Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" Trung Á - Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Trung Á khánh
thành tuyến đường ống dẫn khí đốt.
 Giữa tháng 12 vừa qua, tại khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe của Turkmenistan (gần biên giới Uzbekistan), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào cùng các nhà lãnh đạo Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan đã cắt băng khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối khu vực Trung Á với Trung Quốc.
 
Hệ thống đường ống này có tổng chiều dài gần 7.000 km, với 188 km chạy qua Turkmenistan, 525 km qua Uzbekistan, 1.293 km qua Kazakhstan và 4.860 km chạy trên lãnh thổ Trung Quốc. Hệ thống gồm hai đường ống, với đường ống thứ nhất có chiều dài 1.833 km nối khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, đi qua lãnh thổ hai nước Uzbekistan và Kazakhstan. Ðường ống còn lại theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành trong năm tới.

Khi hệ thống đường ống này đi vào vận hành, Turkmenistan có thể cung cấp cho thị trường tiêu thụ năng lượng khổng lồ Trung Quốc 40 tỷ m3 khí đốt/năm, và dự kiến công suất tối đa này sẽ đạt được vào năm 2012. Hệ thống đường ống này sẽ được kết nối với mạng lưới ống dẫn khí đốt tự nhiên của Trung Quốc và vì vậy có thể dẫn khí đốt trực tiếp từ Turkmenistan đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Công... Với công suất này, đường ống mới sẽ phần nào giúp Bắc Kinh giảm "khát" năng lượng, vì theo dự đoán của Trung Quốc, nước này sẽ thiếu 30 tỷ m3 khí đốt vào năm tới và 50 tỷ m3 vào năm 2015.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục, khoảng 10%/năm trong 20 năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào khoảng năm 2010, Trung Quốc sẽ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. IEA cũng dự báo nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc là nước phụ thuộc năng lượng truyền thống để đáp ứng nhu cầu năng lượng, trong đó than chiếm hai phần ba tổng lượng tiêu thụ năng lượng, dầu chiếm một phần tư. Tuy nhiên việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gây những tác hại đến môi trường ở Trung Quốc, dẫn đến trình trạng ô nhiễm lan rộng. Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu dầu từ năm 1993, là nhà tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, chiếm 40% sự gia tăng nhu cầu dầu thô của thế giới kể từ năm 2000. Dầu nhập khẩu chiếm một phần ba lượng tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc, khiến nước này chịu hậu quả nặng nề của tình trạng giá dầu tăng cao.

Ðể đối phó tình trạng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách như tiết kiệm năng lượng đồng thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, trong đó đầu tư vào khí thiên nhiên là một hướng đi ngày càng thiết thực. Hiện khí đốt chỉ chiếm 3% lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Nhưng với hệ thống đường ống Trung Á - Trung Quốc, tỷ trọng khí đốt sẽ tăng thành 5%, đồng thời giúp giảm khí thải, khiến kinh tế Trung Quốc "xanh" hơn.

Trong khi Trung Quốc đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn dầu mỏ và khí đốt giàu có của Trung Á đang được cả thế giới xem trọng, gọi khu vực này là "Căn cứ năng lượng của thế kỷ 21". Tuy nhiên, do nhiều nhân tố, trong nhiều năm qua, việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Trung Á chưa được thuận lợi và các nước ở khu vực này luôn hy vọng có thể đa dạng hóa các kênh cung ứng năng lượng của mình. Turkmenistan có trữ lượng 20,8 tỷ tấn dầu mỏ và 24,6 nghìn tỷ m3 khí đốt, là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nga. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng ở Trung Á. Trong năm nay, Trung Quốc đã đầu tư số tiền không nhỏ cho khu vực Trung Á với mười tỷ USD cho Kazakhstan và bốn tỷ USD cho Turkmenistan. Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymuhamedov đã tuyên bố, Turkmenistan sẽ cung cấp cho Trung Quốc 40 tỷ m3 khí đốt/năm, trong vòng 30 năm. Một số nhà phân tích nhận định, tuyến đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc là một dự án lớn, sẽ giúp khôi phục "con đường tơ lụa cổ" ở khu vực này.

(Theo Bao Nhandan)

  • Trung Quốc xây “Vạn lý trường thành dưới đất”
  • Trung Quốc “vượt mặt” cả Đức
  • Máy bay chở vũ khí bị bắt ở Bangkok: Phi vụ bí ẩn
  • Nhật Bản: Tỉ lệ ủng hộ chính phủ giảm mạnh
  • Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể vượt mục tiêu 8% trong năm 2010
  • Trung Quốc: năng lượng hạt nhân gây lo ngại
  • Trung Quốc nhắm tăng trưởng 8% năm 2010
  • Malaysia: Sẽ có làn sóng tư nhân hóa vào năm 2010