Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu đã sai lầm trong dự án vận chuyển khí đốt Nabucco?

Có thể, châu Âu đã sai lầm trong dự án vận chuyển khí đốt Nabucco - một dự án được khởi động từ năm 2002 song cho đến nay vẫn bị bế tắc và ngay cả khi xây dựng xong cũng chưa chắc còn khí đốt để mà vận chuyển.

Dự án xây dựng đường ống Nabucco dài 3.300 km nhằm vận chuyển khí đốt từ vùng biển Caxpi ở Trung Á đến Trung Âu trị giá khoảng 8 tỷ euro, do các tập đoàn tư nhân đầu tư với sự hậu thuẫn của Liên minh châu (EU). Được thiết kế để vận chuyển khí đốt ở vùng vịnh Caxpi, Trung Á và Cận Đông (Azerbaidan, Turkmenistan và Iran), hệ thống đường ống của Nabucco tránh đi qua Nga và Ukraina đến Eruzun (phía đông Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đó đi qua Bungary, Rumany, Hungary và đến Cộng hòa Áo.

Dự án Nabucco nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt từ Nga và tăng cường an toàn năng lượng. Theo tính toán sơ bộ, trong 20 năm tới, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ tăng 30%. Vì chỉ tự sản xuất được một phần, tiêu thụ khí đốt của châu Âu hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ Nga.

Khí đốt Nga được chuyển sang châu Âu qua đường đường ống "Druzba", chạy qua lãnh thổ Ukraine và khá mạo hiểm xét về góc độ an toàn năng lượng, do những đụng độ liên miên về giá khí đốt giữa hai nước này trong những năm qua.

Theo kế hoạch, Nabucco - với công suất vận chuyển 31 tỷ m3/năm - có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu bắt đầu từ năm 2015, nhưng công suất tối đa sẽ chỉ đạt được vào năm 2020. Các tập đoàn năng lượng tham dự đề án Nabucco gồm Mol Nyrt. (Hungary), OMV (Áo), Transgaz (Rumany), Botas (Thổ Nhĩ Kỳ), Bulgargaz (Bungary) và RWE (Đức).

Nếu được xây dựng, Nabucco sẽ là đối thủ lớn của các hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt Nga, đặc biệt là dự án Southstream (Dòng chảy phương Nam) tránh đi qua Ukraine, đưa khí đốt dưới lòng Biển Đen qua Bungary và có tham vọng "bá chủ" khí đốt tại Tây Âu.

Được khởi xướng từ đầu những năm 2000, nhiều năm qua, Nabucco bị coi là "dự án chỉ nằm trên giấy", vì rất nhiều trở ngại về chính trị và ngoại giao. Là một đại dự án với sự tham gia của nhiều tập đoàn năng lượng, nhưng mỗi bên tham dự án đều có những đòi hỏi, yêu sách riêng và nhìn chung, đều lừng chừng, không dứt khoát, khiến công việc chung bị ảnh hưởng.

Nguồn khí đốt cung cấp trong dự án cũng là một vấn đề nan giải, vì các quốc gia Trung Á luôn là tâm điểm giành giật giữa châu Âu, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong những năm qua, Mátxcơva đã nỗ lực và đạt được một số thành công trong việc "vận động" với các quốc gia có thể cung cấp khí đốt cho Nabucco, để họ dành phần khí đốt đó cho Nga.

Đứng trước sự ve vãn của cả hai bên, các nước Trung Á đang “bắt cá hai tay” và sẽ ký thỏa thuận trước với bên nào có lợi hơn cả (trong trường hợp này, rất có thể Nga là người chiến thắng. Vì thế, người ta không loại trừ khả năng Nabucco lại phải mua khí đốt của những đối thủ như Nga và Iran.

Mới đây nhất, Azerbaidan đã đàm phán với hơn 20 tập đoàn năng lượng và tuyên bố sẽ hợp tác với bên nào trả giá cao nhất. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga khẳng định không ai có thể cạnh tranh với giá cả họ đưa ra trong cuộc chiến này.

Tình trạng giằng co diễn ra trong dự án Nabucco đã khiến mới cho 2 trong số 6 tập đoàn năng lượng tham gia dự án đường ống này là OMV và RWE tuyên bố sẽ xem xét có nên tham gia dự án này hay không và quyết định sẽ chỉ được đưa ra vào năm sau. Như thế, Nabucco một lần nữa lại bị trì hoãn, mặc dù theo quyết định đưa ra năm ngoái là trong năm 2010, nhất thiết phải thống nhất được lần cuối sự tham gia và đầu tư của các bên liên quan.

