Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi khủng hoảng kinh tế quét qua châu Âu

“Hi Lạp đang chảy máu” - Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras đã than như thế về hậu quả của các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong năm 2012. Rõ ràng, vết thương của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nếu lành cũng sẽ để lại những vết sẹo trong lòng châu Âu.

 

Một người không nhà Hi Lạp xin tiền ở trung tâm Athens - Ảnh: telegraph

Cảnh báo mới nhất đến từ Berlin, qua một bài báo hai kỳ trên Der Spiegel (1). Trong bài báo nhan đề Sự biến đổi của Berlin: Từ “nghèo mà gợi cảm” sang giàu và đắt đỏ, hai tác giả Wiebke Hollersen và Guido Mingels phát hiện những căn hộ Berlin đang âm thầm đổi chủ.

“Tị nạn euro” ở Berlin        

Nhiều căn hộ, nhà ở của những “người Berlin cũ” đang được sang tên cho những “người Berlin mới”. Đó là những người nước ngoài từ Đan Mạch, Ý... sang Berlin mua các căn hộ như một hình thức đầu tư, chuyển những khoản tiết kiệm bằng đồng euro sang nơi không chỉ an toàn hơn mà còn có thể bán được ra thị trường. Hai tác giả trên đã gọi tình trạng này là “tị nạn euro”“. Giá căn hộ Berlin đã tăng 32% kể từ năm 2007, khoản tăng đáng kể so với các nơi khác trên nước Đức, do giá bất động sản ở Berlin thấp hơn nhiều so với Hamburg, Munich nên Berlin trở thành thiên đường đầu tư...

 

“Nếu một người tiêu dùng Tây Ban Nha chỉ chi có 17 euro khi đi mua sắm thì làm sao tôi bán một gói bột giặt với giá bằng một nửa túi tiền anh ta có?”. Sách lược của Unilever là một gói bột giặt chỉ đủ cho năm lần giặt.

JAN ZIJDERVELD
(giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Unilever)

Tổng cộng trong năm 2011 có tới 32.000 vụ chuyển nhượng bất động sản ở Berlin, tăng 20% so với năm trước, và xu hướng này vẫn tiếp diễn. Vấn đề là tới 85% người Berlin đang ở nhà thuê, nên khi nhà của họ đổi chủ, họ chỉ có hai cách: hoặc chấp nhận giá thuê cao hơn từ chủ mới, hoặc phải dời đi. Điều đó đang đe dọa niềm tự hào mang tên “hòa nhập Berlin”, một vùng đất mà do lịch sử để lại, là sự pha trộn đông - tây, với những đa dạng văn hóa và một mức sống tinh thần cao, phong phú.

Các nhà xã hội học đô thị Đức dự báo cư dân Berlin thu nhập thấp sắp tới sẽ dời ra vùng ngoại vi, nhường những vùng đất vàng cho giới thượng lưu châu Âu giàu có, và Berlin sẽ mất đi danh tiếng là một “sân khấu văn hóa sôi động” để trở thành “một thành phố như nhiều thành phố khác”.

Đó cũng chỉ là một trong các thay đổi diện mạo trong vùng “lõi” của châu Âu. Còn ở khu vực Tây và Nam Âu, nơi các chính phủ Pháp, Tây Ban Nha và Hi Lạp thực hiện những kế hoạch thắt lưng buộc bụng, bức tranh ảm đạm hơn nhiều.

Những “gói hàng Indonesia” ở Hi Lạp và Tây Ban Nha

Ngân sách của Pháp do chính quyền François Hollande của Đảng Xã hội (PS) giới thiệu tuần trước được cho là “ngặt nghèo” nhất trong các ngân sách thắt lưng buộc bụng kể từ thập niên 1980 của tổng thống Đảng Xã hội François Mitterrand. Tài khóa này kêu gọi cắt giảm thâm hụt ngân sách tới 30 tỉ euro (tức khoảng 38,6 tỉ USD). Ngân sách của Tây Ban Nha thì giảm tới 13,4 tỉ euro trong gói các biện pháp thắt lưng buộc bụng thứ tư được thông qua trong năm nay theo sau thắng cử của Đảng Bình dân (PP) tháng 11-2011. Các bộ bị cắt giảm chi tiêu nặng nhất có Bộ Nông nghiệp, Công nghiệp và Giáo dục.

Còn chính quyền liên minh Hi Lạp cũng tuyên bố hôm 1-10 kế hoạch cắt giảm chi tiêu 11,5 tỉ euro.

Trước tình hình này, tập đoàn khổng lồ về hàng tiêu dùng Unilever cho biết bắt đầu áp dụng ở châu Âu “chiến lược tiếp thị cho thế giới thứ ba”. Jan Zijderveld, người đứng đầu bộ phận kinh doanh châu Âu, nói quyết định này được đưa ra bởi nạn nghèo khó đang quay lại châu lục này. Tập đoàn này sẽ bắt đầu sản xuất các gói hàng nhỏ hơn, rẻ hơn mà Unilever đang bán ở châu Phi, châu Á cho thị trường châu Âu.

Zijderveld nói: “Ở Indonesia, chúng tôi bán các gói dầu gội cá nhân với giá hai hay ba xu (euro) mà vẫn kiếm được món lời kha khá, chúng tôi từng biết cách làm điều đó. Nhưng ở châu Âu chúng tôi đã quên chuyện này trong nhiều năm, cho đến khi khủng hoảng”. Nay ở Hi Lạp, Unilever bán khoai tây cắt lát và xốt mayonnaise trong các gói nhỏ hơn; tương tự là trà, dầu ôliu.

