai thác trong nước.

Thời gian gần đây, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc, được sự tiếp sức về tài chính của Chương trình phục hồi kinh tế do chính phủ khởi xướng, đang ráo riết săn tìm và mua lại các công ty nước ngoài chuyên về khai thác dầu lửa, than đá và urani hiện đang gặp khó khăn về vốn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Tổng giá trị các hợp đồng được ký kết trong lĩnh vực dầu lửa đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với khoảng 13 tỷ USD. Đó là chưa kể các cuộc đàm phán mà hai tập đoàn của Trung Quốc là CNPC và Cnooc đang tiến hành để mua lại 84% vốn của một công ty Tây Ban Nha trong YPF, tập đoàn dầu lửa hàng đầu của Argentina.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng có 2 lý do khiến Trung Quốc đã chuyển đổi chiến lược phát triển theo hướng mở rộng vai trò của mình trong công cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng và mỏ trên thế giới. Trước hết, đó là nguy cơ dễ bị tổn thương khi mua trái phiếu kho bạc của Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến Trung Quốc nhận thấy tốt hơn hết là tái sử dụng số vốn dự trữ cho việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Thứ hai: năng lượng và tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố mà Trung Quốc rất cần có trong công cuộc phát triển, chính vì vậy chúng trở thành mục tiêu ưu tiên trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư này.

Với chủ trương trên, các công ty trong nước, trước kia vốn là các đối thủ cạnh tranh, giờ đã liên kết lại với nhau, hoặc liên doanh với các tập đoàn lớn của nước ngoài, để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

(Theo SGGP online)

  • Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 4,1 tỉ USD
  • Bangladesh: Thiếu điện đến mức cấm công chức mặc vest
  • Năm 2010: Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều va chạm thương mại
  • Một năm khủng hoảng kinh tế, Thailand mất 24 tỷ USD
  • Trung Quốc: Thuế cacbon sẽ tác động xấu tới thương mại toàn cầu
  • Năm 2015: Thượng Hải có thể chìm trong nước biển
  • Nhật Bản chi 81 tỷ USD cho gói kích cầu mới
  • Ấn Độ Đắn đo với than đá