Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao Trung Quốc nên ổn định lãi suất?

Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đã ba lần nâng lãi suất cơ bản.

Trung Quốc có khả năng sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia châu Á từ Hàn Quốc tới Ấn Độ trì hoãn nâng lãi suất cơ bản, sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyến nghị toàn cầu hợp tác ổn định các thị trường tài chính.

Theo công bố của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, bước tăng nhanh nhất kể từ năm 2008, vượt qua dự báo 6,4% của các nhà phân tích trong cuộc điều tra của Bloomberg.

Nguyên nhân chính do chi phí thực phẩm tăng đến 14,8%, trong đó giá thịt heo tăng 57%. Giá tiêu dùng tăng nhanh đã trở thành vấn đề nóng tại Trung Quốc suốt thời gian qua. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định kiểm soát giá cả là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Chính phủ không những tăng chi phí đi vay mà còn hạn chế cho vay bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng trong 12 tháng qua. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất năm lần kể từ tháng 10/2010 để kiểm soát giá cả.

Thông thường, khi lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính quyền phải xem xét kỹ lưỡng, không hoặc hoãn tăng lãi suất do những biến động trên thị trường tài chính thế giới hiện tại.

Theo 8/10 nhà phân tích tham dự cuộc điều tra dư luận của hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay tới hết năm nay. Mới đây, ngân hàng trung ương Indonesia cũng đã công bố quyết định giữ nguyên lãi suất.

Hôm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cam kết giữ lãi suất cơ bản siêu thấp từ 0 -0,25% cho tới giữa năm 2013 và sử dụng một số công cụ chính sách khác, nhằm vực dậy niềm tin của các nhà đầu tư vốn đã khiến thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh thời gian qua.

Quốc vụ viện Trung Quốc trong hội nghị cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho rằng, "các quốc gia liên quan" nên có đưa các chính sách tài chính và tiền tệ mang tính trách nhiệm, để duy trì niềm tin của các nhà đầu tư. Cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô.

Hội nghị nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của các nước trong việc ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế, ủng hộ Tuyên bố của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) về ổn định thị trường tài chính.

Hội nghị chỉ rõ thị trường tài chính thế giới hiện đang có biến động mạnh mẽ, các yếu tố không xác định và bất ổn trong quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới tăng lên, Trung Quốc cần quan sát và đối phó bình tĩnh, phòng tránh hữu hiệu với những biến động rủi ro.

Trung Quốc cần phải giữ được tính liên tục, ổn định, nâng cao tính linh hoạt, dự báo, chủ động về mức độ và trọng tâm trong điều chỉnh vĩ mô, xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu và quản lý lạm phát, ra sức kiềm chế mức độ tăng giá, áp dụng biện pháp tổng hợp giữ cho kinh tế tài chính ổn định.

"Chúng ta đang đứng trước nguy cơ về suy thoái toàn cầu đang tăng lên, vì thế Trung Quốc sẽ không nâng lãi suất cơ bản bây giờ", Wang Tao, chuyên gia kinh tế của UBS AG ở Hồng Kông, nhận định. Lạm phát của Trung Quốc đã đạt đỉnh và "giá thực phẩm đang điều chỉnh", bà nói.

Cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley châu Á, Andy Xie, cho rằng, “thông thường Chính phủ Trung Quốc sẽ ngừng làm gì đó khi mọi thứ hỗn loạn. Lãi suất cơ bản sẽ duy trì ở mức hiện tại trong thời gian tới, cho đến khi thị trường toàn cầu đã hồi phục”

Lãi suất cho vay thời hạn 1 năm tại Trung Quốc hiện ở mức 6,56% sau 3 lần tăng trong năm nay. Lần nâng lãi suất gần nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là vào ngày 6/7/2011, nhằm kiềm chế lạm phát đang phi mã.

(Theo Vneconomy)