Từ đâu đã nảy sinh những mối tương đồng về chủ đề và thời gian giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam? Tất cả đều bắt nguồn từ tình trạng bất ổn được tích tụ lâu ngày.
Những tương đồng từ bất ổn
Tuy chưa chính thức thừa nhận nền kinh tế lâm vào tình trạng tiền suy thoái, nhưng động thái mới nhất trong tháng 11/2011 của chính phủ Trung Quốc về khả năng phải nới lỏng tín dụng, cùng với hàng loạt dự báo từ phương Tây đối với tình thế "hạ cánh cứng" của Trung Quốc, đã tạo điều kiện cho người ta hiểu rõ hơn về hiện tình tài chính của quốc gia này.
Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù từ đầu năm 2011 đến nay, khi lạm phát đã tăng đến 17% và có đến 10% số doanh nghiệp phải giải thể (chỉ tính theo con số báo cáo chính thức), cũng như đã chưa xuất hiện một sự thừa nhận chính thức nào về tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng trong buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 25/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên trong năm đề cập đến cụm từ "gói giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô".
Từ đầu tháng 11/2011, đã có những tín hiệu thay đổi về chính sách của chính phủ Việt Nam. Tiếp sau một nghị định về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản loại trừ 4 nhóm đối tượng bất động sản khỏi khu vực phi sản xuất. Cũng ở cấp chính phủ đã có một quyết định giảm 50% tiền thuê đất cho một số doanh nghiệp.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang đối mặt với lạm phát và bất ổn. |
Về nội dung, những động thái trên của chính phủ Việt Nam khá gần với một số giải pháp nằm trong gói kích cầu được chính phủ ban hành vào cuối năm 2008 nhằm "ngăn chặn suy giảm kinh tế".
Đáng chú ý vào đầu tháng 12/2011, một chỉ thị của Chính phủ Việt Nam về một số giải pháp cho thị trường bất động sản cũng xuất hiện gần như đồng thời với tín hiệu Trung Quốc có thể nới lỏng tiền tệ và do đó nới lỏng tín dụng cho thị trường nhà đất của quốc gia này trong năm 2012.
Vậy từ đâu đã nảy sinh những mối tương đồng về chủ đề và thời gian giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam?.
Tất cả đều bắt nguồn từ tình trạng bất ổn được tích tụ lâu ngày.
Với Trung Quốc, việc mức tăng trưởng GDP trong quý 3/2011 chỉ có 9,1%, thấp hơn so với tỷ lệ 9,5% của quý 2/2011 và 9,7% của quý 1/2011, đã làm dấy lên mối lo ngại từ giới đầu tư và các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, vào quý 3/2011, giới điều hành chính sách kinh tế của Việt Nam đã phải hạ mức tăng trưởng thực tế của GDP xuống còn 5,5-6%, thay cho "quyết tâm" cao hơn nhiều từ hồi đầu năm nay.
Hoài nghi về số liệu công bố
Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ý kiến hoài nghi về các số liệu kinh tế Trung Quốc được công bố. Nếu vào quý 2 năm nay đã từng nảy sinh mối nghi ngờ từ những tổ chức xếp hạng quốc tế như Moody's và Fitch Rating về nợ công của Trung Quốc, thì trường hợp giáo sư Lang Hàm Bình của Đại học Trung Văn (Hồng Kông) cũng gần tương tự.
Nhà nghiên cứu tài chính nổi tiếng trong nước này, đã nêu ra một đánh giá đặc biệt: nền kinh tế Trung Quốc đã lâm vào suy thoái từ tháng 7/2011. Tỷ lệ tăng trưởng 9,1% GDP là giả; lạm phát 6,2% cũng là giả; mà tỷ lệ lạm phát ít nhất là 16%"!
Theo ông Lang, một trong những nguyên do làm tăng lạm phát là Trung Quốc đã "in tiền quá nhiều". GDP của Mỹ cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, nhưng lượng tiền mà Trung Quốc in ra lại cao hơn 30% so với Mỹ.
Giáo sư Lang Hàm Bình cũng cho rằng, ngành chế tạo của Trung Quốc đang điêu đứng. "Kết quả nghiên cứu thực địa của tuần báo Nhà Quan sát Kinh tế cho thấy, ở Giang Tô và Chiết Giang, tỷ lệ sản xuất của ngành may mặc chưa tới 1/3, ngành nhựa 50%, ngành cao su 60%, ngành ép dầu đậu nành chưa tới 30%", ông nói.
