Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di sản nợ trái phiếu của Liên Xô từ thời Brezhnev: Nga sụm lưng với 785 tỷ USD nợ trái phiếu 1982

đồng rupNhững người đang giữ trái phiếu bán trong năm cuối cầm quyền của Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev, nay đang tìm cách đòi lại qua kênh tòa án Châu Âu thứ mà họ không đòi được từ Tổng thống Nga Vladimir Putin: tiền.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasborg tháng trước vừa yêu cầu nước Nga phải trả cho Yuriy Lobanov, một người đàn ông tầm 70 tuổi, sống tại vùng Ivanovo gần Moscow, số tiền 37.150 Euros (tương đương 46.497 USD) để đền bù cho số trái phiếu ông mua từ năm 1982, tức là khoảng 140 lần tiền lương hưu tháng của ông. Mariya Andreyeva, một người phụ nữ 95 tuổi, từng sống sót qua thời Đức Quốc xã bao vây thành phố Leningrad, cũng được phán quyết hưởng 4300 euros tiền trái phiếu.

Những trái phiếu này là một phần của tổng số 25 nghìn tỷ ruble (785 tỷ USD), bằng gần một nửa tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Nga, mà chính phủ khẳng định là vẫn đang nợ công chúng. Tổng thống Putin đang phải tìm cách trì hoãn, gần đây nhất hồi tháng 4 ông đã ký một quyết định dừng thanh toán tiền nợ trái phiếu cho tới ít nhất năm 2015. Nhưng nay được ủng hộ bởi phán quyết tòa án Châu Âu, những người chủ trái phiếu đang đòi hỏi được trả tiền.

“Lẽ ra tất cả những khoản nợ này phải được trả hết từ hồi thập kỷ 1990”, nhận xét từ Boris Kheyfets, một chuyên gia quản lý nợ của Liên Xô trước đây, nay làm việc tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. “Làm sao chúng ta lại để nợ tích tụ khổng lồ đến thế? Mọi thứ sẽ sụp đổ tức thì.”

Nhà nước Liên Xô bắt đầu phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm từ năm 1982, cho các trái phiếu mệnh giá 25, 50, và 100 ruble, một phần để trả những khoản nợ trái phiếu trước đây, và một phần khác nhằm rút bớt tiền mặt ra khỏi nền kinh tế chỉ huy tập trung nghèo nàn hàng hóa của thời kỳ ấy.

Không giống như chính quyền Liên Xô trước đây thường tìm cách dàn xếp những khoản nợ tương tự với những khoản hoàn trả chỉ bằng một phần giá trị khoản nợ, chính quyền Nga đã cam kết sẽ thanh toán đầy đủ. Tổng thống Boris Yeltsin thời kỳ ấy đã ký một đạo luật vào năm 1995, trong đó buộc chính phủ phải khôi phục lại những khoản tiết kiệm cho người dân qua các tài khoản ngân hàng, và bảo đảm giá trị trái phiếu Liên Xô tương đương với giá trị hàng hóa mua được vào năm 1990. Những khoản thanh toán đã được trả rất đúng hạn trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Putin, khi giá dầu tăng cao đẩy cán cân ngân sách lên thặng dư. Nhưng nay khi Putin trở lại điện Kremlin với nhiệm kỳ thứ ba, cán cân ngân sách đã trở về mức cân bằng. 

“Rõ ràng là việc thực hiện theo kế hoạch khôi phục các khoản tiền tiết kiệm trước đây của công chúng sẽ tạo nên những gánh nặng kinh khủng lên ngân sách liên bang”, nhận định từ Bộ Tài chính Nga trong báo cáo chiến lược nợ gần nhất được công bố cách đây 1 năm. “Nếu điều này xảy ra, nhà nước sẽ mất khả năng thanh toán các chi phí khác trong một giai đoạn kéo dài”.

‘Không còn gì hết’


Trong thập kỷ 1990, nước Nga đã thông qua những đạo luật mà không hề suy tính làm cách nào để có nguồn kinh phí thực thi, Putin nói trong một cuộc họp về nhân quyền giữa các lãnh đạo tầm khu vực hôm 16/8. Trả lại tiền cho những khoản tiết kiệm bị mất trước đây sẽ ngay lập tức đồng nghĩa với việc ‘không còn gì hết để trả lương cho quân đội, bác sĩ, và giáo viên’, Putin nói. Nước Nga chỉ nên tiếp tục thanh toán trong phạm vi khả năng có thể, đối với những người giá nhất từng bị mất tiền tiết kiệm, ông nói.

Kế hoạch của Bộ Tài chính với mục tiêu bồi thường cho những “nạn nhân” già nhất có thể coi là giải pháp tốt nhất, và những khoản thanh toán ít một cần được tiếp tục, Putin khẳng định. “Đây là một vấn đề mang tính di sản của quá khứ, nhưng chúng ta cần làm điều gì đó để giải quyết nó.”