Ở Tây Ban Nha, Zijderveld nói: “Nếu một người tiêu dùng Tây Ban Nha chỉ chi có 17 euro khi đi mua sắm thì làm sao tôi bán một gói bột giặt với giá bằng một nửa túi tiền anh ta có?”. Sách lược của Unilever là một gói bột giặt chỉ đủ cho năm lần giặt.

Khủng hoảng kinh tế thậm chí đang đe dọa ổn định chính trị. Tình hình đang nóng lên ở Catalonia (Tây Ban Nha), một khu tự trị chỉ góp 16% dân số nước này nhưng lại tạo ra hơn 20% GDP. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc người Catalonia phải nộp 16 tỉ euro thuế, nhiều hơn số tiền chính quyền trung ương chi cho họ, bị cho là bất công.

Những cuộc biểu tình ồ ạt đòi cắt giảm thuế trên đường phố Barcelona (thủ phủ Catalonia) đã nổ ra. Những người biểu tình, bất mãn trước các yêu cầu kinh tế không được Madrid đáp ứng, đã yêu cầu tách khu tự trị này khỏi Tây Ban Nha. Cuộc biểu tình tới 1,5 triệu người Catalonia tham gia hôm 25-9 cho thấy cứ năm người Catalonia thì có một nghiêng về chủ nghĩa phân lập.

Và Tây Ban Nha không là nước duy nhất mà khủng hoảng kinh tế đang tiếp sức cho các phong trào ly khai. Ở Ý, nhiều cư dân khu vực South Tyrol (vùng đất Ý thôn tính từ Áo sau Thế chiến thứ nhất, có mức thất nghiệp chỉ 4,1%, thấp nhất EU) cũng đã tuần hành hồi tháng 4 đòi “độc lập khỏi Rome” với lý do “không thể tiếp tục cùng gánh chịu núi nợ của miền nam tham nhũng”. Người Scotland cũng đang lên kế hoạch trưng cầu ý dân đòi độc lập khỏi vương quốc Anh vào mùa thu 2014.

Cả trong vùng lõi

Khủng hoảng kinh tế không chỉ mở rộng hố ngăn cách giàu nghèo ở những nước con nợ ngặt nghèo. Hai báo cáo gần đây nhất về các điều kiện sống ở Anh và Đức đã chỉ rõ sự phân cực này ngay trong vùng lõi ổn định của châu Âu.

Báo cáo Who gains from growth? (tạm dịch: Ai được lợi từ tăng trưởng?) (2) được Viện Các nghiên cứu chính sách (IFS) thực hiện cùng với Viện Nghiên cứu kinh tế (IER) dự đoán mức sống của các hộ gia đình thu nhập thấp và trung ở Anh sẽ giảm đáng kể trong tám năm tới. Cụ thể, thu nhập các hộ gia đình này sẽ giảm tới 15% đến năm 2020.

Một báo cáo khác thực hiện trong bốn năm của Bộ Lao động Đức tên “The wealth and poverty report” (tạm dịch: Báo cáo giàu nghèo) cho thấy khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng ở đất nước được vinh danh là nơi có câu chuyện kinh tế thành công nhất châu Âu. Tổng tài sản của 10% người giàu nhất tăng từ 45% năm 1998 lên 53% năm 2008. Trong khi đó 16% dân số nằm ở “nguy cơ nghèo”, theo báo cáo.

“Thu nhập theo giờ không đủ - ngay cả khi một người làm việc toàn thời gian - để nuôi một hộ gia đình chỉ một người, đang làm gia tăng nguy cơ nghèo này và làm xói mòn sự gắn kết xã hội”, báo cáo cho biết.

Trước thực tế này, báo Anh Observer cảnh báo “sự phân cực này đang gây tổn hại cho các cá thể công dân, cơ thể chính trị, sự gắn kết xã hội và sức khỏe của tương lai, cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của nước Anh. Không được để nó xảy ra”. Hay đáp lại bản báo cáo của Chính phủ Đức, tờ Frankfurter Rundschau lo âu: nếu không có hành động kịp thời, bản báo cáo sắp tới sẽ chỉ ra một khoảng cách giàu nghèo lớn hơn, và hỏi: “Làm sao xã hội có thể khoan thứ khi người giàu cứ giàu hơn. Không ai có câu trả lời”.

DUY VĂN
Theo Tuổi Trẻ

____________

(1): http://www.spiegel.de/international/germany/real-estate-boom-threatens-to-end-dream-of-affordable-life-in-berlin-a-859420.html
(2): http://www.resolutionfoundation.org/media/media/downloads/Who_Gains_from_Growth.pdf

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Kinh tế Anh: Sương mù đã quang
  • Hy Lạp “sắp cạn tiền đến nơi”
  • Tuyến 2 của "Dòng chảy phương Bắc" đã hoạt động
  • Anh cắt giảm phúc lợi xã hội để kiềm chế thâm hụt
  • Quyền lực năng lượng Nga ở châu Âu
  • Nga - EU: Âm thầm cuộc chiến năng lượng
  • ECB trở nên vô dụng trong cuộc khủng hoảng mới của châu Âu?
  • Kinh doanh sự an toàn: Nghề béo bở ở Luân Đôn