Đáng chú ý là một trong hai tập đoàn năng lượng kể trên là OMV đã gia nhập dự án Southstream của Nga. Cho đến nay, ngoài Gazprom, đã có thêm các tập đoàn của Italia, Pháp và cả Đức tham gia dự án này. Ngoài ra, việc Hungary và Bungary cũng đã ký thỏa thuận tham dự Southstream có thể là một đòn nặng giáng vào Nabucco.

Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao-kinh tế gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang tăng cường tiếp cận nguồn cung năng lượng Trung Á cũng như gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Trong chuyến công du Trung Á hồi tháng 6/2010, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký một loạt hợp đồng năng lượng với các đối tác trong khu vực: từ Uzbekistan đến Kazakhstan.   Hiện có hơn 300 cơ sở của Trung Quốc đang hoạt động tại Trung Á trong nhiều lĩnh vực: từ xây dựng, đường sắt đến viễn thông, nông nghiệp… Tại thủ đô Astana (Kazakhstan), lãnh đạo hai bên đã ký kết thỏa thuận liên quan tới dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối liền Kazakhstan với Trung Quốc. Theo đó, 20% sản lượng khí đốt tự nhiên của Kazakistan, tương đương 8 triệu m3, được dành để cung cấp cho Trung Quốc.

Trong một cuộc tiếp xúc hồi tháng 12/2009 với lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, trong đó có Chevron (Mỹ), ArcelorMittal (châu Âu) và Total (Pháp), Tổng thống Nazarbayev tuyên bố rằng Kazakhstan đang tìm kiếm các đối tác mới và Astana chỉ làm việc với những đối tác thực sự muốn giúp Kazakhstan đa dạng hóa cơ cấu kinh tế. Tổng thống Nazarbayev cũng đã không quên đề cao vai trò của đối tác Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng đây là "lời cảnh cáo" của Astana nhắm vào châu Âu và Mỹ.  

Có thể nói rằng Kazakhstan là "cánh cổng đã rộng mở " giúp Trung Quốc vào thị trường năng lượng Trung Á. Năm 1997, Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ chiến lược với Kazakhstan thông qua thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu có chiều dài 3.000 km. Đến năm 2005, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) lại rót gần 4 tỷ USD cho tập đoàn năng lượng PetroKazakhstan của Cadắcxtan để kiểm soát 38% vốn của tập đoàn này. Sau đó, Trung Quốc chi 2 tỷ USD năm 2006 để làm chủ một phần khu khai thác dầu khí đốt Karazhanba. Năm 2009, Trung Quốc đồng ý cho Kazakhstan vay 10 tỷ USD.

Trung Quốc còn mua khí đốt của Turkmenistan và  tham gia khai thác khu Nam Iolotan, nơi được coi là 1 trong 5 vựa dầu khí tiềm năng nhất thế giới. Trung Quốc cũng nhắm tới nguồn dầu khí của Uzbekistan - quốc gia sản xuất tới 60 tỷ m3 khối khí đốt/năm (trong đó 10 tỷ mét khối được dành cho Trung Quốc).
       
Không chịu chậm chân, Ấn Độ cũng ra sức cạnh tranh để có được nguồn khí đốt Trung Á. Ngày 20/9, các bộ trưởng năng lượng Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ đã phê chuẩn hiệp ước xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI dài 1700 km. Dự án này cho phép đến năm 2015 Turkmenistan xuất khẩu 33 tỷ mét khối/năm qua Ấn Độ và Pakistan.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Lo ngại Ireland sẽ trở thành Hy Lạp thứ 2
  • Khủng hoảng nợ châu Âu: Giới đầu tư hoang mang
  • EU: Nguy cơ đối mặt với nhiều gói cứu trợ mới
  • Anh muốn đo hạnh phúc của người dân
  • Kinh tế Anh hứa hẹn khởi sắc sau đám cưới hoàng gia
  • Một cuộc khủng hoảng, 2 cách phản ứng
  • Ba Lan cho Mỹ mượn căn cứ không quân triển khai F-16
  • Châu Âu chính thức thông qua gói giải cứu Ireland 113 tỷ USD