Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tàu hỏa cao tốc: “Bài học máu” và giấc mơ tan vỡ của Trung Quốc

Vụ lật tàu cao tốc ở Ôn Châu (Trung Quốc) ngày 23/7 làm 39 người chết, 192 người bị thương được tờ Thời báo Hoàn cầu gọi là “bài học máu” của Trung Quốc. Vụ tai nạn cũng như một gáo nước lạnh dội vào giấc mơ xuất khẩu tàu lửa cao tốc của quốc gia này.

Niềm tự hào lung lay

Cuối tháng 6/2011, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải được khánh thành và trở thành "niềm tự hào của Trung Quốc". Thế nhưng, liên tiếp 1 tuần sau đó là hàng loạt sự cố mất mặt.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải kéo dài 1.318 km qua 7 tỉnh, thành và tiêu tốn 217 tỉ nhân dân tệ. Với vận tốc thiết kế 250-300 km/giờ, hành khách có thể đi lại giữa hai TP sầm uất bậc nhất Trung Quốc chỉ trong vòng 2 giờ 48 phút, thay vì 10 giờ như trước.

Phát biểu tại nhà ga Nam Bắc Kinh trong lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải ngày 30-6, kỹ sư trưởng của Bộ Đường sắt Trung Quốc - Hà Hoa Vũ - tuyên bố: "Đây là niềm tự hào của người dân và đất nước Trung Quốc".

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318 km

Đến ngày 10-7, "niềm tự hào" nếm "cú đấm" đầu tiên khi một sự cố chập mạch đã làm 19 con tàu bị hoãn chuyến ở tỉnh Sơn Đông, làm tê liệt hệ thống điều hòa và "giam" hành khách trong những toa tàu sang trọng ngột ngạt, nóng bức nhiều giờ liền.   Ngày 12-7, sự cố mất điện thứ hai làm 30 con tàu tạm ngưng hoạt động. Ngay hôm sau, ngày 13-7, máy biến thế bị hư làm một con tàu mất tốc độ, chỉ còn bằng một nửa tốc độ tối đa, buộc hành khách phải chuyển qua một con tàu dự phòng.

Với tốc độ 250 - 300 km/giờ, "viên đạn bạc" có thể đi lại Bắc Kinh - Thượng Hải trong 2 giờ 48 phút

Tất cả các sự cố này đều bị đổ lỗi cho bão và gió nhưng cũng không thể thuyết phục dư luận thôi cho rằng một trong những nguyên nhân là do dự án đã phải chạy đua để kịp khánh thành nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc 1-7.   Thời gian thi công vỏn vẹn 39 tháng càng khiến người ta nghi ngờ về chất lượng cũng như sự an toàn của dự án tốn kém đến hơn 217 tỉ nhân dân tệ (khoảng 33,6 tỉ USD).

Trung Quốc tuyên bố tàu cao tốc Nhật Bản không thể "đua" lại tàu nước này

Ê chề hơn khi người phát ngôn Vương Dũng Bình của Bộ Đường sắt Trung Quốc từng mạnh miệng khẳng định tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải vượt xa công nghệ của Nhật Bản. "Họ thậm chí còn không chạy được cùng tốc độ với chúng tôi" - ông Wang nói trong một cuộc giao lưu trực tuyến với người dân ngày 7-7.

Đáp lại chỉ trích của một số tờ báo Nhật cho rằng Trung Quốc "học lóm" công nghệ shinkansen của Nhật, ông Vương nói: "Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp tích cực và gợi ý hợp lý của báo chí nước ngoài nhưng chúng tôi rất buồn khi một số tờ báo chỉ trích quá đáng. Tốt nhất là họ nên tự lo chuyện của mình trước khi đi chỉ trích nước khác".

"Bài học máu" bi thảm do bệnh thành tích?

Nhưng những sự cố trên không là gì so với vụ lật tàu thảm khốc ngày 23-7 tại TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.

