Ngày càng nhiều các nước trên thế giới đang cố gắng tìm đường vào thị trường Trung Quốc.
Với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc đang trở thành thị trường xuất khẩu rộng mở đối với các quốc gia xuất khẩu trên thế giới nhờ thu nhập tăng cao và chính sách cân bằng thương mại cũng như thúc đẩy ưu tiên nhu cầu trong nước của chính phủ Trung Quốc.
Quý 1 năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên chịu thâm hụt trong vòng 6 năm. Một số người cho rằng, thâm hụt thương mại của Trung Quốc là do giá cả hàng hóa tăng cao, nhưng một số khác lại cho rằng, điều đó thể hiện xu hướng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc khi nước này dần chuyển từ công xưởng thế giới trở thành một thị trường toàn cầu lớn.
Bên cạnh đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn đã liên tục giảm trong những năm qua. Chuyên gia nghiên cứu Veronique Riches-Flores thuộc Societe Generale cho rằng, việc thặng dư của Trung Quốc bị thu hẹp cho thấy, quốc gia này đang từ một cỗ máy xuất khẩu trở thành một cỗ máy tiêu thụ.
Trung Quốc đã trở thành thị trường thay thế quan trọng đối với rất nhiều nước xuất khẩu trên thế giới sau khi xuất khẩu sang các nước phát triển bị ngừng trệ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn duy nhất của các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc đã thiết lập một khu vực thương mại tự do với 10 thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Tiêu dùng của Trung Quốc đối với hàng hóa nước ngoài ngày càng tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu của các nước này.
Đối với các nền kinh tế mới nổi khác, thị trường Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng. Tổng xuất khẩu của Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi sang Trung Quốc đã tăng 52,7% trong quý 1 năm nay.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil nhờ việc mua hàng tỷ USD giá trị các sản phẩm nông nghiệp, dầu thô và quặng sắt của nước này.
Đặc biệt, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi chỉ khiêm tốn ở mức 10,6 tỷ USD trong năm 2000, đã tăng gấp 10 lần tới 129 tỷ USD trong năm 2010. Một số nước châu Phi đã cải thiện được cơ sở hạ tầng yếu kém và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhờ vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nước đang phát triển. Đối với các quốc gia phát triển có tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Mỹ từ lâu đã tìm cách gia tăng xuất khẩu sang các nước trên thế giới để vực nền kinh tế đất nước khỏi cuộc khủng hoảng. Xuất khẩu của nước này phát triển nhanh hơn trong những năm gần đây so với các khu vực khác trên thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng hóa và dịch vụ lớn nhất của Mỹ.
Đối với các nước châu Âu, Trung Quốc trở thành đối thủ của các nhà sản xuất trong khu vực và ngày càng trở thành đối tác kinh doanh quan trọng.
Sự bùng nổ thương mại với Trung Quốc giúp các công ty châu Âu có thể bán nhiều hơn các sản phẩm của mình tới người tiêu dùng Trung Quốc và giúp cổ phiếu của các cường quốc công nghiệp tại khu vực này trở nên có giá trị hơn.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com