Chính phủ dự định dành 50 tỷ ruble trong ngân sách năm nay để trả cho những khoản tiết kiệm bị mất trước đây, và dành những khoản ngân sách tương đương cho việc này vào các năm 2013, 2014. Những người tiết kiệm bị chết cũng sẽ được trợ cấp tang lễ 6000 ruble, tức là gần 200 USD.

“Chúng ta tiến hành thanh toán hằng năm, nhưng với số tiền rất ít”, Kheyfet nhận xét. “Có lẽ đây nó sẽ tiếp tục như vậy cho tới khi những người được thanh toán qua đời”.

Chiến lược câu giờ này có lẽ chưa hẳn đã là khôn ngoan dưới góc nhìn luật pháp quốc tế. Trong phán quyết cho trường hợp của Lobanov, các thẩm phán ở Strasbourg đã chỉ ra rằng việc nước Nga từ chối cho biết có bao nhiêu trái phiếu năm 1982 là nợ phải trả, và sự lặp đi lặp lại hành động treo các khoản thanh toán, “là không có lý do rõ ràng đối với tòa án”. 

Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện cho nước Nga tại tòa án Strasbourg, khẳng định trong một bản fax rằng cơ quan này thừa nhận tất cả những phán quyết từ Tòa án Nhân quyền Châu Âu, với bổ sung rằng phán quyết vụ Lobanov chỉ áp dụng cho trái phiếu 1982. Bộ Tài chính Nga từ chối đưa ra ý kiến về việc này.

Khoản dư nợ ước tính tới 25 nghìn tỷ ruble, nếu được thừa nhận đầy đủ, sẽ làm tăng dư nợ của Nga lên gần gấp 10 lần, nhận định từ Vladimir Osakovskiy, kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ở Moscow. Những vụ dàn xếp trước đây cho thấy Nga sẽ tìm ra cách giảm trừ tổn hại đối với xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc gia của mình, ông nói.

“Hồi năm 1997, Nga đã dàn xếp trả nợ những trái phiếu từ thời Sa Hoàng và chỉ phải thanh toán 400 triệu USD, tức là ít hơn 1% giá trị thực chất của lãi vay sau 100 năm”, ông nói. “Chúng tôi dự đoán rằng một phương án dàn xếp tương tự cũng sẽ được thực hiện trong vụ này”. 

Nhưng theo Saleh Daher, giám đốc điều hành công ty Turan chuyên đầu tư kinh doanh các khoản nợ thương mại của Liên Xô, thì nước Nga có lẽ sẽ chỉ tiếp tục việc thanh toán sau khi một nhóm lợi ích có mối quan hệ chính trị đủ mạnh thâu tóm được những trái phiếu này.

“Sẽ có người kiếm được tiền từ vụ này”, Daher nói qua điện thoại từ Boston, nơi công ty Turan đặt trụ sở. “Và tôi cho rằng ít có khả năng số tiền nợ sẽ đến được tay những người bị nợ tiền hưu trí, hay những người chủ ban đầu của những trái phiếu này”.

Một trong những người chủ trái phiếu ban đầu như vậy là Boris Andreyev, một người thợ điện 65 tuổi không hề có bằng cấp.

Trong gần 2 thập kỷ, Andreyev và mẹ của ông, bà Mariya Andreyeva, đã gửi đơn viết tay lên các tòa án và các bộ ngành đề nghị được thanh toán tiền. Số tiền 4300 euro mà tòa án Strasbourg phán quyết cho họ, vẫn còn quá ít ỏi, ông nói.

Trái phiếu của họ, được mua lại bởi một chương trình của nhà nước vào năm 1993, đem lại cho họ số tiền 3000 ruble trong một tài khoản tiết kiệm, nhưng số tiền này bị teo lại còn đúng 3 ruble sau khi nhà nước đổi tiền năm 1998. Tài khoản này vẫn được giữ nguyên không rút ra, và tích lũy tiền lãi, thành 5 ruble tổng cộng.

Andreyev, ngày nay sống với số tiền hưu trí hằng tháng là 6000 ruble, vẫn đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện của minh lên các tòa án của Nga.

“Nếu theo đúng giá trị tiền ruble thời Liên Xô, trái phiếu của chúng tôi có giá trị tương đương với một căn hộ chung cư một phòng”, Andreyev nói. “Nhưng số tiền 5 ruble mà chúng tôi được nhận lại chỉ đáng giá một cuộn giấy vệ sinh”.

Thanh Xuân lược dịch theo
http://www.bloomberg.com/news/2012-08-27/brezhnev-bonds-haunt-putin-as-investors-hunt-for-785-billion.html
Nguồn: Tia Sáng

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Châu Âu tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng
  • Giá nhà tại London vẫn đắt nhất thế giới
  • Những mặt hàng bị cấm cửa tại Olympics London 2012
  • London vắng tanh vì… Olympic
  • Bắc Cực: Chìa khóa tương lai kinh tế Nga?
  • Trào lưu “thắt lưng buộc bụng” của vua chúa châu Âu
  • Khó khăn: Phương Tây lo hút sinh viên quốc tế
  • Đất nông nghiệp Anh sẽ quý hơn vàng