4 toa tàu đã bị hất tung xuống đất trong tai nạn ngày 23-7. Ảnh: Reuters

Một đoàn tàu bị sét đánh trúng đã đứng khựng trên đường ray và bị đoàn tàu khác húc trúng từ phía sau, khiến 6 toa tàu trật đường ray, trong đó 4 toa lao xuống đất từ độ cao 20 - 30m.   Giết chết 39 người tính đến thời điểm hiện nay và làm bị thương 192 người, đây là tai nạn đường sắt chết chóc nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2008.   Hai đoàn tàu gặp nạn được đưa vào sử dụng từ năm 2007 với tốc độ tối đa 250 km/giờ, chậm hơn so với tàu Bắc Kinh - Thượng Hải mới.

39 người đã chết và 192 người bị thương tại Ôn Châu. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân tai nạn được cho là do sét đánh trúng đoàn tàu thứ nhất gây mất điện. Tuy nhiên, giáo sư Qi Qixin của Viện Nghiên cứu phương tiện giao thông thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh đặt vấn đề: "Ở đây có lỗi vận hành. Lẽ ra hệ thống phải tự động cảnh báo hoặc dừng đoàn tàu thứ hai khi xảy ra sự cố như vậy".   Hàng trăm triệu người dân Trung Quốc di chuyển bằng tàu cao tốc hằng ngày trở nên lo lắng sau vụ tai nạn tại Ôn Châu bất chấp sự trấn an của chính phủ. Do đó, không có gì khó hiểu khi báo chí và dư luận Trung Quốc giận dữ cùng cực. Hàng ngàn người Trung Quốc đã tràn lên mạng xã hội Weibo, kêu gọi Bộ trưởng Đường sắt Thịnh Quang Tổ từ chức.    "Những kỹ sư đã thi công đường sắt cao tốc không bao giờ đi tàu cao tốc vì họ hiểu rất nguy hiểm" - một cư dân mạng viết. Thậm chí có người nghi ngờ mức độ thảm khốc của tai nạn đã bị che giấu bớt.

Hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đi lại bằng tàu cao tốc rất lo lắng. Ảnh: TIME

Dự án đường cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải tượng trưng cho tham vọng mở rộng hệ thống đường cao tốc vốn đã lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Được thiết kế để phô trương sự giàu có và khả năng kỹ thuật, dự án tàu cao tốc được chăm chút không thua gì chương trình không gian của Trung Quốc.

Hệ thống đường cao tốc Trung Quốc đã lớn nhất thế giới. Đồ họa: New York Times

Trung Quốc nuôi tham vọng nối đường cao tốc sang châu Âu... Ảnh: TIME

...và bán tàu điện cho Mỹ Latin, Trung Đông. Ảnh: TIME

Chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố chi 120 tỉ USD/năm trong nhiều năm để xây dựng đường cao tốc với mong muốn hệ thống này trải dài hơn 45.000 km vào cuối năm 2015 và sau đó vươn sang châu Âu. Trung Quốc còn nuôi hy vọng bán tàu điện cho Mỹ Latin và Trung Đông.

Chính vì vậy, dù mới được khai sinh từ năm 2007, hệ thống đường cao tốc đã phát triển kinh hồn và hiện đứng đầu thế giới với 8.358 km đường ray vào cuối năm 2010.

Tàu cao tốc Trung Quốc đạt tốc độ cao nhất 355 km/giờ, vượt tàu Nhật Bản (260 km/giờ) và tàu Mỹ (116 km/giờ). Ảnh: TIME

Nhưng đây cũng là một trong những đại dự án vướng phải scandal nhiều nhất. Ngoài 3 quan chức hàng đầu của ngành đường sắt Thượng Hải vừa bị đình chỉ để điều tra sau vụ tai nạn ở Ôn Châu, hồi tháng 2/2011, Bộ trưởng Lưu Chí Quân đã bị cách chức vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Theo báo giới Trung Quốc, ông Lưu đã bỏ túi 800 triệu nhân dân tệ nhờ tài "vẽ" các dự án đường sắt và "bao" đến 10 cô nhân tình.

Trung Quốc hết cơ hội xuất khẩu tàu lửa cao tốc?

Hãng sản xuất tàu khách hàng đầu của Trung Quốc CSR và tập đoàn đường sắt Trung Quốc CNR, gồm nhà thầu xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRC) cùng các công ty sản xuất thiết bị đường sắt như Chu Châu CSR Times Electric đã và đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc thì "cơ hội của họ là con số không", theo ông Edwin Merner, chủ tịch công ty nghiên cứu chiến lược kinh doanh Atlantis Investment Research tại Tokyo. "Tôi không nghĩ rằng họ có thể khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư", ông nói.