Tình trạng gần như tương tự cũng xảy ra đối với một phần lớn doanh nghiệp sản xuất và chế tạo ở Việt Nam. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và lượng tồn ứ hàng hóa quá nhiều, thông thường các doanh nghiệp chỉ có thể đạt được 50% hệ số sử dụng công suất, chỉ đủ để lấy thu bù chi. Ngược lại, có khoảng 30% số doanh nghiệp đã chỉ đạt được hệ số sử dụng công suất từ 10-20% và bắt buộc phải rơi vào tình cảnh lỗ nặng hoặc phá sản.
Voi đi xe đạp hình ảnh để nói về sự bấp cập của kinh tế Trung Quốc. |
Một điểm tương đồng khác giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam là những tiền đề của một cuộc khủng hoảng tín dụng đang đến gần. Vào cuối tháng 6/2011, Cơ quan kiểm toán quốc gia (NAO) của Trung Quốc cho biết món nợ của chính quyền địa phương các cấp đã lên tới 10.700 tỷ nhân dân tệ, tức 1.140 tỷ euro, tương đương với 27% tổng sản phẩm quốc nội năm 2010 của nước này.
Theo con số thống kê chính thức, mức tăng món nợ của chính quyền địa phương đã giảm từ 61,9% (năm 2009) xuống 8,9% (năm 2010). Tuy nhiên hãng xếp hạng tín dụng Moody's lại nghi ngờ tính xác thực của con số thống kê chính thức của Trung Quốc và đánh giá con số đó phải là 1.513 tỷ euro, chiếm đến 36% tổng sản phẩm quốc nội.
Tháng 10 vừa qua, Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc cho biết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Ông Lưu Minh Khương, lãnh đạo cơ quan này, nói rằng nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP tính đến cuối năm 2010, thấp hơn mức báo động là 60%.
Trong khi trước đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's lại cho biết khoản nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc cao hơn con số ước tính của NAO đến 3.500 tỷ Nhân dân tệ (540 tỷ USD).
Một chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ, giáo sư Bùi Mẫn Hân, được hãng tin BBC dẫn lời, cho biết nếu tính cả nợ của các chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc chiếm tới 70 - 80% GDP.
Còn ở Việt Nam, hiện nay tỷ lệ nợ công/GDP được công bố vào khoảng 54%, tức được xem vẫn trong khoảng an toàn. Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, đến năm 2015 tỷ lệ này sẽ vẫn dưới mức nguy hiểm 65%. Tuy vậy, cũng như thực trạng số liệu thống kê thiếu chính xác và khá mơ hồ ở Trung Quốc, một số khoản mục liên quan đến nợ công ở Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa được làm rõ.
"Voi cưỡi xe đạp"
Cách đây không lâu, một chuyên gia phương Tây là James Kynge đã phác ra hình ảnh "Voi cưỡi xe đạp" - một ẩn dụ thú vị mà đối với nền kinh tế Trung Quốc: nền kinh tế quốc gia này chỉ cần tiến về phía trước thì không sao, nhưng một khi giảm tốc thì hậu quả sẽ khôn lường.
Vào tháng 3/2011, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Rating cũng đánh giá nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc vào giữa năm 2013 lên tới 60%.
Nếu kinh tế Trung Quốc bị khó khăn, hậu quả sẽ ra sao?
Ngoài những hậu quả đương nhiên đối với nội tại Trung Quốc, việc nền kinh tế nước này sụp đổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế dựa vào nguyên liệu như Chi Lê và Australia. Những tác động tiêu cực về tài chính đối với các ngân hàng châu Âu cũng không được loại trừ.
Vào những ngày cuối năm 2011, đã xuất hiện dự báo của một số tổ chức phân tích phương Tây về khả năng GDP của Trung Quốc trong năm 2012 có thể bị sụt về mức 5% hay 6% - gần tương đương với tỷ lệ tăng trưởng GDP ở Việt Nam hiện thời.
Hậu quả đó của nền kinh tế Trung Quốc cũng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không chỉ về mặt tâm lý đối với kinh tế Việt Nam.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com