Một viên chức cao cấp của Trung Quốc hôm thứ năm (04/02) cho biết Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực đòi tăng giá đồng nhân dân tệ từ phía Mỹ, một hành động mà tổng thồng Mỹ Obama cho rằng nó tạo những lợi thế bất công cho xuất khẩu Trung Quốc trên thị trường thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Khương Du khẳng định "những lời cáo buộc sai lầm và áp lực sẽ không giúp gì trong việc giải quyết vấn đề này."
Đây cũng được coi là lời đáp trả của Trung Quốc trước tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng sức ép thương mại lên Trung Quốc hôm thứ tư (03/02). Mặc dù ông Obama không trực tiếp gọi hành động của Trung Quốc là cách thức dùng tiền tệ để chi phối mậu dịch nhưng những điều ông nói về các chính sách kinh tế của Trung Quốc lại khá khắt khe. Chính vì thế, Mỹ "cần phải đảm bảo rằng giá cả hàng hóa của chúng ta không bị thổi phồng một cách giả tạo và hàng hóa của họ (Trung Quốc) cũng không bị thổi phồng lên như vậy. Điều đó sẽ đặt ra cho chúng ta một bất lợi cạnh tranh to lớn."
Các chuyên gia kinh tế cũng đồng ý với điều này. Theo đánh giá của họ, hiện tại giá trị đồng nhân nhân tệ đang thấp hơn từ 25% tới 40% so với đồng đôla Mỹ và các loại tiền tệ khác. Kể từ tháng 7/2008 tới nay, tỷ giá đồng nhân dân tệ và đồng đôla Mỹ vẫn được duy trì ở mức 6,83RMB/USD.
Ông Khương Du khẳng định: "Nếu như đánh giá từ sự cân bằng thanh toán và cung cầu trên thị trường tiền tệ thế giới, có thể thấy giá trị đồng nhân dân tệ đang trở nên hợp lý và ở mức cân bằng tốt hơn."
Về mặt kinh tế, với mức dự trữ ngoại hối lên tới 2,4 nghìn tỷ USD, hiện Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Hôm thứ tư (03/02), Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài viết về việc các chuyên gia kinh tế Trung Quốc hiện đang tỏ ý lo ngại rằng dưới tác động từ mức thâm hụt ngân sách kỷ lục, rất có thể Mỹ sẽ in đồng đôla và phát hành thêm trái phiếu, từ đó khiến giá trị đồng USD tiếp tục suy giảm.
Sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong vòng một thập kỷ qua phần lớn nhờ vào xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toan cầu bùng nổ, xuất khẩu của Trung Quốc cũng dần suy giảm. Các chuyên gia kinh tế và chính phủ Trung Quốc giờ đây đã phải tính tới chuyện cải cách cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm hướng vào đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 8,7%, vượt quá ngưỡng mục tiêu 8% mà chính phủ nước này đã đặt ra. Điều này cũng đồng thời cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu và khôi phục trở lại. Một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới sức tăng trưởng tiêu dùng nội địa chính là tác động từ gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD mà chính phủ Trung Quốc đã thông qua hồi tháng 11/2008.
Tuy nhiên, chi tiêu chính phủ cùng với dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc qua các kênh đầu cơ tài chính và đầu tư cá nhân, hay còn được các chuyên gia kinh tế gọi bằng cái tên "tiền nóng", đang có nguy cơ hình thành nên tình trạng lạm phát trong nền kinh tế. Sự lo ngại này có thể khiến Trung Quốc buộc phải đánh giá lại đồng nhân dân tệ ngay trong năm nay để góp phần kiềm chế lạm phát.
Đối với tổng thống Obama, việc tái bắt đầu cuộc chiến Trung - Mỹ về đồng nhân dân tệ có thể làm chia nhỏ những ảnh hưởng về mặt chính trị của ông này, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang duy trì ở mức hai con số và sự lo ngại rằng Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh các công việc lao động của thị trường Mỹ đang ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định sẽ ghìm lại bộ máy xuất khẩu của mình sau khi khủng hoảng toàn cầu làm suy giảm lớn nhu cầu hàng hóa Trung Quốc trên thế giới. Việc duy trì đồng nội tệ thấp là điều kiện quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu này. Và như đã được chỉ ra trong tuyên bố của ông Khương Du hôm thứ năm (04/02), các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang mất dần kiên nhẫn với những bài giảng về chính sách kinh tế từ phía chính con nợ lớn nhất của mình.
Hẳn nhiên, việc chỉ trích chính sách của Trung Quốc sẽ không mang lại nhiều kết quả tốt đẹp mà ngược lại, nó có thể còn làm xấu đi mối quan hệ vốn đã nhiều mẫu thuẫn giữa hai nước.
Trung Quốc kiếm lời trong một cái chợ được hình thành dựa trên các qui luật được biết đến dưới cái tên "Tư Bản", đương nhiên Trung Quốc không thể tự do áp đặt luật chơi. Cho dù kinh tế Trung Quốc có những tiến bộ nhưng chưa đủ sức để bóp chết kinh tế thế giới để làm một cuộc cách mạng bởi vậy Trung Quốc sẽ phải có những nhượng bộ cần thiết. Sự nhượng bộ của Trung Quốc trong cán cân thương mại với nửa thế giới còn lại, nhất là về tỷ giá, là vấn đề đương nhiên.
(Trang tin VN&QT)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com