Cổ phiếu của hãng CSR, nhà thầu sản xuất của cả hai đoàn tàu trong vụ tai nạn ngày 23.7, đã rớt giá thảm hại nhất trong vòng ba năm qua trong phiên giao dịch tại Hong Kong ngày 25.7, CRC cũng trong tình trạng tương tự. Người ta lo ngại rằng vụ tai nạn vừa qua có thể làm tổn thương khả năng xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc và phá vỡ các kế hoạch trong nước. CSR, trụ sở Bắc Kinh và công ty đối tác General Electric (GE, Mỹ) dự định tham gia bỏ thầu đơn hàng xe lửa cho đường tàu cao tốc tại California, Mỹ. Đối thủ cạnh tranh của họ còn có tập đoàn Siemens AG của Đức, Alstom SA của Pháp và Bombardier của Canada.

Theo ông Ryota Himeno, nhà phân tích của Công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, "có lẽ rất ít cơ hội cho Trung Quốc tham gia vào ngành đường cao tốc ở Mỹ..., độ an toàn còn phải được xem trọng nhiều hơn nữa".

Sau vụ tai nạn thảm khốc 23.7, Trung Quốc ra một kế hoạch xem xét lại độ an toàn của hệ thống đường sắt cao tốc, kéo dài hai tháng và sa thải ba quan chức. Hôm qua 25.7, trả lời các câu hỏi qua điện thoại từ Bloomberg News, một quan chức đầu tư tên Zhang nói vẫn còn "quá sớm" để đánh giá các tác động của tai nạn trên đến các đơn đặt hàng của CSR. Hiện hãng này đang có các đơn đặt hàng ở nước ngoài trị giá tới 13 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2 tỉ USD), ký vào cuối năm ngoái, trong đó có một hợp đồng ở Malaysia.

Nhà phân tích Huang Kui và Li Xiaoguang thuộc công ty chứng khoán Shenyin & Wanguo cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải tạm hoãn phát hành hồ sơ dự thầu cho các dự án đường sắt trong nước sau vụ tai nạn.

Ông Chu Hải, chuyên gia công ty chứng khoán Pingan hôm 25.7 cũng bình luận rằng các vụ tai nạn cũng có thể làm giảm lòng tin của du khách trong nước vào đường tàu cao tốc, họ sẽ sử dụng máy bay để thay thế.

Ông Wang Zhiguo, Thứ trưởng Bộ đường sắt Trung Quốc hồi tháng 1.2011 cho biết Trung Quốc có kế hoạch xây thêm 16.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2015. Nước này đã khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên vào năm 2007.

Một tuyến tàu cao tốc dài 1.318 km trị giá 34 tỉ USD, nối Bắc Kinh với Thượng Hải, chỉ mới đưa vào hoạt động ngày 30.6 cũng đã nhiều lần gặp sự cố dừng tàu do dông bão.

Ông Byun Sung Jin, nhà phân tích tại công ty cổ phần chứng khoán Mirae Asset ở Seoul, Hàn Quốc nhận xét: "Trung Quốc đã đầu tư lớn để xây dựng xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc, nhưng vấn đề là họ đang làm quá nhanh, giống như một quả bong bóng, nếu thổi quá to, nó sẽ nổ."
-------------------------------------------------
Tác giả: Bằng Vy - Tuyết Hạnh (Theo AFP, Fox News, Los Angles Times, Bloomberg)

Tổng hợp (SGTT & NLĐ) // Nguồn VEF

  • IMF: Hàn Quốc nên tăng lãi suất và nâng giá nội tệ
  • Các "siêu" thành phố tăng vọt tại Châu Á
  • Niềm tin người tiêu dùng châu Á đang giảm sút
  • Điều gì sẽ đến nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4%?
  • Tai nạn tàu cao tốc ở Trung Quốc: Tham vọng và hậu quả
  • Cưới xin ở Trung Quốc ngày càng tốn kém
  • Xâm nhập thế giới “hàng hiệu giá bèo” ở Trung Quốc
  • Ấn Độ phát hiện mỏ uranium “khủng”