![]() |
Phòng điều khiển nhà máy điện hạt nhân Ling Ao, cạnh nhà máy Daya Bay, ở Thâm Quyến, Trung Quốc. |
Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng trong thập kỷ tới một số nhà máy điện hạt nhân nhiều gấp ba lần số nhà máy ở các nước khác trên toàn thế giới cộng lại, với mục tiêu làm giảm sự nóng lên toàn cầu.
Công nghiệp hạt nhân dân dụng của Trung Quốc - với 11 lò phản ứng đang hoạt động và khoảng 10 nhà máy mới được xây dựng mỗi năm - chưa có tai nạn nghiêm trọng nào trong việc sản xuất điện quy mô lớn suốt 15 năm qua. Vì Trung Quốc là nước phát ra nhiều nhất loại khí thải làm trái đất nóng lên, nên việc tăng cường điện hạt nhân ít ra cũng có thể làm giảm việc phát khí thải. Thế nhưng, cả trong và ngoài Trung Quốc, tốc độ của chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang làm dấy lên các mối lo ngại về an toàn. Quốc gia cuối cùng phát triển năng lượng hạt nhân nhanh chóng như vậy là Mỹ trong thập niên 1970, và công cuộc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã kết thúc bằng vụ tai nạn tại Nhà máy Three Mile Island ở bang Pennsylvania năm 1979. Vì Trung Quốc đặt nhiều nhà máy điện hạt nhân gần các thành phố lớn, có khả năng hàng chục triệu người sẽ bị nhiễm phóng xạ nếu có tai nạn như Three Mile Island xảy ra. Ngoài ra, Trung Quốc phải duy trì sự an toàn hạt nhân trong một môi trường văn hóa kinh doanh quốc gia không tích cực, nơi chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thường bị hy sinh cho lợi nhuận, tiết kiệm chi phí và tham nhũng - như từng thấy ở các vụ bê bối trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đồ chơi trẻ em và trong vụ xây dựng cẩu thả các trường học bị sập nhanh chóng trong vụ động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm ngoái.Ông Li Ganjie, Giám đốc Cục An toàn hạt nhân quốc gia của Trung Quốc, cảnh báo: “Ở giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta không ý thức đầy đủ về sự phát triển quá nhanh của công nghiệp điện hạt nhân, chất lượng xây dựng công trình và độ an toàn khi vận hành các nhà máy điện nguyên tử sẽ bị đe dọa”.
Một vụ tham nhũng cấp cao trong ngành hạt nhân Trung Quốc cũng vừa bị phát giác. Hồi tháng 8, Chính phủ Trung Quốc đã cách chức và bắt giam tổng giám đốc đầy quyền lực của tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc, ông Kang Rixin, trong vụ cáo buộc tham nhũng 260 triệu đô la Mỹ liên quan đến việc đấu giá xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc tìm mọi cách để dập tắt các tin tức liên quan đến việc bắt giữ tổng giám đốc tập đoàn, thông tin trên các trang web tiếng Trung Quốc có nhắc đến ông Kang đều bị xóa bỏ. Vụ tham nhũng này là một dấu hiệu đáng lo ngại rằng các quan chức Trung Quốc không phải lúc nào cũng đặt sự an toàn lên trên hết khi ban hành các quyết định. Nhưng việc bắt giữ ông Kang, một ủy viên trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng có thể xem là một bằng chứng về việc Trung Quốc nghiêm túc trong vấn đề an toàn hạt nhân.
Thách thức của chính phủ và các công ty hạt nhân Trung Quốc khi gia tăng nhịp độ xây dựng còn ở chỗ phải theo dõi sát sao đội quân đông đảo các nhà thầu và nhà thầu phụ - những người có thể lén lút cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận. “Đó là một điều đáng lo ngại, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi làm việc với nhau vì chúng tôi đã nghe các vụ việc ở các ngành công nghiệp khác”, ông William P. Poirier, Phó chủ tịch của Westinghouse Electric, công ty đang xây 4 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, cho biết.
Philippe Jamet, Giám đốc bộ phận lắp đặt an toàn hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đặt ở Vienna, Áo, lo ngại Trung Quốc không có đủ số thanh tra viên hạt nhân được đào tạo bài bản để xử lý sự gia tăng nhanh chóng các lò phản ứng. Ông cũng cho biết IAEA đã chấp thuận một yêu cầu của Trung Quốc gửi nhóm chuyên gia quốc tế đến nước này vào năm tới để đánh giá và huấn luyện nhân viên.
Hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc sản xuất ra 9 GW điện nếu hoạt động hết công suất, cung cấp 2,7% lượng điện toàn quốc. Ba năm trước, chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng gấp bốn lần sản lượng đó vào năm 2020. Chẳng bao lâu sau, Chính phủ Trung Quốc công bố các mục tiêu cao hơn nữa, lên 70 GW vào năm 2020 và 400 GW vào năm 2050.
Nhu cầu điện của Trung Quốc đang tăng mạnh đến mức, theo dự báo của chính phủ, cho dù ngành điện đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2020, thì điện hạt nhân cũng chỉ đóng góp khoảng 9,7% tổng nhu cầu năng lượng toàn quốc.
Sản xuất nhiều điện hạt nhân trong thập niên tới sẽ làm giảm lượng khí thải liên quan đến năng lượng của nước này khoảng 5% so với việc đốt than để tạo ra nguồn điện có sản lượng tương đương. “Đối với những ai quan tâm tới khí thải, điều này là đáng khích lệ, nhưng chỉ là một mảnh của bài toán”, Jonathan Sinton, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Năng lượng quốc tế ở Paris, nhận xét.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong năm 2006 để trở thành nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và đang tìm cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế. Nhưng theo ông Sinton, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh tới mức nếu như nước này đạt được các mục tiêu đề ra thì tổng lượng khí thải cũng tăng khoảng 72-88% vào năm 2020.
Thách thức của Trung Quốc là xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân sao cho không gặp tai nạn như Nhà máy Three Mile Island, nơi phần lõi của lò phản ứng bị tan chảy và phát ra phóng xạ, hay tệ hơn nữa như thảm họa Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986, vụ tai nạn nguyên tử tồi tệ nhất của thế giới.
(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com